Tiêu đề bài viết là tên của một câu chuyện tôi từng viết trong lần đầu tiên mặc vest, đóng thùng với mục đích chỉ đơn giản là để... chụp ảnh kỷ yếu!
Tôi bước vào tiệm giày ẩn dật nhất giữa thủ đô Hà Nội, nằm trong... phòng khách của một căn hộ chung cư, tầng mười mấy ở tòa nhà nào đến nay không còn nhớ rõ. Vì quá ẩn dật, nên chỉ có tôi và anh bạn thân là khách hàng chiều hôm đó. Đặc điểm của cửa tiệm khiến tôi tò mò tìm đến là vì ở đây chuyên bán các loại giày nam có đế cao tới 10 centimet!
Lần đầu tiên đi mua giày Tây, tôi quyết tâm lựa chọn với ý nghĩ chắc từ nay sẽ trở thành một anh chàng thật là công sở - như hình dung mơ ước suốt một quãng đời đi học. Phải nói thêm là mặc dù chủ cửa hàng bán giày trong phòng khách nhà mình, nhưng các đôi bóng bẩy được bầy trên giá đỡ nhiều vô kể, cứ như tôi đang ở một cửa hàng trong trung tâm thương mại. Chẳng có lý do gì để chủ nhà - kiêm chủ cửa hàng từ chối đến bên tư vấn cho 2 người khách duy nhất. Nhờ có anh ấy, cũng là lần đầu tiên tôi được biết 2 nguyên tắc:
- Nguyên thủ các quốc gia luôn đi giày tây loại buộc dây!
- Nếu mua một đôi loại không có dây, tôi có thể dùng chúng với quần bò!
Vì cái "anh chàng công sở" mà tôi tôn thờ và răm rắp nguyện theo đuổi hình tượng chỉ định phải đi loại có dây, tôi cắn răng móc ví trả món tiền bằng tổng chi tiêu trong tháng của một sinh viên Đại học lúc bấy giờ. Dù thật ra chỉ để xỏ chân khi chụp ảnh kỷ yếu, nhưng bất chợt tôi nghĩ: "Biết đâu sau này thành sếp?".
Leonardo DiCaprio.
Tiếp sau đó, tôi nảy sinh ý định mua tất để đi cùng. Như nhiều chàng trai công sở Việt Nam tôi từng thấy trước đó, việc mặc một bộ đồ màu đen và thi thoảng lộ ra cạp tất trắng tạo cảm giác anh ta rất sạch sẽ và tinh tế. Chủ cửa hàng há hốc mồm 5 giây khi tôi hỏi mua tất trắng, sực tỉnh lại, anh ta thở dài thườn thượt: "Không ai đi giày Tây với tất trắng cả!!!".
Đó là khởi đầu của câu chuyện, tôi bắt đầu nhớ lại một nhà báo chuyên trị chụp chộm các anh chàng công sở ngồi trà đá, chân xỏ những đôi giày bóng loáng, bên dưới ống quần Âu là đôi tất cạp sao trắng muốt không tì vết. Sau này, bằng suy luận cá nhân, tôi phán đoán anh nhà báo bị hội chứng ám ảnh những ai đi giày Tây cùng với tất trắng. Bởi theo anh ta, phần lớn những người bị chụp trộm đều vi phạm một quy chuẩn thời trang bất di bất dịch. Đại khái câu chuyện thế này:
"Khi được học về phép xã giao trong kinh doanh, tôi được dặn là không bao giờ mang vớ trắng với giày tây để đến nơi làm việc. Vớ trắng chỉ được mang khi kết hợp với giày thể thao. Việc mang vớ trắng đến công sở là điều cấm kỵ.
Gia đình Brad Pitt - Angelina Jolie. Brad Pitt cũng phá vỡ quy tắc "giày tây tất trắng"
Nhưng những gì diễn ra trong thực tế lại hoàn toàn trái ngược với nguyên tắc. Hằng ngày đi trên đường, nhìn xuống những đôi chân mang giày tây đang lướt nhanh trên mặt đường, tôi lại cười nghịch ngợm vì quá nhiều người vi phạm nguyên tắc tưởng như rất đơn giản này. Ai cũng có thể vi phạm nguyên tắc của vớ trắng: từ anh thanh niên áo trắng, quần xanh đến những nhân viên văn phòng bảnh bao, từ người lịch sự đến người bình dân, từ già đến trẻ, đủ mọi thành phần… Tôi cũng đã từng nghĩ rằng những người mang vớ trắng đi làm thật quê kệch. Vì sao một nguyên tắc cơ bản như vậy lại ít được mọi người chú ý?".
Đoạn trong ngoặc kép nói trên là một câu chuyện tiêu biểu cho rất nhiều những ví dụ cá nhân hiểu tường tận về giày Tây - tất trắng, người viết nó cũng là một hot blogger đã chia sẻ cảm nhận về đề tài muôn thuở này từ tận năm 2008. Hay trong nhiều câu chuyện khác, tôi được biết nếu sếp của bạn là một người tinh tế trong thời trang, bạn có thể bị đánh giá khá thấp nếu diện kiến sếp mà xỏ vội chiếc giày đen kịt ra ngoài đôi chân bọc tất trắng.
Ở một số trường hợp nặng nề hơn, người ta đánh giá những ai mang giày Tây với tất trắng là... gay!
Quay trở lại câu chuyện tôi đi mua giày, mặc dù cắn răng để mua nhưng tiếc là sau đó tôi chỉ đi có một lần duy nhất, bởi nơi tôi làm việc sau này là một môi trường ăn mặc tự do phóng khoáng, nên nhiều khi tôi tùy hứng ra đường mà vơ tạm một món đồ gì đó từ dưới gầm giường để mặc cũng chẳng sao. Cái tôi sẽ bàn là, trong lần duy nhất xỏ đôi giày Tây bóng lộn ấy, tôi từ một kẻ phát cuồng tất trắng quyết định chìm nghỉm giữa đám đông với đôi tất màu đen. Để đi đến quyết định này, tôi tự nhủ trước đó: "Coi chừng ra đường gặp anh nhà báo nọ thì quê lắm!".
Bạn cứ tưởng tượng đi, triết lý ấy chẳng sai đâu. Nếu giữa một rừng đen kịt, bạn lại xỏ tất trắng, thì hóa ra bạn là con quạ trắng, tất cả mọi người khó lòng bị "đập vào mắt" bởi bạn. Trừ khi bạn muốn chơi trội. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì khác, phần đông tôi quan sát vẫn là 50 - 50 cho tỷ lệ đen và trắng, nhưng có vẻ thời gian càng về sau mọi người càng quan tâm đến quy tắc phối đồ cơ bản này. Bằng chứng là mỗi ngày bài viết của tôi tiếp tục chào đón khoảng 500 lượt truy cập qua google nhờ cụm từ khóa "giày tây - tất trắng".
Đề tài "giầy tây tất trắng" được bình luận sôi nổi trên mạng
Lại là câu chuyện "Ở Việt Nam", tôi thấy chúng ta có xu hướng thích đi tất đen với giày thể thao và quan tâm đến chất liệu hơn là màu sắc. Tất nhiên, tất đen giúp anh chàng chạy hùng hục trên sân cỏ không phải thừa thở hồng hộc lúc cởi giày, vừa giơ lên một cái vớ màu cháo lòng đang bốc mùi. Việc có chỉn chu và tinh ý đến tận đôi tất hay không đôi khi sẽ đánh giá tính cách một chàng trai, và các cô gái cũng có thể cho rằng anh ta là một người hơi kỹ tính, xét nét và có phần tiểu tiết, dù rẳng chẳng ai thực sự muốn ngửi tất của một chàng trai bao giờ.
Tưởng như tôi sẽ tuân thủ theo nguyên tắc này mãi mãi, ngay cả trong đám cưới hay nếu có dịp dạo bước trên thảm đỏ của một sự kiện trang trọng chẳng hạn, nếu không phải vì một ngày gần đây, bỗng dưng có một người gửi cho tôi tin nhắn thế này:
"Chào bạn, hình như các tạp chí thời trang nam ở Việt Nam hơi cứng nhắc thì phải. Mình thấy xu hướng thời trang trên thế giới đang thay đổi và tất trắng vẫn có thể kết hợp với giày Tây. Ví dụ như BST của NTK Michael Bastian (New York)".
Tá hỏa nhận ra người gửi tin nhắn là Linh - một cậu bạn tôi chưa gặp bao giờ mà chỉ trao đổi vài lần sau bài viết của mình. Sau một năm không gặp, Linh giờ đây đã có cả một công trình nghiên cứu về đề tài này. Chắc không ai có thể tin được cậu ấy sưu tầm đến cả ngàn bức ảnh ghi lại tất cả các chính khách, doanh nhân, tuyển thủ, ca sỹ, người mẫu... đình đám trên toàn thế giới đang xỏ giày Tây cùng với bít tất màu trắng!
Devota & Lomba - nhà thiết kế thời trang Tây Ban Nha đình đám và bộ sưu tập của ông.
Và nếu như đôi giày tôi chỉ xỏ một lần duy nhất trong đời đang nằm im lìm trong hộp đựng trên nóc tủ, thì Linh vẫn trung thành với giày Tây - tất trắng mỗi ngày, thậm chí đầy tự hào nếu được đặt chân đến bất cứ nơi đâu. Linh yêu thích tất trắng đến mức đã có lúc tôi trộm nghĩ mình có nên giới thiệu Linh đến gặp anh nhà báo hay săm soi kia không nhỉ?
Sự quay vòng của thời trang vẫn chứa đựng những triết lý do con người tự đặt ra, và đôi khi chính chúng ta làm khổ nhau vì vô tình tôn thờ những quan điểm trái ngược. Ở thời điểm hiện tại, năm 2014, bạn cứ vô tư xỏ giày Tây với tất trắng cũng được, miễn là bạn cảm thấy hợp nhãn quan của bản thân. Nhưng vẫn xin mách nhỏ một "quy tắc" (lại là quy tắc) của thời này: loại màu tất mà bạn mang ở chân không còn phụ thuộc vào chiếc quần bạn mặc hay đôi giày đang đi nữa, mà nên đồng màu với chiếc áo sơ mi.
Thế nên, hãy cứ cười tươi nếu phát hiện ai đó lén lút chụp trộm bạn ở một khoảng không xa!
Có buồn cười không khi Lại Văn Sâm phát cuồng tất trắng?
Và cả Leonardo.
Thời đại của những đôi giày Tây - tất trắng.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet