Theo đó, đã có rất nhiều kinh nghiệm, bài học được mọi người chia sẻ để thoát thân từ trong đám cháy. Trong đó, đáng lưu ý có một bài chia sẻ rất cụ thể của bác sỹ Trần Văn phúc – Khoa chẩn đoán hình ảnh, BV Xanh – Pôn.
“Một người có thể liều mạng ném mình qua cửa sổ, đó là cách nhanh nhất để thoát khỏi tòa nhà cao tầng đang bốc cháy, nhưng chỉ có thần chết đang chờ đón họ ở phía dưới.
Vậy đâu là con đường an toàn để bạn thoát ra khỏi tòa chung cư đang bốc cháy? Câu trả lời ngắn gọn được các nước tiên tiến đúc rút thành bài học xương máu, là bạn phải biết chạy trốn đúng cách” – BS Phúc chia sẻ .
BS Trần Văn Phúc - Khoa chẩn đoán hình ảnh, BV Xanh - Pôn. |
- Hãy thuộc lòng kế hoạch chạy trốn
Điều tối quan trọng giúp bạn sống sót là phải thuộc lòng kế hoạch chạy trốn một cách khoa học và trật tự.
Kế hoạch chạy trốn phải được cơ quan PCCC xây dựng, hàng năm rà soát kiểm tra lại, chỉnh sửa và bổ sung, sau đó thông báo cho cư dân và ban quản lí tòa nhà đề nắm rõ, gửi cho bạn học thuộc lòng.
Nên nhớ, các tòa nhà cao tầng dù được thiết kế tốt thế nào chăng nữa, thì việc di tản trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn không bao giờ là nhanh và dễ dàng. Vì thế mà bạn luôn phải thuộc lòng kế hoạch chạy trốn.
- Luyện tập chạy trốn là chìa khóa sống còn
Cho dù căn hộ là 3 tầng hay 30 tầng, thì chìa khóa để sống sót khi xảy ra hỏa hoạn là bạn phải luyện tập cách cách chạy trốn theo đúng kế hoạch đã xây dựng.
Luyện tập chạy trốn phải có sự tham gia của tất cả cư dân, diễn ra thường xuyên, ít nhất mỗi năm một lần. Các kĩ năng trốn thoát phải được luyện tập rất kĩ, đảm bảo bạn phải thực sự thuần thục nó.
- Chạy đúng cách
Hãy nhớ nguyên tắc khi chạy cần có 3 điểm tiếp xúc: 2 bàn chân và 1 bàn tay.
Đám cháy có xu hướng bốc khói lên cao, trong khói có nhiều khí độc và muội như CO, CO2, SO, SO2 . Trên 90% nạn nhân chết do hít phải khói có khí độc và muội.
Vì thế mà bạn chạy trốn, một tay dùng vải ướt che mũi và miệng để giảm bớt hít phải khí và muội độc, tay còn lại cùng với đôi chân di chuyển ở tư thế thấp, có thể giống tư thế bò.
- Tránh va chạm khi chạy
Khi chạy trong cầu thang thoát hiểm, để tránh va chạm gây chấn thương, tránh ùn tắc, không gây cản trở làm chậm dòng chạy của tất cả mọi người; thì điều quan trọng là bạn phải tuân thủ đúng luồng chạy đã quy định trong kế hoạch chạy trốn.
Ví dụ, tòa nhà của bạn quy định tất cả mọi người phải luôn chạy phía bên phải, vậy khi bạn chạy xuống thì tay phải sẽ vịn vào tường, nếu chạy lên thì tay phải sẽ vịn vào thành cầu thang.
Bàn tay rất quan trọng. Khi bạn vịn vào tường hoặc thành cầu thang, nó sẽ giúp bạn giảm chấn thương do va chạm với người khác, giúp bạn không bị vấp ngã do những chướng ngại vật xuất hiện trên đường chạy, đồng thời nó cũng giúp bạn dễ dàng xác định đường đi mà không bị lạc.
Cần biết rằng, một người khỏe mạnh sẽ mất khoảng 9 giây để chạy hết một tầng cầu thang, nghĩa là bạn sẽ cần tối thiểu 5 phút để thoát khỏi tòa nhà cao 32 tầng mà bạn là người ở tầng trên cùng.
Nhưng với người mắc bệnh lí cơ xương khớp, người già, trẻ em, người béo phì; thì thời gian chạy sẽ tăng lên tới 16 giây cho mỗi tầng, tức là họ phải mất 9 phút mới ra được khỏi tòa nhà.
Bởi vậy mà cần thiết phải có kế hoạch chi tiết, tổ chức luyện tập chu đáo cho những người chạy chậm, để giúp họ thoát khỏi tòa nhà an toàn.
- Chạy đi đâu
Tuyệt đối không chạy vào cầu thang máy. Không nên trốn chạy đường cầu thang bộ. Không chạy ra ban công rồi nhảy xuống đất. Cũng không đu dây bằng các vật liệu tự tạo, vì đứt dây, hay lửa cháy, không đủ sức đu xuống, chấn thương trong khi đu đều dẫn đến cái chết thương tâm.
Sân thượng không phải là nơi để bạn trèo lên, vì các cuộc cứu hộ cháy đều chỉ ra rằng rất khó khăn để đội cứu hộ tiếp cận được đến sân thượng.
Không chui vào nhà vệ sinh rồi đóng kín cửa.
Hãy nhớ chỉ có cầu thang thoát hiểm mới là con đường tuyệt vời nhất giúp bạn thoát chết.
Cầu thang thoát hiểm đạt chuẩn, sẽ luôn được đóng kín và tự đóng một chiều khi có người vào, đảm bảo khói và lửa không bị lọt vào khi đóng. Cánh cửa cầu thang làm bằng vật liệu chống cháy, nó đủ sức chịu được ngọn lửa dữ dội trong vòng 1 giờ mà người ở phía bên khia không bị nguy hiểm.
Bởi vậy mà khi bạn đang ở trong cầu cầu thang thoát hiểm, thì không nhất thiết bạn phải đi xuống tầng 1 để thoát ra ngoài, cũng đừng chạy thẳng lên sân thượng, trừ khi khói xộc vào.
Trong suốt quá trình chạy ở trong cầu thang thoát hiểm, bạn phải xác định rõ vị trí của mình đang ở tầng bao nhiêu, chú ý nghe lực lượng cứu hộ hướng dẫn từ bên ngoài qua loa phóng thanh. Ví dụ, đám cháy lớn ở tầng 5 không cho phép di chuyển xuống, nhân viên cứu hộ sẽ hướng dẫn bạn đang ở tầng 6 di chuyển lên tầng 8 để chờ đợi cứu hộ tiếp cận giải thoát bạn.
6. Khi nào thì cố thủ trong phòng ngủ
Trước khi mở cửa ra hành lang, bạn hãy dùng mu tay áp nắm đấm cửa hoặc chỗ khe hở, nếu thấy quá nóng nghĩa là phía ngoài cửa đang cháy lớn, khi đó sẽ không được mở cửa.
Trường hợp nắm đấm cửa không nóng, bạn mở cửa từ từ để quan sát, nếu thấy hành lang có khói dày đặc không thể thoát ra, thì ngay lập tức phải đóng cửa lại.
Ở trong phòng, bạn dùng băng dính, vải ướt nhét kín các khe hở để khói không chui được vào nhà. Chỉ mở cửa sổ khi đảm bảo không có khói và lửa vào căn phòng của bạn qua đường này. Chú ý mở tủ, ném hết quần áo, chăn màn, gối, túi xách, các vật dụng mềm dễ cháy xuống dưới đất.
Tìm mọi cách thông báo chính xác vị trí căn phòng bạn đang cố thủ, ví dụ như gọi điện, dùng đèn pin hay các vật dụng có màu sắc sặc sỡ ra kí tín ám hiệu.
7. Phòng để không phải chạy
- Không đốt vàng mã trong tòa nhà.
- Hạn chế thắp hương và không để tồn dư nhiều chân hương.
- Không hút thuốc lá trong nhà.
- Không nấu nướng khi quá mệt hoặc đang say xỉn.
- Bỏ thói quen vừa nấu ăn vừa xem phim Hàn Quốc.
- Không bật quạt, điều hòa, ti vi, bóng điện rồi để không.
- Loại bỏ đồ điện phải sửa đi sửa lại đã quá cũ.
- Ngắt cầu dao điện khi ra khỏi nhà.
- Vất bỏ những thứ chổi cùn rế rách không sử dụng.
- Trang bị bình chữa cháy.
- Nhà tầng thấp có thể trang bị thang dây, túi vải đàn hồi…
- Yêu cầu tòa nhà trang bị thêm vài chiếc còi báo động.
- Phải thuộc lòng số điện thoại cứu hỏa 114.
Cũng theo BS chia sẻ thêm, một tòa nhà cao tầng được thiết kế theo nguyên tắc ngăn không cho đám cháy lan rộng, nên rất ít khi chung cư bị chìm trong biển lửa giống như các căn hộ cá nhân, mà cháy chỉ xảy ra ở vài căn hộ hoặc một tầng.
Để sống sót khi xảy ra hỏa hoạn ở nhà chung cư, bắt buộc phải học thuộc kế hoạch di tản đồng thời phải tập luyện cho toàn bộ cư dân trong tòa nhà cách di tản đúng theo kế hoạch. Cầu thang thoát hiểm là con đường gần như duy nhất cứu sống mọi cư dân nên phải đảm bảo đạt chuẩn.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet