Hình ảnh mới mẻ của Diễm My 9x trong phim "Gái già lắm chiêu"
Stylist không còn là một nghề xa lạ đối với các tín đồ thời trang, đặc biệt là trong những năm gần đây. Thế nhưng, nếu như khái niệm về stylist cho phim mặc dù khá thịnh hành ở các nước trên thế giới thì tại Việt Nam, công việc này dường như chỉ mới manh nha xuất hiện.
Thời gian gần đây, các nhà làm phim cũng đã có cái nhìn mới mẻ hơn về việc chăm chút cho trang phục cũng như tạo hình trong phim. Theo đó, stylist cho phim là những người nắm giữ vai trò khá quan trọng quyết định diện mạo của các nhân vật trong phim.
Mặc dù đem lại nguồn thu nhập cao ngất ngưởng, nhưng những stylist phim cũng chịu không ít rủi ro khi lựa chọn công việc này. Hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn về công việc này.
Stylist cho phim là gì?
Giống như hầu hết các công việc stylist khác, stylist phim là người chịu trách nhiệm về mặt trang phục, diện mạo bề ngoài của các nhân vật trong một bộ phim. Nếu như ở nước ngoài, khái niệm này đã không còn lạ lẫm nữa thì ở Việt Nam, công việc này chỉ mới bắt đầu trở nên thịnh hành.
Stylist Lê Minh Ngọc - người chịu trách nhiệm trang phục cho các nhân vật trong phim Gái già lắm chiêu
Họ làm việc như thế nào?
Stylist Lê Minh Ngọc, người chịu trách nhiệm trang phục của một số diễn viên trong phim phim “Gái già lắm chiêu” cho biết, khi nhận lời hợp tác, anh đã mất rất nhiều thời gian đọc kịch bản để nắm được tâm lý nhân vật.
Ngoài tìm hiểu về nhân vật, các stylist còn phải phác thảo hình ảnh nhân vật và thuyết phục nhà sản xuất cũng như đạo diễn đồng ý với những ý tưởng của mình. Stylist Mai Khang, người làm trang phục cho Angela Phương Trinh và Trường Giang trong phim “Taxi em tên gì” cũng chia sẻ, anh đã phải cân nhắc rất nhiều khi “lột xác” hoàn toàn nhân vật của Angela Phương Trinh.
Để biến hóa một người đẹp với phong cách gợi cảm, nữ tính thành nhân vật nam tính, bụi bặm trong phim theo anh là không dễ chút nào.
Bản vẽ phác thảo nhân vật của Angela Phương Trinh và Trường Giang trong phim Taxi em tên gì
Hình ảnh nhân vật chính trong phim
Khó khăn khi làm stylist phim
Theo stylist Mai Khang, khó khăn lớn nhất của nghề stylist phim là các nhà sản xuất phim ở Việt Nam chưa quen với việc ekip có thêm một stylist nên họ can thiệp khá nhiều. Cụ thể, khi anh tư vấn bộ trang phục như thế này, thì ekip làm phim sẽ sửa chỗ này một chút, chỗ kia một chút… có khi làm thay đổi hoàn toàn tinh thần bộ trang phục.
Stylist Mai Khang - người chịu trách nhiệm về trang phục trong phim Taxi em tên gì
“Thật ra, các nhà sản xuất, nhà phát hành phim bắt đầu nghĩ đến việc phải có stylist là một sự tiến bộ trong ngành thời trang rồi. Nhưng tôi nghĩ các nhà sản xuất phim nên nhìn nhận nghiêm túc về tư duy tạo hình của các nhân vật trong phim, nên để cho stylist được làm đúng chuyên môn và thoải mái sáng tạo chứ không nên can thiệp vào chuyên môn của họ.” – Mai Khang chia sẻ.
Do lượng trang phục khá lớn, thời gian giữ đồ kéo dài cả tháng nên stylist Lê Minh Ngọc đã mất nhiều thời gian cho việc vận chuyển và bảo quản. Đó cũng là một trong những khó khăn lớn mà đoàn phim và ê kip làm trang phục phải vượt qua.
Stylist lấy trang phục từ đâu?
Bật mí về các trang phục trong phim, Lê Minh Ngọc cho biết, anh sử dụng tới 300 trang phục cho dàn diễn viên chính và thứ chính. Đặc biệt, có tới 50% trang phục là hàng hiệu quốc tế của các thương hiệu nổi tiếng như Bottega Veneta, Kenzo, Hugo Boss, Christian Loutoutin…
Ngoài hàng hiệu, anh cũng sử dụng những trang phục của các nhà thiết kế Việt như Lâm Gia Khang, Li Lam, Lưu Ngọc Kim Khanh, Đỗ Mạnh cường…
Thời trang của Diễm My 9x trong phim Gái già lắm chiêu được khen ngợi vì sự đầu tư kỹ lưỡng
Còn stylist Mai Khang, với nội dung và bối cảnh chính chỉ diễn ra trong vòng 2 ngày và nhân vật cũng không hoạt động trong ngành thời trang, anh đã chọn những thương hiệu bình dân như Zara, H&M… để chuẩn bị cho Angela Phương Trinh và Trường Giang.
Đồng thời, những phụ kiện, trang phục phù hợp trong tủ đồ của mình cũng được vị stylist này sử dụng cho công việc stylist phim.
Nhà sản xuất trả bao nhiêu tiền cho một stylist phim?
Riêng chi phí về trang phục, các nhà sản xuất đã chi ra một số tiền không hề nhỏ để các stylist chăm chút vẻ ngoài cho nhân vật. Cụ thể, stylist Lê Minh Ngọc cho biết, trong phim “Gái già lắm chiêu”, có những trang sức, phụ kiện có mức giá lên tới 500 triệu đồng và một mẫu đầm trị giá 200 triệu đồng.
Những trang phục, phụ kiện mà Diễm My 9x mặc trong phim đa số là hàng hiệu hoặc từ các nhà thiết kế Việt Nam thực hiện
Đó là chưa kể đến những trang phục đặt may riêng từ các nhà thiết kế. Theo một nguồn tin riêng cho biết, các stylist phim cũng nhận được mức cát-xê từ 100 - 200 triệu đồng cho mỗi bộ phim.
Như vậy, ước tính có những phim, nhà sản xuất phim sẽ chi trả số tiền từ vài trăm tới 1,5 tỷ cho các stylist và trang phục trong phim.
Những điều ít ai biết về stylist phim
Mỗi bộ trang phục trong phim stylist đều cần chuẩn bị 2 bộ để đề phòng trường hợp rách, bẩn hay hư hỏng. Ngoài ra, việc bảo quản trang phục cũng gây ít nhiều áp lực cho các stylist. Nếu để trang phục dính bẩn, stylist phải đem đi giặt hấp trước khi trả lại cho nhãn hàng. Với những phụ kiện, trang phục hàng hiệu, nếu bị rách hay hư hỏng, các stylist sẽ phải bỏ tiền túi ra để đền theo thỏa thuận từ trước.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet