Chuyện một chiếc xe máy “đẳng cấp” như Honda SH được rao bán với mức giá từ 15 đến 20 triệu đồng có vẻ là khó tin, nhưng thực tế lại đang diễn ra trên một số diễn đàn, trang mua bán cá nhân trên mạng xã hội.
Không chỉ SH, một số mẫu xe máy được coi là “hot” trên thị trường hiện nay cũng được ra giá với mức “rất bèo”. Yamaha Exciter chỉ có giá 7 triệu đồng, Suzuki RGV giá 15 triệu đồng, Piaggio Liberty 15 triệu đồng, Suzuki Axelo 5 triệu đồng, Honda Wave, Dream 5 triệu đồng, Airblade 8 triệu đồng và Vespa LX 15 triệu đồng.
Một trang cá nhân rao bán xe không giấy tờ với giá rẻ "giật mình" |
Sở dĩ những chiếc xe có giá rẻ giật mình nói trên là bởi chúng đều không có giấy tờ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, được nhập lậu qua biên giới.
Đánh vào tâm lý người tiêu dùng ham rẻ, muốn dùng xe xịn nhưng lại ít tiền, những topic như: “Chuyên bán xe nhập khẩu không thuế hải quan toàn quốc”, “Buôn bán các loại xe lậu không giấy tờ”, “Xe nhập lậu biên giới trốn thuế giá rẻ”... mọc lên như nấm sau mưa, thu hút đông đảo bạn trẻ, người tiêu dùng đang có nhu cầu tìm phương tiện đi lại.
Giá bán rẻ “không ngờ” tới mức nhiều người tiêu dùng biết rằng mua bán như vậy là phạm pháp nhưng cũng “đành liều” vì biết đâu vớ bở tiết kiệm được cả một khoản tiền chênh lệch to.
Những chiếc xe mới cáu cạnh, đủ mọi thể loại, mẫu mã, màu sắc được chụp ảnh từ mọi góc độ đăng lên mạng xã hội đầy đẹp đẽ. Thậm chí để tăng uy tín, người bán còn chụp ảnh những “phi vụ” buôn bán thành công, những chiếc xe đã giao về chủ mới ra sao để tạo niềm tin với khách hàng.
Những giao dịch mua – bán xe qua mạng nhiều lần đã được cảnh báo là thiếu độ tin cậy, không được pháp luật đảm bảo thậm chí là phạm pháp nhưng vì ham rẻ, nhiều người tiêu dùng vẫn lao vào cuộc chơi mà không lường trước được hậu quả.
Giá hấp dẫn là thế, hình ảnh xe đẹp đẽ là thế nhưng gần như các giao dịch bán xe không mấy khi thành công. Thông thường, những người rao bán xe lậu trên mạng thường yêu cầu người mua đặt cọc tiền trước khi chuyển xe. Mà tiền đặt cọc lại được quy đổi bằng thẻ điện thoại.
Người bán không để lộ tên tuổi, số tài khoản ngân hàng hay bất cứ thông tin cá nhân nào, ngoài số điện thoại chắc chỉ dùng một lần rồi vứt.
Luôn có cách thoái thác để khách hàng không gọi hay không gặp được người bán |
Người mua xe cũng không được đến tận nơi để nhận xe. Người bán thì lấy lí do ở xa, “xe có vài triệu đồng không đến tận nơi để giao được” nên chọn cách chuyển qua ship hàng. Khi những “người nhẹ dạ” chuyển tiền đặt cọc qua thẻ điện thoại, giao dịch coi như chấm dứt và họ đã “dính bẫy”. “Xe xịn”, giá rẻ chẳng thấy đâu mà mất toi số tiền đặt cọc từ 500 ngàn đến 2 triệu đồng.
Thử đặt thêm một kịch bản là giao dịch có thành công đi chăng nữa, người mua xe chắc gì đã nhận được chiếc xe như quảng cáo. Không có bất cứ một thứ giấy tờ gì đảm bảo. Thông tin về người bán thì quá mập mờ.
“Những người ham rẻ” sẽ nhận được chiếc xe nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc đã được làm giả giấy tờ. Bản thân họ khi điều khiển những chiếc xe như thế cũng là hành vi vi phạm pháp luật. Trong trường hợp bị lực lượng công an phát hiện, họ sẽ bị xử phạt, tịch thu phương tiện và thậm chí trong trường hợp vi phạm nặng có thể sẽ bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.
Hà An /Tuổi trẻ thủ đô
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet