Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm TP. HCM đã lấy 4 mẫu mì căn, hủ tiếu khô, mì sợi khô kinh doanh trên địa bàn thành phố để phân tích do nghi ngờ chứa chất cấm sử dụng trong thực phẩm.
Nghi ngờ chất cấm có trong bột mỳ
Để có kết quả chính xác, sau đó Chi cục ATVSTP TP. HCM trực tiếp đến 4 cơ sở (Phong Ký (phường 8, quận 6), Đinh Thanh Lẹ (quốc lộ 22, khu phố 6, thị trấn Củ Chi, huyện Củ Chi), Phạm Văn Năng (ấp Tiền, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi) và một hộ kinh doanh ở TP. HCM lấy mẫu gửi đi xét nghiệm lần hai. Kết quả hàm lượng axit oxalic trong mì căn là 40,1mg/kg, trong hủ tiếu khô là 14 mg/kg, trong mì sợi khô và sản phẩm còn lại khá cao.
Nhiều mẫu mì căn, hủ tiếu trên thị trường TP. HCM chứa axit oxalic một chất có nguy cơ gây sỏi thận. Ảnh: MH
Làm việc với cơ quan chức năng chủ cơ sở Phong Ký cho biết, nguyên liệu sản xuất mì sợi khô là bột mỳ, trứng gà, màu thực phẩm, phụ gia làm giòn (thay thế hàn the), nước tro. Mỗi ngày cơ sở sản xuất trên dưới 100kg mì sợi khô, phân phối cho các chợ trong thành phố. Chủ cơ sở này cho rằng mì sợi do cơ sở sản xuất có màu vàng nên không thể dùng axit oxalic để làm tăng độ trắng và nghi ngờ chất cấm có trong bột mì.
Bà Trần Thị Hoa, chủ cơ sở Đinh Thanh Lẹ, cho biết mì căn của cơ sở này được sản xuất từ bột mì và muối. Bột mỳ được mua tại Công ty G. trên đường Vĩnh Viễn, quận 10. Sau khi Chi cục ATVSTP TP. HCM thông báo mẫu mì căn của cơ sở Đinh Thanh Lẹ có chứa axit oxalic, chủ cơ sở đã lấy 4 mẫu bột mỳ của Công ty G. gửi đi kiểm định. Kết quả cả 4 mẫu đều chứa axit oxalic với hàm lượng 157-198mg/kg.
Có nguy cơ gây sỏi thận
Axit oxalic là hóa chất bị cấm, không có trong danh mục các chất phụ gia sử dụng cho thực phẩm. Axit oxalic mạnh gấp hàng ngàn lần so với axit axetic và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng con người. Axit oxalic khi vào cơ thể sẽ có xu hướng kết tủa khi gặp dinh dưỡng có chứa canxi. Nếu sử dụng lâu dài thực phẩm có chứa axit oxalic, sự kết tủa này sẽ có hại cho thận gây sỏi thận hoặc đọng lại các khớp xương, dẫn đến hiện tượng thiếu hụt chất khoáng, hụt chất dinh dưỡng.
Người có các rối loạn liên quan tới thận, thấp khớp, bệnh gút… không nên dùng thực phẩm chứa axit oxalic. Người có tiền căn sỏi thận nếu dùng thức ăn chứa axit oxalic dễ có nguy cơ sỏi thận, làm nghẽn đường tiết niệu.
Nhằm chủ động phát hiện sớm nguy cơ ô nhiễm trong sản phẩm bún, bánh khô trên địa bàn, Chi cục ATVSTP TP. HCM đã tăng cường hoạt động giám sát, lấy mẫu và kiểm nghiệm chỉ tiêu tinopal, axit oxalic, natri sulfite, natri benzoat tồn lưu trong sản phẩm. Bàn giao hồ sơ cho Sở Công thương thanh tra, xử lý vi phạm. Qua đó, có các biện pháp nhằm chấn chỉnh tình trạng này.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet