Ai cũng biết Venezuela là cường quốc sắc đẹp lớn nhất thế giới. Những “phân xưởng” sản xuất hoa hậu đã đem về cho đất nước Nam Mỹ này vô số vương miện cao quý. Tuy nhiên Venezuela không còn nắm vị trí độc tôn trong cuộc đua hoa hậu.
Đất nước Philippines được mệnh danh cường quốc hoa hậu mới chính là đối thủ mạnh nhất của Venezuela. Thậm chí trong vài năm gần đây, quốc gia châu Á này còn có phần lấn lướt quốc gia Nam Mỹ trên bảng xếp hạng sắc đẹp thế giới.
Tân Hoa hậu Hoàn vũ Pia Alonzo Wurtzbach là đại diện "thiện chiến" đến từ Philippines
Philippines là đất nước châu Á duy nhất từng chiến thắng 4 cuộc thi nhan sắc lớn nhất hành tinh, bao gồm: 3 chiếc vương miện Miss Universe - Hoa hậu Hoàn vũ (1969, 1973, 2015), 1 vương miện Miss World - Hoa hậu Thế giới (2013), 5 Miss International - Hoa hậu Quốc tế (1964, 1970, 1979, 2005, 2013) và 3 Miss Earth - Hoa hậu Trái đất. Các đại diện của Philippines thường không mang vẻ đẹp thuần Á, họ có nhan sắc lai Tây bí ẩn, quyến rũ, khỏe khoắn.
Nếu chỉ xét về yếu tố nhan sắc vẫn chưa đủ để khiến đất nước 93 triệu dân này trở thành cường quốc sắc đẹp, bởi vẻ đẹp phụ nữ mỗi quốc gia không quy về thể thống nhất chung. Họ thành công được nhờ công nghệ đào tạo hoa hậu nghiêm khắc và bài bản không thua gì Venezuela.
Đất nước đam mê sắc đẹp
Cũng phải nói thêm, Phillipines là một quốc gia mê đắm hoa hậu. Mỗi năm tại đây tổ chức tới hơn 40 cuộc thi sắc đẹp lớn nhỏ. Các tỉnh, thành phố đều đăng cai thi hoa hậu thường niên. Tuy nhiên trong đó chỉ có 4 cuộc thi lớn nhất là Bb. Pilipinas, Mutya Ng Pilipinas, Miss Philippines Earth, và Miss World Philippines. Những người chiến thắng của các cuộc thi này sẽ đại diện cho quốc gia tham dự đấu trường nhan sắc quốc tế.
Thành hoa hậu cũng đồng nghĩa với cuộc đời của các cô gái bước sang trang mới
Đội được vương miện lên đầu cũng đồng nghĩa với cánh cửa danh vọng mở ra trước mắt. Tại Philippines, thi hoa hậu là cách nhanh nhất để một người bình thường có thể gia nhập giới giải trí, trở thành ngôi sao truyền hình, diễn viên, ca sĩ… Sau khi đăng quang, họ sẽ trở thành những đối tượng đặc biệt được quan tâm, sẽ được tham dự những bữa tiệc lớn, có cơ hội tạo mối quan hệ với giới tài phiệt và giới quan chức cao cấp.
Theo Giảng viên Văn hóa truyền thông Anjo Lorenzana thì ngay cả hoa hậu trại giam cũng khiến cha mẹ cô ta cảm thấy vô cùng tự hào. “Các nữ hoàng sắc đẹp hiện diện ở khắp nơi nơi” – Anh khẳng định.
Quả thật, ở Philippines, hoa hậu không chỉ là một danh hiệu mà nó là nỗi khao khát, là giấc mơ của mọi cô gái ôm giấc mộng đổi đời.
Hoa hậu giúp các cô gái vụt sáng thành ngôi sao
Quy trình sản xuất hoa hậu cực bài bản
Capili, tác giả một cuốn sách về những nữ hoàng sắc đẹp Philippines chỉ rõ: "Ngày xưa, một phụ nữ không được đào tạo vẫn có thể giành được danh hiệu hoa hậu do có nhan sắc trời phú. Nhưng hiện nay, các cơ sở hay tổ chức tìm kiếm hoa hậu sẽ tổ chức những khóa huấn luyện trong nhiều tháng hay thậm chí nhiều năm trước khi diễn ra một cuộc thi hoa hậu tầm cỡ quốc gia".
Một trong những ngôi trường thành công nhất là của Jonas Gaffud, Giám đốc điều hành Công ty người mẫu Mercator. Ông và đội ngũ giáo viên đào tạo trung bình 10 ứng viên hoa hậu mỗi năm cho Philippines. Và thành công lớn nhất của Jonas đó là giúp Megan Young, đại diện Philippines đầu tiên dành vương miện Miss World.
Những trường đào tạo hoa hậu ở quốc gia châu Á này chứng minh một chân lý: “Ngọc không mài, không sáng”. Hiện nay, bạn sẽ không thấy những trường hợp Lọ Lem vụt sáng thành bà hoàng trong 1 đêm chung kết tại cuộc thi sắc đẹp lớn ở Philippines. Các cô gái tham dự đều hoàn hảo, đẹp như tạc, đặc biệt là thần thái cũng như khí chất khó có thể chê ở điểm gì. Đặc điểm chung của họ là đều đã được mài dũa ở những cơ sở được gọi là “trường đào tạo hoa hậu”, một mô hình đang rất nở rộ tại Phillipines.
Các học viên của trường đào tạo hoa hậu đều xinh đẹp, nổi bật
Tại nhiều đất nước, tuổi tác là một vấn đề trở ngại khi bước chân vào các cuộc thi sắc đẹp. Tuy nhiên tại Philippines, kể cả khi tuổi tác sát với đáy độ tuổi quy định của cuộc thi, thí sinh vẫn có thể tự tin đọ sắc với những cô nàng trẻ hơn nếu như đã từng được tôi luyện qua lò luyện hoa hậu.
Một trường hợp cụ thể là Miss Philippines Earth Sandra Seifert đăng quang khi đã 25 tuổi, ở độ tuổi bị cho là già để đội vương miện. Sau đó cô tiếp tục khiến người hâm mộ nức lòng khi trở thành Á hậu 1 Miss Earth. Sandra Seifert thành công rạng rỡ sau 1 tháng tham gia vào cơ sở đào tạo hoa hậu.
Sự lợi hại của các cơ sở đào tạo hoa hậu philippines ở chỗ những cô gái thoạt nhiên khi bước vào đây đều hầu như không hoàn hảo. Tuy nhiên các chuyên gia như Jonas Gaffud lại nhìn ra được tiềm năng rất rõ từ họ.
Các nữ hoàng sắc đẹp Philippines có thần thái tự tin, quyến rũ
Jonas Gaffud chia sẻ ông không chọn những người có cấu trúc xương quá đẹp, chỉ cần chân và tay dài, đó là những điểm tối thiểu của một nữ hoàng nhan sắc. Những vấn đề hình thể, cung cách cư xử… sẽ được khắc phục sau khóa đào tạo. Khi Janine Tugonon hay Shamcey Supsup mới tìm tới Jonas Gaffud, họ thậm chí còn chưa biết đi giày cao gót.
Điều quan trọng của một nữ hoàng sắc đẹp tiềm năng, theo Jonas, đẹp hay cao thôi chưa đủ, cô gái muốn đội vương miện cần phải có khí chất như thể hương thơm tinh túy toát ra từ bên trong. Đó là cách đãi vàng dưới đáy sông của “ông trùm hoa hậu” xứ này.
Để tham dự vào cuộc thi lớn, học viên tiềm năng thường phải bỏ ra 6 tháng rèn luyện cùng chuyên gia. Trong khoảng thời gian này, họ phải học mọi thứ, từ cách đi đứng trên giày cao gót, xoay đầu, tạo dáng… Các chuyên gia cũng là những người cực kỳ tâm huyết với nghề đào tạo hoa hậu. Thậm chí họ còn bỏ tiền túi thuê chuyên viên trang điểm, mỹ phẩm, hoặc cả chi phí ăn ở, đi lại cho các học viên không có điều kiện.
Theo cựu nữ hoàng săc đẹp Maria Isabel Lopez, cơ sở hình thành nên trung tâm đào tạo hoa hậu Philippines dựa trên lò luyện hoa hậu ở Venezuela. Tuy nhiên theo thời gian, các chuyên gia sẽ chắt lọc và phát triển các phương pháp rèn luyện hoa hậu dựa trên thị hiếu và xu hướng chung của cuộc thi.
Điều quan trọng là cách thức của các lò luyện hoa hậu Philippines còn có tính kế thừa. Những cô gái trải qua các cuộc thi thế giới sẽ đem về kinh nghiệm cung cấp cho các tổ chức đào tạo. Sau đó tổ chức đào tạo sẽ nghiên cứu và tạo thành bộ kim chỉ nam giúp người đi sau rút kinh nghiệm.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet