Suốt 7 năm qua, người dân Biên Hòa vốn không xa lạ gì với chị Huỳnh Thị Thuận (SN 1977, quê Khánh Hòa). Chị Thuận không có tay cũng chẳng có chân, người nhỏ thó, thấp bé luôn đứng ở những ngã tư giơ chiếc cùi chỏ đang để xấp vé số trên tay và mời mọi người mua giúp.
Hình ảnh người phụ nữ không tay giơ chiếc cùi chỏ để xấp vé số ở ngã tư Lạc Cường không còn xa lạ với người dân Biên Hòa.
Clip về cuộc sống mưu sinh của chị Thuận với nghề bán vé số ở TP. Biên Hòa.
Đầu đội nón lá, quần áo giản đơn, phía trước người đeo một chiếc giỏ xách đựng tiền, miệng luôn mời gọi "Vé số đi cô ơi...", "Anh ơi mua vé số đi...", chị Thuận bắt đầu công việc của mình như thế từ lúc 6h sáng và chưa nghỉ một ngày nào. Chị nói, có lẽ trời còn thương chị, nên không bắt chị gánh bệnh tật ốm đau gì. Trời nắng chị đội nón, trời mưa chị nhờ người ta căng chiếc dù lớn của chị ra che chắn và chị lại tiếp tục bán đến khi hết vé thì về.Chị Thuận sinh ra trong gia đình đông anh chị em ở vùng quê nghèo thuộc tỉnh Khánh Hòa, trong nhà ai cũng lành lặn chỉ mỗi mình chị từ lúc lọt lòng đã là đứa trẻ không tay không chân. Đến khi chị ý thức được mình khác biệt với các anh chị em thì chị cũng đã quen với việc đi đứng, sinh hoạt bằng thân thể nhỏ bé của mình. Chị cười hiền: "Biết sao được, mỗi người một số phận thôi, hình hài ba mẹ ban cho, mình vẫn sống tốt, sống khỏe là được rồi, có tự ti mặc cảm thì cũng chẳng được gì em à...".
Chị Thuận ở trọ một mình trong một hẻm nhỏ ngay ngã tư Tân Phong. Dù cuộc sống và sinh hoạt cá nhân gặp nhiều khó khăn vất vả nhưng chị luôn lạc quan và rất hay cười.
Người ta nói, chị Thuận cười hồn nhiên mà khóc thì không ai dỗ nổi. Mới cách đây 5 ngày, chị khóc như một đứa trẻ ngay giữa đường phố khiến tim ai cũng đau thắt. Anh Bình, người chạy xe ôm đưa chị đi và về mỗi ngày cho biết: "Lúc trước cô Thuận bán vé số ngay đầu hẻm gần nhà trọ để tiện đi lại, nhưng đứng đó có một mình, lại không tay chân nên hay bị mấy thanh niên đi ngang giựt vé số chạy mất. Có đợt cô ấy còn bị người ta lấy mất 40 tờ vé số và 2 triệu đồng tiền tiết kiệm để trong giỏ xách, lúc la lên thì không ai chạy theo đuổi kịp. Cô Thuận khóc như mưa suốt cả chiều hôm ấy, ai nhìn cũng chạnh lòng".Vì thường xuyên bị giựt vé số nên những bác xe ôm khuyên chị Thuận đổi địa điểm, không nên một thân một mình ở ngã tư Tân Phong nữa. Vậy là chị được anh Bình chở đến ngã tư Lạc Cường để bán. Ở nơi đó luôn có 2,3 tài xế ba gác, xe ôm đứng phía sau "canh gác" cho chị, hễ thấy ai lại lựa vé số rồi... lăm le giỏ xách của chị là các bác tài lại oai nghiêm chắp tay sau lưng đi hùng hồn đến bên chị.Chị Thuận chia sẻ: "Nhiều người ác lắm, tôi như vậy mà họ cũng không tha, lẽ ra tôi bán cũng lời lắm, có tiền dành dụm nhiều lắm nhưng bị mất trắng cả rồi. Hơn 1 năm nay chưa được về thăm con trai tôi nữa, còn mấy tháng nữa là Tết mà tôi không biết có tích góp đủ tiền về quê thăm con không, tôi nhớ nó lắm, nhớ đến chết đi được...". Chị Thuận trách người, nhưng cũng thương người. Chị nói xã hội có người xấu nhưng người tốt vẫn nhiều hơn. Người tốt bên chị Thuận là cô hàng xóm mỗi ngày đi làm về sẽ đến nấu cơm rồi đút chị ăn, là hai bạn trẻ làm việc gần nơi chị bán lúc nào lĩnh lương cũng chia sẻ cho chị vài trăm dằn túi, là những tài xế xe ôm bảo vệ chị mỗi ngày.
Sáng sớm và xế chiều, chị được anh Bình chạy xe ôm đến nhà trọ chở đi và chở về.
Dù nắng hay mưa chị vẫn kiên trì ngồi suốt cả ngày, đưa cánh tay ngắn ngủn của mình ra đường mời gọi mua vé số.
"Tôi mang ơn người dân Biên Hòa nhiều lắm, tôi ở trọ, vật dụng, tivi, cũng do mọi người mua tặng, cần gì cũng có mọi người giúp đỡ hết. Chỉ buồn là mỗi tối ngủ chỉ có một mình, nhớ nhà, nhớ quê muốn khóc", chị nói. Chị Thuận lấy chồng từ năm 27 tuổi, hai người sống với nhau 10 năm và có một đứa con trai đang học lớp 5. Tuy nhiên đến giờ chị và chồng mỗi người một nơi, chẳng ai còn nhớ đến ai. Chị kể: "Ổng cũng nghèo như tôi, nhà dưới quê ở gần nhau nên ổng hay qua nhà tôi chơi rồi nảy sinh tình cảm, mà chắc tôi với ổng có duyên nợ nhau. Ổng không chê tôi khuyết tật, vẫn yêu chiều mình nhưng rồi cuộc sống cũng có nhiều vấn đề, ai cũng nặng gánh mưu sinh, từ lúc tôi rời khỏi Khánh Hòa thì đã không liên lạc gì nữa. Con tôi ở với bà ngoại, tiền tôi gửi về mỗi tháng, còn ổng nghe nói cũng sống kham khổ lắm nên không thể lo cho con của cả hai được".
Đã hơn 1 năm qua, chị Thuận không được về thăm con vì tiền tiết kiệm bao lâu nay đã bị kẻ xấu giựt mất.
Dù cực khổ nhưng chị vẫn tươi cười chào những người quen đi ngang qua đây.
Chị Thuận cũng xem tivi rồi thấy anh chàng Nick James Vujicic, chị ngưỡng mộ Nick từ khi xem chàng trai này chơi bóng, bơi lội. Chị nói chị không có đủ nghị lực như Nick dù chị cũng khát khao lắm. "Ổng giỏi thiệt, còn tôi một chữ bẻ đôi cũng không biết, tôi không cầm bút được, ăn uống khó khăn đôi khi phải nhờ người đút, mấy lần cố lấy đồ trên cao, đứng lên bình nước, cái ghế mà té lộn nhào xuống đất, đau điếng luôn", chị cười méo xệch.
Có người mua vé số, chị Thuận mừng húm, cố rướn người đưa chiếc giỏ xách về phía trước để người ta nhét tiền vào.
Chị cẩn thận cất tiền vào ngăn sâu vì sợ ai lấy mất.
Mỗi ngày chị Thuận bán được gần 2 trăm tờ vé số. Bán không hết, chị lại lết đi mọi ngả đường khác để bán đến tối. Chị chỉ ăn cơm với mắm cho qua ngày, tiền bán được bao nhiêu chị gửi về quê hết. Mấy lần con trai nhớ mẹ, gọi điện thoại bảo mẹ về với con đi, chị Thuận nghe mà lòng đau như cắt. "Cách đây vài ngày, có hai người quen đến xin ở chung với tôi vài ngày, nên tôi còn cảm thấy vui vì có người trò chuyện. Chứ bình thường ở một mình cô đơn và sợ lắm!", chị nói.
Cảm phục trước nghị lực của chị Thuận, rất nhiều người đến mua vé số giúp chị.
Cái nắng gay gắt ở Biên Hòa mỗi buổi trưa cũng khiến chị mệt mỏi.
Chị chia sẻ khoảnh khắc hạnh phúc với mọi người khi vừa bán xong những tờ vé số cuối cùng trước giờ xổ số.
Mọi vật dụng trong nhà chị Thuận đều do những nhà hảo tâm mua tặng.
Chị Thuận dọn dẹp nhà cửa sau một ngày đi bán về.
Chị uống một ngụm nước lấy sức...
... sau đó leo lên võng ngả lưng chờ cô hàng xóm về nấu cơm cho mình.
Cứ trò chuyện với chị Thuận vài câu thì chị lại nhắc đến cậu nhóc Thái Hùng - con trai mình. Có lẽ chị hay bất cứ người mẹ nào cũng vậy, cũng đều canh cánh một nỗi lo cho tương lai của đứa con trẻ sinh ra nơi vùng quê nghèo, lớn lên lại thiếu thốn tình cảm mẹ cha bên cạnh. "Giờ tôi chỉ mong sao mình còn khỏe, còn đi bán kiếm tiền gửi về cho con ăn học được, học được đến đâu hay đến đó. Mong sau này nó thành tài, cuộc sống yên ổn, tôi mới yên tâm nhắm mắt...", chị nói với giọng buồn thiu nhưng vẫn nở nụ cười hy vọng.
Quỳnh Trân
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet