Những tín đồ mê săn ảnh và mong muốn khám phá những nét mới lạ, thanh bình giữa lòng Thủ đô ồn ào, tấp nập hẳn không thể bỏ qua khu vực bãi giữa sông Hồng. Dải đất phù sa màu mỡ nổi lên ở chính giữa lòng sông đoạn chảy qua Hà Nội từ dưới cầu Chương Dương (phường Phúc Tân, Hoàn Kiếm) tới phường Nhật Tân (Tây Hồ) luôn toát lên một vẻ đẹp bình dị đến nao lòng. Chỉ cách trung tâm Hà Nội chưa đầy 2km, "ốc đảo" xanh mát này xứng đáng là một trong những địa chỉ không thể bỏ lỡ khi đặt chân đến Hà Nội.
Cuộc sống bình lặng của xóm chài thuộc khu vực bãi giữa sông Hồng.
Những người bán hàng rong thong thả sải bước trên cầu Long biên.
Nhịp sống ven cây cầu lịch sử Long Biên bao giờ cũng êm đềm, bình lặng. Những buổi chiều tà sương, hình ảnh lác đác những gánh hàng rong thong thả tản bộ trên cây cầu lịch sử Long Biên, một vài đám công nhân ngồi la liệt, tranh thủ uống cốc trà, nói đôi ba câu chuyện... cũng đủ khiến người ta cảm thấy "ồ, sao mà Hà Nội lại có những góc bình dị đến lạ"!
Bỗng một sáng mùa hè, khi đã chán ngán những thanh âm rộn ràng của cuộc sống nội đô, ai đã thử ngâm mình trong những tinh lặng, thâm trầm ở vùng bãi bồi ven sông Hồng? Đứng ở mảnh đất ấy, người ta có thể phóng tầm mắt để thấu hiểu hai thế giới khác biệt trong một thành phố nhỏ hẹp. Khoảng cách giữa sự bình yên với những con thuyền độc mộc trên sóng nước và những tòa nhà cao ốc, những con đường cao tốc ầm ầm tiếng xe cộ chạy vèo vèo... như rất gần mà lại hóa rất xa.
Những người công nhân tu sửa cầu long biên tranh thủ nghỉ giai lao, chuyện trò cùng nhau.
Những khoảnh khắc này khiến Hà Nội thêm nét bình yên.
Những khoảņh khắc vụt sáng khi mùa lau nở rộVào mỗi độ tháng 10, vẻ đẹp mộc mạc nơi đây lại bừng dậy sức sống mới nhờ những cánh đồng cỏ lau bung nở trắng muốt đang âm thầm điểm tô. Bãi cỏ lau này trải dài, bao phủ hầu như khắp khu vực bãi giữa sông Hồng.
Thân lau cao khoảng 2 mét và khá cứng cáp. dịp tháng 10 cũng là lúc hoa lau đang độ nở rộ. Đứng từ trên cầu Chương Dương hay Long Biên nhìn xuống, người ta có cảm giác, hoa lau trải dài như ngút ngàn tầm mắt, che kín suốt một mảnh đất phù sa màu mỡ phía dưới. Nhờ có cánh đồng lau này mà thậm chí, cây cầu trăm tuổi Long Biên bỗng trở mình đẹp và thơ mộng hơn.
Khung cảnh thơ mộng dưới chân cầu Long Biên những ngày lau trắng nở rộ ngút tầm mắt.
Hoa lau ở đây rất đẹp nhưng khu vực nổi trội nhất, khó lòng bỏ qua chính là đoạn nằm cùng khu vực với bãi đá Nhật Tân, quận Tây Hồ. Thời điểm ngắm hoa lau đẹp nhất trong ngày là lúc sáng sớm hoặc khi chiều dần ngả bóng.
Lúc mới nở, bông lau thường có màu trắng tinh khôi bắt mắt. Khi đã về già, chúng dần chuyển dang màu vàng sẫm. Dáng lau cũng mang theo chút gì đó phong trần, cứng cáp hơn và mất đi sự yểu điệu, duyên dáng như hồi mới trổ bông.
Những ngày này, khi đến thăm cánh đồng cỏ lau, người ta còn bắt gặp thêm những đàn trâu thong dong gặm cỏ, những chiếc thuyền buông lái hững hờ trên lòng sông Hồng. Nhịp sống không trôi chậm hay nhanh hơn, nó chỉ lặng lẽ khoác thêm một gam màu tươi sáng hơn. Những thời khắc du khách ghé đến đây chụp ảnh, tụ họp ven chân cầu Long Biên ngắm nhìn cánh đồng lau, muốn tìm hiểu về vùng đất hoang sơ giữa lòng TP... bỗng khiến mảnh đất ấy như tươi vui, sáng bừng hẳn lên.
Vẻ đẹp mộc mạc khiến nhiều người khi tới đây chợt có cảm giác mình đang lạc về một chốn thôn quê nào đó.
Khi mới nở, hoa lau thường có màu trắng muốt như bông.
Hình ảnh những dải đất phù sa được cỏ lau phủ kín.
Nhờ có chúng, bãi đất hoang sơ giã lòng sông này bỗng chuyển mình, trở nên đẹp đẽ lạ thường.
Cùng với nhịp sống của người dân chài ven sông, cảnh sắc nơi đây đẹp như một bức tranh thủy mặc mà những ai đã một lần chiêm ngưỡng, chắc hẳn sẽ còn đọng lại nhiều dư ba khó quên.
Từ trên cao nhìn xuống, sông Hồng bỗng như nhỏ bé như một dòng kênh nhỏ, nước tĩnh mịch chảy cùng bến bờ ngập tràn bông lau rực rỡ trong nắng chiều.
Cây cầu trăm tuổi như thêm phần thơ mộng.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet