hà nội 36 phố phường, trước kia, nhiều người khi nhớ về phố phường Hà Nội vẫn mặc định với con số ấy. Thế nhưng ngày nay, trên mảnh đất Thủ đô, mỗi năm vẫn mọc lên nhiều con đường mới với những tên gọi mới. Việc đặt tên cho đường phố ở vùng đất kinh kỳ xưa nay chẳng bao giờ là chuyện dễ dàng. Ít ai biết, đằng sau những cái tên thân thương ấy là cả một quy luật tinh vi mà để tuân thủ nó, các nhà sử học, quy hoạch kiến trúc không ít lần phải đau đầu.
Câu chuyện lịch sử ẩn sau những cung đườngỞ Hà Nội, phần lớn tên đường phố đều được đặt bằng tên các danh nhân có đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Đây cũng là một nét riêng vì trên thế giới, nhất là châu Âu, tên đường phố chủ yếu được đánh số thứ tự hoặc đặt theo tên dòng họ, gia tộc.
Nếu không để ý, hẳn nhiều người sẽ nghĩ, tên đường phố ở Hà Nội được sắp xếp ngẫu nhiên song kỳ thực, chúng luôn tuân theo một quy tắc cụm, trong đó, mỗi cụm ứng với một triều đại, giai đoạn lịch sử nhất định. Ngoài ra còn một quy tắc khác là, tên những con đường lớn thường ứng với người có công lớn và đường nhỏ hơn là tên các vị quan thần có công trong từng triều đại, thời kỳ lịch sử nhằm phản ánh vị trí của các "nhân thần" trong tâm lý người Việt, và gắn bó với yếu tố Đất.
Đường Trần Hưng Đạo nằm gần các phố Yết Kiêu, Dã Tượng.Phố Đinh Tiên Hoàng là con đường chính, to, đẹp nằm ngay giữa Trung tâm thủ đô.
Phố Trần Nhật Duật với tên gọi (Quai Clémenceau) đầu thế kỷ XX.
Sau đó được đổi lại tên thành Trần Nhật Duật như ngày nay. Tuyến đường này nối thẳng với Trần Quang Khải, Nguyễn Khoái như một sự sắp xếp khéo léo.
Các con đường thuộc quận Hoàn Kiếm - Trung tâm Thủ đô thường gắn với tên các vị danh nhân thời kỳ đầu dựng nước. Các phố Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ đều là những con đường lớn nằm gần mạn hồ Gươm lịch sử. Tản mác ven đó là những cái tên như Đinh Liệt, Đinh Lễ...
Các con phố gợi nhắc "hào khí Đông A" thời nhà Trần cũng được sắp xếp cùng nhau. Ví như đường Trần Hưng Đạo, Trần Thái Tông nằm sát ngay phố Yết Kiêu, Dã Tượng, Đỗ Hành...
Xuôi về quận Cầu Giấy, các con đường ở đây lại gắn liền với tên các vị danh nhân thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước. Gần đường Xuân Thủy - Cầu Giấy có phố Trần Đăng Ninh. Đường Xuân Thủy (tên của cố bộ trưởng Bộ ngoại giao, người có công góp phần làm nên thắng lợi của việc ký kết hiệp định Paris) nằm cạnh ngay đường Phạm Văn Đồng (vị cố Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ ngoại giao lỗi lạc, từng tham gia các cuộc đàm phán về Hiệp định Giơnevơ). Các cung đường khác nằm gần nhau như Phạm Hùng, Hồ Tùng Mậu, Lê Đức Thọ... cũng lần lượt là tên các vị chính khách nổi tiếng trong lịch sử cách mạng.
Không chỉ điểm tên các vĩ nhân là chính khách, nhiều cung đường Thủ đô lại được lấy tên theo các văn nghệ sĩ có đóng góp lớn cho sự nghiệp phát triển văn hóa nước nhà. Những con đường này chủ yếu nằm ở khu vực hồ Tây thơ mộng như phố Đặng Thai Mai, Tô Ngọc Vân và mới đây nhất là đường Trịnh Công Sơn.
Khung cảnh rợp bóng cây xanh trên đường Xuân Diệu.Đường Nguyễn Tuân - Thanh Xuân nối liền trục đường lớn Nguyễn Trãi gần đó.
Trục đường Trường Chinh, giao cắt với nó là phố Lê Trọng Tấn đều mang tên những danh nhân nổi tiếng trong lịch sử cách mạng.
Một quy luật cũng khá thú vị khác là xung quanh khu vực Đại học y Hà Nội là tên các con phố gắn liền với các vị bác sĩ nổi danh như Phạm Ngọc Thạch, Tôn Thất Tùng...
Phố Nguyễn Khuyến có vẻ như xen ngang bất hợp lý khi nằm cạnh ngay đường Lê Duẩn. Thế nhưng nếu ai tinh ý sẽ nhận ra, Nguyễn Khuyến là một nhà thơ nổi tiếng thời văn học Trung đại và con phố này dẫn người ta đến Văn Miếu, gần đó có những tên phố gắn với các vị danh nho như Cao Bá Quát, Ngô Tất Tố, Ngô Sĩ Liên.
Quy tắc đặt tên kiểu kết nối này đem lại những điều khá thú vị. Nếu ai thích tìm hiểu lịch sử thì chỉ qua những tên phố, họ đã có cả một bài học dài về tên các vị danh nhân có công với đất nước hay những truyền thuyết lịch sử thời xa xưa. Chẳng hạn như đường Lạc Long Quân bây giờ nằm rất gần với đường Âu Cơ. Tuy nhiên, quy luật này đôi khi cũng bị phá vỡ. Chẳng hạn như, đáng ra nếu tuân thủ đúng quy luật thì đường Trần Quang Diệu phải nằm gần đường Bùi Thị Xuân, đường Lê Hồng Phong phải gần đường Nguyễn Thị Minh Khai hoặc như đường Nguyễn Trãi phải nằm cạnh đường Lê Lợi thay vì cách khá xa nhau..
"Dùng tên danh nhân để đặt tên phố là nét đặc biệt của Việt Nam"Để hiểu rõ hơn về cách đặt tên đường phố ở Hà Nội, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với GS. Phạm Xanh, nguyên là giảng viên khoa Sử Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, người đã có nhiều công trình khoa học và hàng trăm bài nghiên cứu về lịch sử Việt Nam cận hiện đại.
Theo ông Xanh, đường phố Hà Nội đặt tên theo một quy luật nhất định ứng với tên các vị danh nhân và đó là một nét riêng biệt so với các nước khác. Nhiều nước châu Âu dùng số thứ tự để gọi tên đường. Điều này cũng rất thuận lợi vì các phố gần nhau sẽ có số thứ tự sát nhau. Đồng thời, nó rất tiện trong việc mở rộng quy hoạch bởi các con phố được đánh số càng lớn tức là nó càng mới. Tuy nhiên, mặt khác, đặt tên phố như vậy có phần hơi nhàm chán và không mang nhiều giá trị văn hóa, lịch sử.
Khung cảnh phố Hàng Đồng thời Pháp thuộc, giai đoạn đó, con phố này có tên là Rue des Tasses. Ảnh nguồn Internet.
Phố Hàng Đồng ngày nay. Phố Hàng Bạc (rue des Changeurs) đầu thế kỷ XX... ... và hình ảnh con phố này ngày nay."Nhiều người có ý kiến nên hạn chế dùng tên danh nhân đặt tên đường phố nhưng cá nhân tôi lại thấy rất ủng hộ việc này. Tuy nhiên, Hà Nội là trái tim của đất nước nên chỉ những vị danh nhân nào có đóng góp mang tầm cỡ quốc gia thì mới xứng đáng được đặt tên đường".
Nói về quy luật đặt tên phố theo từng cụm, ông Xanh khẳng định, các quy tắc này chỉ mang tính chất tương đối. Bằng chứng là chúng ta sẽ tìm được nhiều trường hợp ngoại lệ hơn là những nơi tuân theo quy luật. Nếu đúng theo quy tắc từ năm 1945 thì tên phố thường ứng với các cụm có tính chất phù hợp với nó. Ví như cụm quanh Hồ Tây thơ mộng sẽ phù hợp cho việc gắn tên các nhà văn, nhà thơ... nổi tiếng. Tuy nhiên điều này cũng chỉ là tương đối khi danh nhân thì có hạn nhưng đường phố lại luôn được mở ra rất nhiều.
Bên cạnh đó, ông Xanh cũng cho rằng, việc đặt tên phố tối kỵ nhất là chuyện thay đổi tên gọi. Vì vậy, không nên cứng mà sửa đổi tên phố chỉ vì để tuân theo quy luật khoa học nêu trên. "Trừ khi tên đường bị đặt sai mới cần thay đổi, còn một khi các vị dnah nhân ấy vẫn là những vĩ nhân của lịch sử thì không nhất thiết phải thay đổi cho hợp với quy luật theo cụm".
Phố Lãn Ông chuyên bán thuốc Bắc. Tên gọi của các con phố gắn với nghề nghiệp thường ít chịu sự thay đổi theo năm tháng.
Tên gọi của các trục đường Âu Cơ, Lạc Long Quân nằm ven mạn hồ Tây cũng ít có sự thay đổi.
"Đáng lưu giữ nhất là tên các đường phố bắt đầu bằng chữ Hàng (gắn với làng nghề) hoặc chữ Hòa, chữ Khương (có nghĩa là cổng - gắn với văn hóa làng cổ). Những phố như thế thường có lịch sử lâu đời và gắn bó với người dân, không nên thay đổi", ông Xanh nói thêm
Theo GS Phạm Xanh, người đặt nền móng cho việc quy hoạch tên phố là ông Trần Văn Lai, thị trưởng thành phố Hà Nội dưới thời chính quyền Trần Trọng Kim. "Thời Pháp thuộc, chính quyền thực dân đã thay đổi nhiều tên phố của người Việt bằng cách dịch sang tiếng Pháp hoặc áp dụng tên các vị danh nhân người Pháp để đặt tên đường ở Hà Nội. Tuy nhiên, khi ông Trần Văn lai lên nhậm chức thị trưởng đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, ông đã thay đổi hoàn toàn điều đó bằng cách đưa tên các con phố cũ trở lại nguyên trạng và dùng tên danh nhân Việt Nam để đặt tên cho phố phường".
Các quốc gia trên thế giới có nhiều cách đặt tên đường khác nhau. Dưới đây là một số cách đặt tên phổ biến:
- Đặt theo số, cảnh quan, cây cối, hoặc bằng họ phổ biến. Cách đặt tên này phổ biến tại Mỹ, như như con đường Oakhill – kết hợp giữa Oak (cây sồi) và hill (ngọn đồi), hoặc đường Smith (họ rất phổ biến tại đây).
- Đặt tên theo địa điểm dẫn đến. Ví dụ như đường Elm Street ở Mỹ đã được đổi thành Jacksonville Road, vì nó dẫn tới làng Jacksonville.
- Đặt tên theo ngành nghề. Ví dụ như phố Haymarket (chợ cỏ khô) tại London (Anh) - nơi trước kia được sử dụng để bán thức ăn cho gia súc và các mặt hàng nông sản.
- Đặt tên theo công trình cột mốc (landmark). Những cái tên này thường được duy trì, ngay cả khi công trình biến mất. Ví dụ như phố Ramble de Canaletes tại Barcelona (Tây Ban Nha) được đặt tên theo đài phun nước tại đó.
- Đặt tên theo tên người nổi tiếng: như phố Şoseaua Kiseleff tại Bucharest (Rumani) được đặt tên theo tên nhà cách mạng Nga Pavel Kiselyov – người đã xây dựng con đường này.
Lê Giang
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet