Lợi thế bán hàng được đưa lên hàng đầu của các thế hệ máy ảnh Micro Four Thirds luôn là tính đa năng như một DSLR chính hiệu với khả năng thay ống kính, cảm biến khá lớn, hỗ trợ đầy đủ các chế độ chỉnh tay... nhưng vẫn gọn nhẹ và nhỏ gọn không kém gì máy du lịch bình dân. Chẳng thế mà ngoài các phiên bản "một mình một sân" trước đây của Panasonic, chiếc G1, Olympus sau khi ra mắt bản PEN đầu tiên đã theo đà ra tiếp hai phiên bản cách nhau chỉ khoảng nửa năm một. Phiên bản gần đây nhất mang tên E-PL1 sau EP-1 và EP-2.
Có thiết kế gần tương đồng với EP-2 nhưng E-PL1 (bên phải) giản lược hơn, giống với các máy số thông thường hiện nay chứ không cổ điển và sành điệu bằng các phiên bản dòng PEN đời trước. |
Mặt sau của E-PL1 (bên phải) cũng được đơn giản hóa tối đa, không hỗ trợ bánh xe điều khiển, thiết kế vỏ nhựa trông rẻ tiền hơn, nhưng bù lại lại có nút quay video rời giúp chuyển chế độ nhanh chóng dễ dàng và nút bật đèn flash tích hợp. |
Về tổng thể, có thể thấy bản E-PL1 cũng lấy cảm hứng từ mặt trên vát của EP-1, EP-2 nhưng tay cầm được thiết kế lại một chút gần giống với DSLR hơn. Một vòng chỉnh bánh xe được bổ sung trên bề mặt đã làm cho hệ thống các nút bấm ở mặt sau được giản lược hẳn, trông thoáng hơn nhiều so với dòng E-P. Với thiết kế này, có lẽ Olympus muốn hướng tới những người ưa chụp ảnh nhanh, còn các thông số phơi sáng sẽ tìm hiểu dần. Mức độ đại chúng hóa còn được thể hiện ở chỗ cơ chế ổn định hình ảnh được hạ xuống chỉ còn bù 3-stop thay vì 4 như trên EP-2.
Nhưng bù lại, phiên bản tưởng chừng bình dân hơn này lại có nhiều thế mạnh mà các mẫu trước không có, trong đó có thể thấy ngay là đèn flash tích hợp. Đây là một trong những thế mạnh của E-PL2 so với EP-1 và EP-2, bởi trong rất nhiều trường hợp, đèn flash tích hợp trở nên tiện dụng hơn nhiều so với việc phải mang thêm đèn rời. Bên cạnh đó, máy cũng hỗ trợ đầy đủ các phụ kiện lắp ngoài qua chấu giữ đèn, như khung nhìn điện tử hay microphone như EP-2 chứ không ít ỏi như EP-1.
E-PL1 sẽ được ra mắt với 3 phối màu cơ bản gồm đen, đen bạc và đen đỏ. Ống kính màu trắng và màu đen cũng sẽ được ra mắt tùy thị trường để phù hợp với màu của máy ảnh. | |
Thiết kế tay cầm với nút quay video được bố trí khá hợp lý và thuận tiện trong việc điều chỉnh. |
E-PL1 vẫn được trang bị khả năng quay video HD 720p dù định dạng vẫn dùng MPEG thay vì AVCHD nhỏ gọn hơn. Thêm vào đó, do không được trang bị thu âm stereo nên âm thanh quay phim vẫn là mono. Người dùng nếu muốn phải mua thêm micro SEMA-1 lắp ngoài.
Hiện hệ thống Micro Four Thirds như E-PL1 đã có thể lắp vừa khoảng 11 ống kính, trong đó tính cả ống kit đi kèm E-PL1 là 14-42 mm. Dải tiêu cự cũng khá đa dạng, từ zoom khủng 7-200 mm (tương đương 14-400 mm) tới các ống prime 17 mm, 20 mm hay 45 mm với độ mở f/2,8.
Ống mới 9-18mm F/4-5.6 trên thân E-PL1 | Ống 14-150mm F/4.0-5.6 dự kiến sẽ ra mắt trong tháng 6 tới |
Ngoài các ống phát triển riêng cho định dạng Micro Four Thirds, còn có khoảng 30 ống Four Thirds cũng có thể sử dụng cho các phiên bản này thông qua adapter. Bản thân Olympus cũng chế riêng các adapter để máy có thể sử dụng được với ống chấu OM của hãng, còn Panasonic thì chế adapter để lắp các ống Leica chấu M và R. Cộng thêm các ống từ các hãng thứ 3 như Contax hay Pentax, có thể nói lượng ống kính cho định dạng Micro Four Thirds cũng không hề ít.
So sánh khác biệt giữa Olympus E-PL1 , E-P2 và Panasonic GF1 |
Nguyễn Hà
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet