Có dịp lên mảnh đất vùng cao Đông Bắc Cao Bằng, mà chưa được nghe câu hát then của thiếu nữ Tày, có lẽ đó vẫn chưa hẳn là chuyến đi trọn vẹn. Dù phổ biến ở cả Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang, nhưng nói đến hát then, cao bằng vẫn luôn là cái tên được nhắc đến đầu tiên. Bởi theo lời truyền văn của các nghệ nhân ở nhiều nơi, đây chính là nơi xuất xứ của những làn điệu then da diết.
Hát then là nét đẹp trong văn hóa Tày. Ảnh: cpv.gov.vn |
Trước đây, hát then phục vụ cung đình, sau là cúng lễ. Bởi theo tiếng Tày, then có nghĩa là "thiên" nên điệu hát then được coi là điệu hát thần tiên, có tính chất trường ca, mang màu sắc tín ngưỡng thuật lại một cuộc hành trình lên thiên giới để cầu xin điều gì đó. Do đó, bao giờ hát then cũng được hát với đầy đủ nghi lễ và tổ chức ở nơi trang trọng nhất trong gia đình. Người hát then bao giờ cũng hát từng chương, từng khúc theo một trình tự và bài bản nhất định. Một cuộc hát then có thể chỉ dài một đêm nhưng cũng có thể dài tới mấy ngày đêm.
Tuy nhiên, là loại hình ca nhạc truyền miệng, cùng với thời gian hát then trở thành loại hình diễn xướng dân gian quen thuộc, dễ đi vào lòng người với ca từ và thanh âm hấp dẫn. Du khách đến với Cao Bằng có thể dừng chân ghé lại Hòa An nghe vài ba câu hát. Từ lâu nơi đây nổi tiếng trong dân gian bởi giọng then trữ tình, trầm bổng, thiết tha.
Cô gái Tày bên cây đàn tính. Ảnh: wordpress. |
Dường như mỗi ca từ của làn điệu hát then đều được chắt lọc từ lời ăn, tiếng nói trong cuộc sống của đồng bào Tày. Bởi vậy, khi vui người ta mời then, khi nhà có chuyện, then cũng được mời. Ở nhiều làn điệu, tình cảm sâu lắng của đồng bào cũng được gửi gắm vào mỗi lời ca, từ ca ngợi nghĩa tình, vẻ đẹp quê hương đất nước cho đến tình yêu đôi lứa nồng nàn. Người nghe như bị cuốn vào một câu chuyện bằng giọng kể du dương, dìu dặt, mà lời ca cứ ngọt ngào như thủ thỉ bên tai.
Trong mỗi cuộc hát then, cây đàn tính là nhạc cụ không thể thiếu. Theo truyền thuyết, cây đàn tính ngày xưa có 12 dây. Do âm thanh réo rắt làm muôn loài say mê nên người ta đã cắt đi, chỉ để lại 3 dây nhưng tiếng đàn vẫn vô cùng truyền cảm. Cũng có cây đàn tính 2 dây nhưng thường dùng cho nam và thuộc phường giàng , không giống với phường then khi người hát là nữ và dùng đàn tính 3 dây.
Hát then được truyền cho thế hệ sau. Ảnh: vietnamplus |
Đàn làm từ vỏ bầu độc đáo, thân gỗ dẻ, trên đầu khắc hoa văn treo vài sợi chỉ tua rua đẹp mắt. Chỉ với 3 dây nhưng dưới đôi bàn tay người thiếu nữ Tày, đàn tính cho âm thanh réo rắt như dòng suối chảy vang vọng khắp núi rừng, níu chân lữ khách. Sẽ là một trải nghiệm không thể nào quên khi đuợc thưởng thức tiếng hát then của thiếu nữ Tày trong chiếc áo chàm truyền thống, tay cầm đàn tính đệm theo khúc hát dân gian.
Kim Anh
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet