2 người với hơn 30 kg hành lý trên chiếc xe gắn máy, chúng tôi đã đi qua chặng đường hơn 1.000 km
trong 3 ngày, trong đó phải kể đến hành trình qua tử địa phía tây Yên Bái.
Cũng vào độ tháng 3, nhưng hai năm về trước, tôi đã cùng 3 người bạn thực hiện cuộc hành trình hướng về Apachai – nơi có cột mốc số 0 - biên giới Việt, Trung, Lào... Cả đám tiếp tục đi ngược từ Điện Biên sang Lai Châu, lên đèo Ô Quy Hồ đến Lào Cai rồi gửi xe máy theo tàu hỏa về Hà Nội.
Tháng 3 năm ấy của tôi có cái nắng, cái gió Tây khô khốc từ Lào thổi sang trên đường đến Apachai; có con đường đầy đá cuội gần 70 km từ Mường Lay (Điện Biên) sang đến Phong Thổ (Lai Châu) mà tưởng chừng như bất tận; có cảm giác hân hoan khi đứng trên đỉnh cực Tây của Tổ quốc sau hành trình dài và mệt; cảm giác bồi hồi khi lần đầu nhìn thấy hoa ban, hoa gạo; có cái rét căm căm của một buổi sáng ở Sa Pa; cũng như không thể nào quên bữa trưa vội bên vệ đường đầy bụi đất với mì gói khô và xôi nếp còn sót lại từ buổi sáng. Và hơn hết là cảm giác quá khứ đã lùi lại phía sau những bước chân mình.
Tháng 3 năm nay, tôi lại tiếp tục cuộc hành trình về phía Tây nhưng có vẻ ngược lại 2 năm về trước một chút. Từ Hà Nội, chúng tôi gửi xe máy theo tàu hỏa lên Lào Cai, rồi bắt đầu rong ruổi trên con xe 2 bánh để đến Sa Pa, đổ đèo Ô Quy Hồ xuống Lai Châu rồi men theo quốc lộ 12 lên Phong Thổ, Mường Lay về Điện Biên Phủ.
Lần này, tôi không ghé Apachai mà tiếp tục từ Điên Biên theo đường 279 về Tuần Giáo (huyện tiếp giáp giữa Điện Biên, Lai Châu và Sơn La). Từ Tuần Giáo, đi theo quốc lộ 6 cũ để lên đèo Pha Đin (một trong tứ đại đỉnh đèo của tây bắc cùng với Khau Phạ, Ô Quy Hồ và Mã Pì Lèng), rồi xuống Sơn La, sau đó rẽ vào Bắc Yên, ghé Tà Xùa rồi đi xuyên tử địa đến trạm Tấu, Bản Mù, Làng Nhì, Phình Hồ, Văn Chấn và theo quốc lộ 32 về Hà Nội.
Buổi sáng mây mù ở Tà Xùa.
Cũng không giống 2 năm về trước, tôi không đi để rũ bỏ lại một phần tuổi trẻ của mình phía sau, mà giống như đón tương lai phía trước.
Cũng là tháng 3, cũng là Tây Bắc trong tôi với hoa ban, hoa gạo, là cái rét, cái nắng, cái gió, cái khô khốc, sự khắc nghiệt của vùng đất phía Tây, cũng là cảm giác phấn khích và kích thích khi đặt chân đến một nơi mà mình chưa từng đến, nhìn thấy những điều mà mình chưa từng thấy bao giờ, nhưng tháng 3 năm nay, tôi không còn cảm giác cô đơn khi đứng trên đỉnh núi cao vời vợi, cũng không phải là cảm giác mông lung trong những bước chân nặng trĩu vòng quanh bờ hồ Gươm.
Tôi biết, có người sẽ luôn chia sẻ cùng tôi cảm giác hạnh phúc khi bước qua một con dốc cao hay khi nhìn thấy một cảnh tượng thú vị, nắm tay tôi đi dọc bờ hồ Gươm, chấp nhận cùng tôi vượt qua mọi hành trình dù là gian khổ, an ủi động viên khi tôi thấm mệt dù tôi biết thừa là người ấy cũng mệt không kém gì tôi. Nếu không phải là người ấy, tôi nghĩ cũng khó có người chấp nhận cùng tôi theo đuổi những hành trình đầy điên rồ như thế.
Bản Mù mùa nước đổ
Chỉ có 2 con người với hơn 30 kg hành lý trên chiếc xe gắn máy, chúng tôi đã đi qua chặng đường hơn 1.000 km trong 3 ngày, trong đó phải kể đến hành trình qua tử địa phía tây Yên Bái từ Tà Xùa đến Trạm Tấu, Bản Mù, Làng Nhì, Phình Hồ. Nơi đây trước khi được xem là địa điểm nóng về buôn lậu gỗ pơ mu, buôn và trồng thuốc phiện. Bây giờ, tình hình đỡ nhiều vì nghe nói gỗ pơ mu chẳng còn để khai thác.
Và dù khoảng cách chỉ chừng 30 km từ ngã ba Háng Chú - Trạm Tấu về bản Công (Trạm Tấu), khi tôi hỏi rất nhiều người dân địa phương trên đường, đa phần không ai rõ Trạm Tấu ở đâu, còn bao xa, khiến tôi nghĩ dường như không có nhiều người dân đến khu vực đó. Dân địa phương nói và hiểu tiếng Kinh cũng không rành rọt như những nơi mà tôi đã từng đi qua.
Tháng 3, núi đồi phủ màu nâu đỏ. Cỏ cây cũng nhuốm lên màu úa, thành ra, xuyên suốt là cái màu buồn tẻ, thiếu sức sống khiến tôi liên tưởng như vùng đất này vừa trải qua một đám cháy lớn. Chỉ có những con dốc cao không tưởng, con đường mòn đầy đá, bên núi, bên vực như thách thức người đi, và âm thanh của gió đại ngàn.
Cảnh hoàng hôn tại Phình Hồ - Làng Nhì.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet