Grado 325e
Nếu có dịp ghé thăm công xưởng này, bạn sẽ cảm thấy bất ngờ. Phía bên ngoài "nhà máy" nhỏ bé của Grado không hề có bất kỳ logo hay biển quảng cáo nào. Thay vào đó, cánh cửa nhỏ của Grado chi chít những hình vẽ graffiti. Nếu chưa từng đến đây, có lẽ bạn sẽ tưởng rằng mình đã viết sai địa chỉ. Ấy vậy mà đây vẫn là nơi sản xuất ra "những chiếc tai nghe tuyệt vời nhất thế giới".
Được một người thợ sửa đồng hồ đam mê âm thanh có tên Joe Grado sáng lập vào năm 1953, Grado bắt đầu chinh phục thế giới âm thanh bằng các đầu đọc đĩa than thủ công có chất lượng tuyệt vời. Cuối thập niên 1980, Joe Grado bắt tay thiết kế chiếc tai nghe đầu tiên của Grado: HP1000. Người cháu ruột John của Joe Grado tham gia vào công ty của chú mình với vị trí... quét sàn. Đến những năm 1990, trong quá trình tiếp quản công ty, John Grado cho ra đời 2 dòng tai nghe cho đến giờ vẫn là biểu tượng của thế giới âm thanh: Reference Series và Prestige Series.
Cánh cửa vào "nhà máy" sản xuất ra "Những chiếc tai nghe tuyệt vời nhất thế giới"
25 năm sau ngày ngừng sản xuất, chiếc HP1000 do nhà sáng lập Joe Grado trực tiếp chế tác hiện được bán lại với giá 2000 USD
Trong suốt lịch sử hàng chục năm của mình, Grado cho đến giờ vẫn là một công ty gia đình. Jonathan Grado, con trai của John Grado, mới đây cũng đã gia nhập công ty gia đình này ở vị trí Phó chủ tịch Marketing. Tên gọi của vị trí này có vẻ rất "hoành tráng" nhưng Grado trong suốt lịch sử vẫn chưa bao giờ nhờ tới các phương tiện quảng bá chính thống. Trang Facebook, Twitter và các mạng xã hội khác vẫn được Johnathan Grado tự tay điều hành. Trước thời đại số, Grado chủ yếu được biết tới nhờ những lời khen ngợi "truyền miệng" của các fan.
Hiện tại, Grado đã bước chân sang thế hệ sản phẩm tai nghe thứ 3: "e Series". Những chiếc tai nghe "e Series" ra đời không đầy một thập kỷ sau khi Grado nâng cấp các sản phẩm tầm trung/tầm thấp lần đầu tiên đã nhanh chóng thu phục được cảm tình của các fan hâm mộ và báo giới. Grado có chỉ có khoảng 14 dòng sản phẩm, với mức giá từ khoảng hơn 50 USD (những chiếc in-ear iGi hoặc tai nghe neckband iGrado được công ty thuê gia công sản xuất tại Nhật và Trung Quốc) cho đến 1.500 USD (dòng PS1000e đầu bảng). Những chiếc HP1000 được đích thân nhà sáng lập Joe Grado chế tác có giá nằm trong khoảng 2.000 USD.
Song, những chiếc tai nghe Grado đáng chú ý nhất vẫn thuộc về dòng Prestige Series và Reference Series được sản xuất thủ công tại Brooklyn. Chiếc SR60e có giá gốc chỉ 80 USD là một lựa chọn hợp lý cho những người mới tập "chơi" tai nghe, chiếc SR80e (100 USD) hay SR225e (200 USD) cũng mang lại lựa chọn tuyệt vời cho người nghe Rock, Jazz và Classical. Trong danh mục sản phẩm của Grado, RS1 (thế hệ mới nhất là RS1e) là dòng sản phẩm nổi tiếng hơn cả, với chất âm sôi động nhưng cũng không kém phần tinh tế và phần vỏ gỗ đặc trưng. Nếu thích chất liệu kim loại, bạn có thể lựa chọn chiếc SR325e với âm thanh vô cùng mạnh mẽ, hoặc chiếc PS500 mới ra mắt với vỏ kim loại bọc gỗ và âm thanh được đánh giá là "nhiều bass nhất trong gia đình Grado".
Với giá 100 USD, Grado SR80 trong nhiều năm liền là một lựa chọn hấp dẫn cho các fan âm thanh
Grado cũng tự sản xuất một dòng amp dành cho tai nghe có tên RA1
Bên cạnh các dòng tai nghe cỡ lớn với thiết kế on-ear (đệm mút nằm trên vành tai) hoặc over-ear (đệm mút trùm qua tai), Grado còn đặt hàng sản xuất chiếc neckband iGrado tại Trung Quốc và bộ 3 in-ear iGi, GR8 và GR10 tại Nhật Bản. Nhưng, do iGrado và iGi đều không phải là những sản phẩm do Grado tự tay sản xuất và không mang thiết kế đặc trưng của Grado, cái "chất" Grado của chúng, dù vẫn có, vẫn sẽ nhạt phai đôi phần.
Vậy cái "chất" Grado ở đây là gì? Tất cả những chiếc tai nghe Grado "đích thực" (thuộc dòng Prestige, Reference, Reference và Professional) đều có thiết kế mở và phần củ tai hình tròn. Chất liệu sản xuất củ tai có thể là nhựa, nhôm và đặc biệt nhất là gỗ hồng đào – một loại gỗ được đích thân John Grado chọn lựa nhờ các đặc tính đặc biệt đem đến chất âm tuyệt hảo. Tuy vậy, dù là tai nghe Grado tầm thấp hay tầm cao, các fan của Grado đều có thể nhận ra chất âm đặc trưng ngọt ngào, mượt mà và sâu lắng. Những chiếc Grado cao cấp hơn sẽ có âm trường rộng hơn, tái hiện được nhiều chi tiết hơn, song ở bất kỳ tầm giá nào mỗi chiếc Prestige hay Reference Series của Grado cũng đều là một trong những lựa chọn đáng cân nhắc nhất.
Trong nhiều năm liền, các fan của Grado vẫn quen với chiếc hộp sơ sài...
...Và những sợi dây tai nghe dày bằng dây nối guitar điện.
Đó là còn chưa nhắc tới hộp đựng Grado. Trong nhiều năm liền, tai nghe Grado dù đắt tiền vẫn được đặt trong những chiếc hộp vuông vắn đơn giản mà các fan gọi là "hộp pizza". Sang thế hệ mới, tai nghe Grado được đặt trong những chiếc hộp giấy nhỏ nhắn hơn. Nhưng, khi so sánh với những chiếc hộp polymer của Sony hay Audio-Technica, bạn sẽ thấy hộp đựng tai nghe Grado dù có thế nào đi chăng nữa cũng vô cùng... sơ sài và đơn giản. Nhưng chẳng sao cả, chất âm của Grado sẽ "nói lời quảng bá" thay cho những chiếc hộp tối giản này.
Đến thăm công xưởng sản xuất tai nghe Grado, bạn sẽ thấy một khung cảnh vô cùng đặc biệt. Trong khi những người thợ vẫn phải sử dụng máy móc để đóng khuôn các bộ phận làm bằng nhựa hoặc kim loại, tất cả những chiếc tai nghe sản xuất tại Brooklyn đều được lắp ráp thủ công. Khi mà các tên tuổi âm thanh có phần xưa cũ như Sennheiser hay AKG đều đã công nghiệp hóa với các dây chuyền tại Trung Quốc, công xưởng của Grado mang tính gần gũi hơn rất nhiều. Những người thợ ở đây yêu thích công việc của họ; nhiều người được đích thân giám đốc John Grado dạy nghề. Ngay cả John Grado cũng đã tự tay chế tác hàng ngàn chiếc tai nghe. Con trai ông dù không phải quét sàn nhưng cũng vẫn phải học việc của cha mình: "phó chủ tịch marketing" Johnathan Grado hiện vẫn đang học cách sản xuất đầu đọc đĩa than.
John Grado và Johnathan Grado - thế hệ thứ 2 và thứ 3 của gia đình Grado
Hộp Grado thế hệ "e Series" có kích cỡ nhỏ hơn chiếc "hộp pizza" truyền thống
Những chiếc tai nghe được chính gia đình Grado sản xuất hiện đang được phân phối tại 68 quốc gia trên khắp thế giới. Tại Việt Nam, tai nghe Grado được phân phối chính hãng với giá khá đắt đỏ. Ví dụ, chiếc SR325e có giá lên tới 7,7 triệu đồng trong khi RS1i có giá lên tới 17,7 triệu đồng. 2 sản phẩm Prestige Series giá mềm nhất là SR60i (2,3 triệu đồng) và SR80i (2,8 triệu đồng) cũng có giá nằm ngoài tầm với của nhiều người. Bạn có thể mua iGrado với giá 1,1 triệu đồng và iGi với giá 2 triệu đồng – nhưng như đã nói ở trên, trải nghiệm Grado chỉ thực sự đầy đủ trên những chiếc tai nghe cỡ lớn.
PS500 là dòng sản phẩm đại trà mới nhất của Grado
PS1000 là dòng sản phẩm đại trà có giá cao nhất của Grado
Một khó khăn khác dành cho các fan Grado là nhà phân phối tai nghe Grado tại Việt Nam không hỗ trợ sửa chữa những chiếc tai nghe xách tay. Đây là một điều thiệt thòi cho các fan Grado tại Việt Nam, bởi ví dụ nếu bạn sống tại Mỹ, một chiếc SR325is (hết bảo hành) dù hỏng bất kỳ bộ phận nào cũng sẽ được sửa với giá chỉ bằng 1/6 giá mua mới. Nếu chiếc RS1i của bạn hỏng cả 2 driver – bộ phận quan trọng nhất trên tai nghe, bạn sẽ được thay mới driver hoàn toàn với giá chỉ 130 USD, tức là 1/4 mức giá của một đôi RS1e mới tại Mỹ. Ở quốc gia quê hương của Grado, các fan luôn hết lời khen ngợi dịch vụ sửa chữa vô cùng thân thiện và gần gũi của hãng sản xuất thủ công này.
Nhưng chi phí và những phiền toái khi theo đuổi hàng xách tay không ngăn tín đồ cuồng âm thanh Việt Nam tìm đến và yêu quý những chiếc tai nghe đặc biệt này. Hãy lượt trên các diễn đàn và bạn sẽ thấy những chiếc Grado được truyền tay nhau, những bài đánh giá rất hấp dẫn dành cho dòng tai nghe "Made in the USA" này. Tại sao Grado lại được yêu quý? Lý do có thể là bởi tai nghe Grado dù cao cấp nhưng cũng không quá xa lạ: chúng không kén người nghe như AKG đầu bảng và cũng không quá dễ dãi như tai nghe Sony. Tai nghe Grado không tìm giá trị ở thương hiệu như Beats: thay vào đó, ở tầm giá của chúng, mỗi chiếc Grado đều mang tới một âm thanh rất đặc biệt mà không đối thủ nào có thể thay thế được.
Grado đã từng bắt tay với Dolce Gabana thiết kế một chiếc tai nghe đặc biệt
Chiếc tai nghe "đóng" duy nhất trong lịch sử của Grado, Bushmills x Grado
Chiếc PS1 được đích thân Joe Grado thiết kế, chế tạo cũng có giá bán lại gần 2000 USD
Nói như vậy không có nghĩa rằng Grado là hoàn hảo. Hãy thử yêu cầu một cô nàng sành thời trang nào đó lựa chọn giữa Grado SR325e và chiếc HD598 của Sennheiser, câu trả lời hiển nhiên sẽ là HD598 "quý phái". Tai nghe Grado luôn mang trong mình thiết kế hướng về những thập niên xưa cũ: với nhiều người, chúng độc đáo, nhưng với những người khác, chúng đơn giản là... xấu. Đó là còn chưa kể nếu không biết cách bẻ cong quai đeo theo tờ hướng dẫn kẹp trong "hộp pizza", bạn sẽ không thể tận hưởng âm nhạc quá... nửa tiếng vì lực kẹp quá lớn gây đau tai.
Tiếp đó là thiết kế dạng mở của Grado. John Grado đã từng đưa ra tuyên bố rằng "Nếu không thích tai nghe dạng mở thì bạn nên tìm nhãn hiệu tai nghe khác". Những chiếc tai nghe của Grado để lọt tiếng rất nhiều và cũng có mức độ cách âm rất kém – hoàn toàn không phù hợp với môi trường ồn ào hoặc đông người.
Nhưng khi đã mang một niềm đam mê nào đó, bạn hẳn sẽ chấp nhận tất cả những phiền toái và yêu cầu "kén chọn" đi kèm... Trải dài trên khắp thế giới, Grado là một trong những hãng sản xuất tai nghe có nhiều "fan cuồng" tự xưng nhất. Các fan Grado đã tìm ra đủ cách để "độ" tai nghe của mình: dán băng dính xung quanh đệm mút cho âm thanh nhiều bass hơn, thay thế chất liệu củ tai để mang tới âm thanh khác biệt, chọc lỗ trên driver để thay thế chất âm... Những phiên bản giới hạn ít như PS1 hoặc HF2 cho tới giờ vẫn bán với giá cao hơn giá bán ra.
Những chiếc Grado được Martin Audio "độ" có thể có giá gấp đôi bản gốc
Tận hưởng tai nghe Grado cùng amp đèn là một công thức đã được chứng minh từ rất lâu
Có rất nhiều điều để nói về Grado. Đó là một thương hiệu, một "gia đình" tai nghe đặc biệt bậc nhất trong thế giới audiophile hiện tại. VnReview đã từng điểm qua những chiếc SR325is, Alessandro MS2, iGrado,Alessandro MS1, SR225i và Grado iGi trong các loạt bài giới thiệu tai nghe giá mềm – và chúng đều là những sản phẩm rất, rất đáng mua. Nếu bạn cảm thấy hứng thú với những chiếc tai nghe thủ công của Grado, hãy tiết kiệm và sắm cho mình một chiếc SR225 cũ cùng một bộ amp đèn giá rẻ như Little Dot I+. Chắc chắn, bạn sẽ thấy bất ngờ về chất âm tuyệt vời mà 5 triệu đồng có thể mang lại cho mình.
Lê Hoàng
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet