Siêu mẫu Xuân Lan. |
Từ điển tiếng Việt định nghĩa: "Mode - kiểu sinh hoạt thường là kiểu ăn mặc được số đông ưa chuộng trong một thời gian nào đó". Định nghĩa trên có phần sơ lược, nhưng căn bản là đúng. Suy từ định nghĩa ấy, mode không có nghĩa xấu. Được số đông ưa chuộng, tất phải có cái tốt, cái hay.
Ăn mặc đúng mode không đồng nghĩa với ăn mặc đẹp. Thường thường, mode được thịnh hành là do tiện dụng. Cái quần jeans được cả thế giới biết đến, người lao động dùng, giới tư sản dùng, cả những nhà vua, hoàng tử cũng dùng. Vải jeans, quần áo jeans, không có gì là đẹp hơn các loại vải khác, quần áo lại không có nếp... nhưng người ta ưa mặc vì rất tiện trong công việc, sinh hoạt, mặc thoải mái không bị gò bó, không phải giữ gìn ý tứ, làm cho người mặc mất tự nhiên; mất tự nhiên thành ra ngượng ngịu, không đẹp. Tuy nhiên, nếu tiện dụng nhưng khó coi thì cũng không thành mode. Cởi trần, mặc quần cộc thoải mái thật, nhưng mặc vậy trước mặt người khác, nhất là phụ nữ thì không đẹp chút nào.
Có những cách trang điểm, trang phục ban đầu không được tán thành, nhưn khi trở thành mode thì lại chinh phục sự đồng tình, hơn nữa còn được ca tụng. Không phải nói đâu xa, hồi tôi 19-20 tuổi (năm nay đã trên 80), phụ nữ mà để răng trắng, vấn tóc trần chứ chưa phải cắt, uốn tóc như bây giờ, đã bị coi là quái đản. Ngày nay, thanh thiếu niên xem ảnh bà nội, bà ngoại lại ngơ ngác vì lạ lẫm quá. Từ thời điểm tôi 9-10 tuổi đến nay biết bao nhiêu lần phụ nữ thay đổi mode trang điểm, mode ăn mặc. Chỉ riêng một cái áo dài thôi, tôi cũng khó nhớ hết những cuộc cách tân: dài, ngắn, vai bồng, vai xuôi, cổ kín, cổ hở...
Không phải chỉ ở thành thị mới có mode này mode nọ. Ở nông thôn phụ nữ cũng thay mode: áo đổi vai, yếm trắng, yếm thắm, thắt lưng màu... Ngay cái kiểu chân quê mà nhà thơ Nguyễn Bính đề cao bài xích cô bạn "khăn nhung, quần lĩnh, áo cài khuy bấm em làm khổ tôi" cũng chẳng phải thuần chân quê đâu; bởi cái quần đen đã là một sự cải tiến thay cho cái váy rồi.
Định nghĩa trên nói "được số đông ưa chuộng trong một thời gian nào đó". Đúng vậy, mode luôn thay đổi, phụ thuộc nhiều vào tính thời cuộc. Thí dụ, một dạo thịnh hành cái mode ăn mặc như bộ đội, thanh niên xung phong mũ cối áo trấn thủ, mũ tai bè... Đó là sự tác động của yếu tố chính trị.
Những năm gần đây, nền kinh tế của nước ta ngày càng ổn định và phát triển. Các tầng lớp từ trung lưu trở lên, thu nhập khá, có điều kiệnnâng cao mức sinh hoạt, đã chú ý lựa chọn từ y phục đến vật dụng trong nhà... hợp với sở thích cá nhân hơn. Từ đây, nghề tạo mode cũng phát triển mạnh. Các nghệ sĩ tạo mode, các nhà tạo mode chân chính là những người làm đẹp cho xã hội, làm cho con người yêu cuộc sống hơn, hăng hái đóng góp cho đời.
(Theo Mốt)
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet