Giám đốc sáng tạo trong cái nhìn của mọi người?
Nguyễn M.Anh, phóng viên:
Theo tôi cảm nhận thì những người làm giám đốc sáng tạo khá chảnh! Họ hơi khó tính. Họ có phong cách thời trang độc, lạ, hoặc đôi lúc là cực đoan...
Phan T.Tú, thiết kế đồ họa:
Giám đốc sáng tạo ư? Chắc chắn là vô cùng giỏi giang! Am tường mọi thứ, và gu thời trang riêng biệt, với cái tôi cá nhân rõ ràng.
Nguyễn Hương, nhân viên kinh doanh:
Tôi không biết nhiều về những người như vậy, nhưng luôn tưởng tượng ra một nhân vật trầm lặng, ít nói, đeo kính cận... và luôn mặc đồ đen. Người đó sẽ rất hiểu biết, kiểu một "cuốn từ điển sống", nhưng chắc là cũng khó gần?!
Giám đốc sáng tạo Dzung Yoko cùng các chân dài.
Ngoài công việc sáng tạo các bộ ảnh thời trang đẳng cấp, Dzung Yoko còn dành thời gian chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm với sinh viên.
Trần Hoàng Dũng (nghệ danh Dzung Yoko) đã nhanh chóng khẳng định tên tuổi của mình trong lĩnh vực Thiết Kế Đồ Hoạ, đặc biệt là với những sáng tạo bìa đĩa cho các danh ca ở Việt Nam. Những năm gần đây, anh nắm giữ vị trí Giám Đốc Sáng Tạo cho những tạp chí thời trang danh tiếng thế giới như ELLE và L’Officiel.
Dzung Yoko trong buổi gặp tại triển lãm với dáng người nhỏ nhắn, anh mặc áo phông trắng và không mang kính cận như một bạn đọc đã tưởng tượng. Đôi mắt tinh tường của anh đã chọn ra nhiều bối cảnh đẹp và những gương mặt ấn tượng cho các bộ ảnh nghệ thuật thời trang.
Là giám đốc sáng tạo, công việc đầy phức tạp và nhiều công đoạn, làm việc theo nhóm, chắc hẳn khó tính là điều bắt buộc. Nhưng trên tất cả, công việc tạo nên giá trị của mỗi người.
Người đàn ông quyền lực của tòa soạn thời trang!
- Nhiều người cho rằng giám đốc sáng tạo là nhân vật "quyền lực" ở tòa soạn, "quyền lực" của anh được lấy từ đâu?
Theo tôi "quyền lực" hay không nằm ở các sản phẩm ra mắt mỗi số tạp chí. Quyền lực hay không chính từ những bức hình trên trang báo. Quyền lực không nằm ở name card, nó là hiệu quả công việc, nguồn lực sáng tạo của bản thân.
Bộ ảnh bạn tạo ra, thông điệp thời trang và nghệ thuật bạn đưa tới mà công chúng không đón nhận, không ai thích thì chẳng có chút “quyền năng” nào hết. Không thuyết phục được bạn đọc là không hoàn thành nhiệm vụ chứ chưa nói đến những thứ khác.
Tôi có những niềm vui đơn giản là mọi người chờ xem bộ hình của mình. Đó là áp lực nhưng cũng là động lực sáng để luôn làm ra các sản phẩm mới mẻ, thu hút.
- Công việc của anh được cho là "chỉ huy trưởng" của mỗi số tạp chí. Thực tế, đó là những công đoạn như thế nào?
Mọi bộ ảnh được bắt đầu từ ý tưởng, sau đó vẽ từng cảnh, từng khuôn hình. Tất nhiên là bộ ảnh phải thống nhất với ý tưởng chung của số báo, mỗi bộ ảnh nhỏ lại có câu chuyện và lý do riêng. Đó là sáng tạo câu chuyện bằng hình ảnh. Là công việc thú vị, được quyền tự do sang tạo trong phạm vi khá rộng.
Để có một bộ ảnh ngoài giám đốc sáng tạo là người đầu tầu còn có sự đóng góp của rất nhiều người: photo, make up, người dựng cảnh, làm đạo cụ, người mẫu… rất nhiều công đoạn, nhiều điều cực nhọc để ra được sản phẩm.
Mỗi người sẽ có phương pháp sáng tạo riêng, với tôi, đầu tiên luôn là những bản vẽ sketch minh họa cho ý tưởng, từ bản vẽ để định hình câu chuyện của bộ ảnh. Bản vẽ như là cốt truyện, nhiếp ảnh gia, người trang điểm, người mẫu như từng lớp sáng tạo, phủ dần và hoàn chỉnh một bộ ảnh thời trang.
Công việc của tôi không giành cho số đông!
Những bản sketch khởi đầu cho những bộ ảnh thời trang của Dzung Yoko.
- Không ít người cho rằng các bộ ảnh thời trang trên tạp chí quá mông lung, khó hiểu, khó tiếp cận. Thời trang cao cấp thật phù phiếm! Anh nghĩ thế nào về quan điểm đó?
Ảnh thời trang trên tạp chí không hề phù phiếm. Quan điểm của tôi cho rằng thời trang là nghệ thuật! Người làm thời trang là làm nghệ thuật. Cộng thêm chức năng media của tạp chí nữa thì việc định hướng người đọc, người xem là rất quan trọng.
Mình làm thời trang là mình phục vụ nghệ thuật. Để tất cả công chúng hiểu ngay thì rất khó, nhưng không vì thế mà dừng lại, hãy cứ làm, cứ sáng tạo, từng chút một đó sẽ thấm dần. Tôi tin ngày càng có nhiều người hiểu và say mê nghệ thuật cũng như thời trang hơn nữa.
Triển lãm ảnh thời trang đầu tiên ở Việt Nam
- Anh mới mở triển lãm ảnh thời trang được coi là đầu tiên ở Việt Nam, kỳ vọng của anh ở triển lãm này là gì?
Một trong những lý do của triển lãm được mở ra là tôi muốn giới thiệu rõ hơn về quy trình làm việc của tôi, qua đó để thấy được rõ hơn về một số công đoạn tạo ra bộ ảnh thời trang.
Người trong nghề đã biết về công việc này nhưng nhiều người còn muốn tường tận hơn, đặc biệt là các bạn sinh viên, nhiều bạn muốn theo công việc này. Các bạn thường nghĩ, giám đốc sáng tạo là nghề rất "hoành tráng", tới những nơi sang trọng, mặc những gì đẹp nhất... nhưng nghề nào cũng có khó khăn riêng.
- Sau một thời gian triển lãm mở cửa, hiệu ứng của triển lãm có được như anh mong muốn?
Người tới xem triển lãm là những người làm nghề, làm báo thời trang, các bạn sinh viên thời trang, nhà thiết kế, và các nhà nhiếp ảnh. Tôi rất vui vì những người trong nghề đón nhận triển lãm.
Từng bộ ảnh, tôi luôn muốn kết nối câu chuyện, thông điệp song hành với các trang phục người mẫu thể hiện. Nếu có một gợi mở ý tưởng nào trong đầu tôi hoặc tìm đường dẫn tới các bộ trang phục hoặc cố gắng điều tiết mọi thứ liên kết với nhau. Nếu không tôn trọng điều này thì sẽ mất đi ý nghĩa của thời trang.
Đầu tháng 7 vừa qua, Dzung Yoko đã mở triển lãm ảnh thời trang đầu tiên ở Việt Nam thu hút sự quan tâm của công chúng.
- Mỗi bộ ảnh là "đứa con tinh thần" của anh, nhưng chắc chắn sẽ có một vài "đứa" vượt trội, anh hãy chia sẻ thêm?
Thành công của bộ ảnh tùy thuộc nhiều yếu tố. Nhưng trong triển lãm này, bạn có thể thấy bức ảnh thời trang lấy cảm hứng từ nghệ thuật hát bội từ những năm đầu thế kỷ 20. Tôi đã tốn nhiều công sức để làm nên bộ ảnh này nhưng cũng thật sự bõ công khi đã mang tới cho công chúng những hình dung rõ hơn về một môn nghệ thuật đang mai một.
Bộ ảnh sau khi đăng trên Elle Việt Nam đã được Elle của Pháp mua lại bản quyền. Không chỉ là ảnh thời trang, bộ ảnh còn có yếu tố văn hóa, truyền thống. Tôi hạnh phúc vì sản phẩm của mình gây cảm xúc, cảm hứng cho nhiều người.
Ngoài ra, bộ ảnh "Người máy" cũng là kỷ niệm khó quên. Cuộc gặp mặt tình cờ của tôi và người mẫu nam từ Singapore, đó là người chuyên mặc đồ nữ trình diễn thời trang. Bộ ảnh tiên phong khi sử dụng mẫu nam mặc đồ nữ mà không gây sự phản cảm. Vẻ đẹp hiếm có của người mẫu này đã tạo thiện cảm cho người xem, không hằn học hoặc đặt ranh giới. Nam người mẫu thể hiện bộ ảnh trong trang phục và trang điểm như nữ giới một cách mềm mại.
- Công việc sáng tạo luôn tiềm ẩn "bất trắc" vì ý tưởng và thực tế là một khoảng cách khó đo đếm. Anh có khi nào bất cẩn hoặc thất bại?
Có một lần đầu tiên và cũng là duy nhất bộ hình bị thất bại, nguyên nhân từ chính tôi khi chọn sai ê-kíp thực hiện. Đó là một ê-kíp tốt nhưng không phải là phù hợp với bộ ảnh. Mỗi người có phong cách làm việc, phong cách sống riêng, nhiều khi mình ghép họ lại với một công việc trái gu thành ra hỏng việc.
Đối với tôi, việc truyền đạt ý tưởng lại cho những cộng sự là rất quan trọng. Tôi gửi bản sketch và các bản vẽ liên quan cho người mẫu để họ cảm nhận trước, trao đổi ý tưởng và đưa ra một vài định hướng chính. Đây là điều quan trọng trước khi bấm máy.
Tôi cảm thấy may mắn và rất vui là khi tôi thực hiện một bộ ảnh thì có những người chờ đón nó và rất nhiều người sẵn sàng tham gia cộng tác. Những cộng sự của tôi: Tang Tang, Milor, Bobby Nguyễn, Mokey Minh, make up artist Tùng Châu và nhiều người mẫu... họ rất chuyên nghiệp và say mê với nghề.
- Cảm ơn những chia sẻ thú vị của anh!
Bản sketch và ảnh thành phẩm của bộ ảnh lấy cảm hứng từ nghệ thuật Hát Bội truyền thống được giới thời trang trong và ngoài nước đánh giá cao.
Bức ảnh do người mẫu nam làm nhân vật chính mới ra mắt gần đây.
Triển lãm ảnh thời trang đầu tiên của Việt Nam là điểm đến của những người yêu cái đẹp.
Với Dzung Yoko, thời trang là nghệ thuật, người làm thời trang là người phục vụ nghệ thuật!
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet