Triển lãm Detroit (Mỹ), sự kiện hàng đầu trong ngành công nghiệp ôtô thế giới, vẫn đang thu hút khách tham quan tới Cobo Center. Các hãng xe nội địa, tiếp tục nhận được phản ứng tích cực từ giới truyền thông trước các màn ra mắt sản phẩm mới như Cadillac ATS, Ford Fusion hay Dodge Dart.
Khi được tạp chí Forbes phỏng vấn, các hãng xe đều bày tỏ sự lo lắng về tác động của cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu đến nền kinh tế toàn cầu và tất nhiên, doanh nghiệp của họ cũng sẽ bị ảnh hưởng. Mặt khác, mỗi hãng đều có khó khăn riêng. Vì thế, 2012 tiềm tàng những thách thức không thể xem thường.
Với General Motors, thời gian là tất cả
GM ra mắt chiếc sedan Malibu phiên bản nâng cấp sớm hơn 6 tháng nhằm tranh thủ "vượt vũ môn" trước những đối thủ cùng phân khúc hạng trung, trong đó có chiếc Fusion của Ford sẽ được bán ra vào mùa thu năm nay. Nhưng động cơ Ecotec 4 xi-lanh của Malibu vẫn chưa sẵn sàng, vì thế GM quyết định vẫn tung ra Malibu mới, nhưng gọi nó là Malibu ECO. Xe sử dụng động cơ cũ loại 4 xi-lanh tích hợp hệ thống khởi động-dừng bằng điện có tính năng hỗ trợ thêm sức mạnh khi tài xế đạp ga. Mức tiêu hao nhiên liệu 9 lít/100 km đường nội thị và 6,19 lít/100 km đường quốc lộ. Nhưng con số này chưa đủ để đánh bại Toyota Camry hybrid LE cùng mức giá với mức tiêu hao 5,47 lít/100 km đường nội thị và 6 lít/100 km đường quốc lộ.
Chevrolet Malibu Eco - lá bài rắc rối của GM. |
GM lên kế hoạch bán Malibu ECO với giá 26.000 USD bên cạnh mẫu xe hiện hành giá 22.000 USD trong vòng 6 tháng trước khi Malibu với động cơ mới xuất hiện. Những người săn lùng hàng giá rẻ có thể không quan tâm tới phiên bản nâng cấp. Joseph Langley, nhà phân tích tại LMC Automotive nhận định: "Tôi nghĩ điều đó khá nguy hiểm". Bởi kế hoạch ra mắt chuệch choạc dành cho Malibu sẽ khiến khách hàng bối rối, đặc biệt trong bối cảnh có nhiều mẫu sedan hạng trung mới khác sắp xuất hiện, trong đó có Honda Accord, Nissan Altima và Mazda6, chưa kể tới Camry và Volkswagen Passat mới trình làng.
Tạp chí Motor Trend, vốn dành ưu ái cho Malibu ECO, cũng không chắc GM có thể trụ được với mẫu xe này hay không. "Malibu là sự thâm nhập mạnh mẽ vào phân khúc hạng trung. Rắc rối ở chỗ phân khúc này sẽ không còn mãi như hiện nay".
Với Ford, rắc rối nằm ở giá bán
Là đứa con cưng của ngành công nghiệp ôtô Mỹ và không bị cuốn vào cơn bão phá sản, Ford vẫn không tránh khỏi những cơn bão khác, trong đó có cuộc chiến cạnh tranh ngay tại các showroom của họ. Một chiếc Ford Focus có giá hơn 23.000 USD. Nhưng nếu trả thêm chỉ khoảng 2.000 USD, khách hàng có thể lái về nhà chiếc Ford Fusion sedan trang bị tốt hoặc mẫu SUV Escape, mà cả hai đều có không gian rộng rãi hơn. Hoặc có người đã chọn Focus từ trước, lại quay sang mua Fiesta với giá rẻ hơn. Điều đó lý giải doanh số thấp hơn kỳ vọng của Focus.
Đến cuối năm 2012, Fusion và Escape thế hệ mới sẽ có mặt tại các showroom. Câu hỏi lúc này là khách hàng có chấp nhận Ford như một thương hiệu xe hơi cao cấp hay không.
Chrysler Group phải chinh phục khách hàng
Bên cạnh Chrysler 200 và Jeep Grand Cherokee, phần lớn sản phẩm nâng cấp của Chrysler đều không gây được ấn tượng. Khách hàng chỉ có thể ngạc nhiên trước mẫu Dodge Charger, chiếc xe cơ bắp đặc trưng, với mức tiêu hao nhiên liệu 7,6 lít/100 km nhờ động cơ V6 Pentastar mới cùng hộp số 8 cấp. Bên cạnh đó còn có Dodge Durango mới đáng được ghi nhận, nhưng lại nằm trong số những sản phẩm hay bị bỏ qua nhất trên thị trường. Francois Olivier, Giám đốc marketing của Chrysler, nói rằng hãng của ông vẫn còn một nhiệm vụ khổng lồ phía trước là thu hút sự trở lại của khách hàng.
Toyota cần phải trở thành "người Mỹ" hơn
Toyota Camry Hybrid 2012. |
Khoảng thời gian 2 năm qua đã trở thành thời kỳ thảm họa đối với Toyota: bị điều tra về chất lượng an toàn, triệu hồi kỷ lục, động đất, sóng thần ở Nhật Bản, lũ lụt ở Thái Lan và đồng yen tăng giá. Hãng xe Nhật kết thúc năm 2011 với thị phần ở Mỹ chỉ dưới mức 13%.
Giờ đây, Toyota đang đắm chìm trong thành công của các mẫu xe mới, trong đó có Camry, Camry Hybrid và Prius V cũng như Prius plug-in hybrid sẽ ra mắt trong năm nay. Sẽ có 40% tổng số sản phẩm của Toyota tại Bắc Mỹ trong năm 2012 được làm mới hoặc là thế hệ mới, so với 7% năm 2011.
Để bù đắp lại những mất mát khủng khiếp tại quê nhà, Toyota lên kế hoạch xuất khẩu nhiều hơn nữa các sản phẩm được sản xuất tại Bắc Mỹ và nâng cao vai trò của các nhà máy tại đây.
Honda cần tỉnh giấc, Acura cần được đại tu
Cũng như Toyota, thảm họa thiên nhiên liên tục giáng đòn vào Honda trong năm 2011, nhưng họ vẫn ra mắt thế hệ mới của mẫu xe bán chạy là Civic. Trong năm 2012, một thách thức khác đang đợi họ với Accord thế hệ mới tại phân khúc xe hạng trung. Hy vọng của Honda là doanh số tăng 20%, nhưng điều đó không xảy ra nếu như không có sự hồi sinh của thương hiệu hạng sang Acura, đã bị những cái bóng khổng lồ như BMW, Mercedes, Audi và Lexus che khuất.
Hiện Acura đang phát triển các thiết kế mới, trong đó có mẫu SUV RDX, phiên bản thấp cấp của mẫu xe hạng nhỏ ILX và phiên bản mới của chiếc xe thể thao NS-X nổi tiếng.
Nissan cần biết cách làm mình nổi bật
Có thể là "người Mỹ" nhất trong số 3 hãng xe lớn đến từ Nhật, Nissan đang tìm cách làm tốt hơn nữa sau những khó khăn trong năm 2011. Họ chỉ mất khoảng một tuần phải dừng sản xuất, so với vài tháng của những hãng đồng hương. Lần suýt "chết" của Nissan cách đây 10 năm có thể là yếu tố giúp họ xử lý tốt hơn trong những cuộc khủng hoảng mới đây. Mục tiêu lớn nhất của hãng trong năm 2012 là chiếc compact Leaf chạy điện.
Hyundai và Kia cố gắng đáp ứng đủ đơn đặt hàng
Các hãng xe Hàn có một năm 2011 tuyệt vời, khi tăng 20% và 36% doanh số. Giám đốc điều hành Hyundai Mỹ, John Krafcik nói rằng hãng này sẽ sản xuất nhiều hơn nữa. Nhưng mục tiêu của ông trong năm nay là tăng chất lượng phục vụ khách hàng. Krafcik đang lập chương trình đào tạo cho các đại lý biết cách chiều lòng mọi khách hàng, dù họ mua một chiếc Equus 60.000 USD hay một chiếc Elantra chỉ 16.000 USD.
Minh Thủy
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet