Hành trình đi đến phá sản
ocz nổi lên trong khoảng thời gian từ 2009 đến 2010 nhờ những sản phẩm tốt, đặc biệt là các sản phẩm SSD dùng bộ điều khiển Indilinx và SandForce. Họ mua công ty sản xuất nguồn máy tính PC Power & Cooling, mua Indilinx để tự phát triển bộ điều khiển SSD, ra mắt những mẫu SSD đầu tiên dùng giao tiếp PCI-E tốc độ cao với giá bán cạnh tranh.
Tuy nhiên, tình hình của công ty ngày càng xấu đi bắt đầu từ dòng SSD Vertex III (dùng bộ điều khiển SandForce). Lỗi firmware đã khiến cho nhiều sản phẩm của hãng biến thành "cục gạch". Dù OCZ không phải là cái tên duy nhất bị lỗi, nhưng với việc Vertex III là dòng SSD bán rất chạy và phổ biến trên thị trường, thì có thể nói OCZ là hãng bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
OCZ cũng thực hiện một vài thương vụ như mua lại Indilinx, đưa bộ điều khiển Indilinx vào các sản phẩm của họ, mua lại tài sản của Solid Data và Phòng nghiên cứu và phát triển của PLX Technology, mua SANRAD - hãng cung cấp công nghệ về ảo hóa ở Israel. Sau đó, Seagate có ý định thâu tóm OCZ năm ngoái tuy nhiên có thể do hai bên không đạt được các thỏa thuận nên vụ mua lại không thành công. Ryan Petersen, nhà sáng lập và là CEO của công ty từ chức sau đó. Tình hình tồi tệ của OCZ chưa dừng lại ở đó. Công ty bị yêu cầu báo cáo lại tình hình kinh doanh trong nhiều năm trước do bị nghi ngờ các báo cáo trước đó là không chính xác.
Cuối năm 2012, không lâu sau khi ra mắt, dòng SSD Vector của OCZ tiếp tục gặp lỗi. Đến tháng Ba năm nay, hãng tung ra bản update firmware để sửa lỗi, tuy nhiên, tình hình vẫn không được cải thiện. Các sản phẩm của OCZ liên tiếp nhận được những đánh giá tiêu cực từ người dùng. Vertex 450, mẫu SSD mà OCZ ra mắt mùa hè năm ngoái, cũng bị tố gặp lỗi. Hồi đầu năm nay, OCZ cho biết họ đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn cung ứng chip flah NAND. Doanh thu của hãng tụt giảm nhanh chóng, từ 88,6 triệu USD năm 2012 xuống còn 33,5 triệu USD trong quý II/2013. Điều này cho thấy có thể OCZ đã phải dùng tiền để "ứng trước" cho các nguồn cung ứng của họ.
Những dòng sản phẩm đầu tiên của OCZ được đánh giá cao, tuy nhiên sau đó công ty đã tụt dốc dần dần.
Đứng trước tình hình tài chính khó khăn, OCZ đi vay tiền. Họ vay của Hercules Capital Group 13 triệu USD với lãi suất 15% hồi đầu năm nay, với hy vọng có vốn để phát triển. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra và ngày hôm nay, Hercules đã tịch biên tài sản của OCZ khi công ty tuyên bố đóng cửa.
Cũng trong công bố phá sản, OCZ cho biết họ nhận được đề nghị từ Toshiba muốn mua lại tài sản của mình. Hãng tin rằng 2 bên đã đạt được các thỏa thuận về số tài sản hữu hình, tuy nhiên, vẫn còn những tài sản khác vẫn đang trong quá trình đàm phán. Và nếu như OCZ và Toshiba không đạt được thỏa thuận cuối cùng, OCZ vẫn sẽ nộp đơn xin phá sản và thanh lý tài sản của họ.
Hệ lụy cho người dùng
Đối với người dùng cuối, những người đã mua SSD và nguồn máy tính của OCZ, đây quả là một tin không hề vui vẻ gì. Khi một công ty (trong trường hợp này là Toshiba) mua lại tài sản một công ty khác khi công ty này công bố phá sản, điều đó có nghĩa là Toshiba chỉ mua lại các tài sản thuộc về sở hữu trí tuệ, trang thiết bị, hợp đồng với nhân viên của OCZ. Thông thường dịch vụ bảo hành của khách hàng không nằm trong số các thỏa thuận, và có lẽ Toshiba cũng không có ý định tốn tiền để bảo hành cho khách hàng. Tuy nhiên cho tới nay khi mà hai bên chưa đưa ra công bố cuối cùng, người dùng sản phẩm của OCZ có thể tiếp tục hy vọng.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet