Nhẹ tay giùm, đây là Prague!
Đó là sáng thứ 12 của tôi trong hành trình châu Âu, và là sáng đầu tiên của tôi ở Prague. Từ châu Âu, và là sáng đầu tiên của tôi ở Prague. Từ cầu Charles, tôi ngắm nhìn thành phố đẹp một sắc màu mong manh đến ái ngại. Những người quen ăn to nói lớn chắc cũng phải hạ giọng. Những người vô tâm dường như cũng băn khoăn đôi chút. Thành phố rưng rưng một nỗi niềm không tên.
Tôi nghe ở đâu một chuyện đùa thế này: Khi Thế chiến thứ 2 nổ ra, khi quân phát xít ào vào Tiệp Khắc, những người Tiệp buông vũ khí, đầu hàng, chỉ xin quân địch đừng phá hủy thành phố. Đó là lý do vì sao trong khi Warsaw, Vienna và các thành phố châu Âu khác bị tàn phá nặng nề do chiến tranh, còn Prague vẫn giữ được gần như nguyên vẹn. Câu chuyện ấy có thể chỉ là truyền thuyết, cũng có thể làm nhiều người Séc nhăn mặt. Không, Prague không hèn nhát. Nhưng thành phố quá đẹp để những người yêu Prague không nỡ lòng đánh đổi, làm tổn thương thành phố vì bất kỳ điều gì.
Thành phố ấy sao mong manh thế! Tự nhiên tôi tưởng tượng, khu phố cổ Prague như là chiếc váy để đời của một nhà thiết kế. Nhà thiết kế ấy đặt những mảng hoa văn gothic lên những tầng tháp cao 80m của nhà thờ Týn, vài mảng họa tiết baroque trên nhà thờ St. Nicolas, một chút đường cắt lazer trên chiếc đồng hồ thiên văn. Tất cả họa tiết đó có thể quá nhiều cho một chiếc váy nhưng người nghệ sỹ đã cố gắng sắp xếp, thêm bớt khéo đến nỗi chiếc váy đặt độ hoàn hảo. Nếu ai đó lỡ tay xê dịch chiếc váy, các chi tiết ấy sẽ bị xê dịch theo và một kiến tác cũng vì thế mà tan biến.
Rồi thành phố cùng mong manh vì những chuyển động của thời gian. Chiếc đồng hồ thiên văn Prague Orloj cổ nhất thế giới còn hoạt động đến ngày nay, đưa từng nhịp chậm rãi như cách nó làm từ năm 1410. Những bước chuyển chậm chạp qua những họa tiết chạm trổ tinh xảo làm cho người chiêm ngưỡng đi từ ngạc nhiên đến khâm phục. Tôi nghe giới thiệu rằng đây là một trong ba chiếc đồng hồ thiên văn cổ nhất và cũng là chiếc duy nhất còn hoạt động. Tự nhiên tôi thầm ước, vũ trụ và những hành tinh xin hãy xoay vần thật chậm để những nhịp đồng hồ được thư thả chuyển động trên những vòng số mỏng manh như thể sẽ rơi hỏng khi bị một bàn tay vô hình chạm nhẹ.
Nhìn từ cầu Charles dài 621m, hoàng hôn bao phủ thành phố bằng những sắc nắng nhạt màu phản chiếu trên dòng nước lấp lánh, cả Prague mong manh một vẻ lãng mạn như bức tranh bị giam cầm trong khối pha lê bohemian. Tưởng như, thành phố có thể vỡ ngay trong lòng khối pha lê vững chãi đó.
Prague rưng rưng những nỗi niềm
Hãy mắng tôi, một con người duy mỹ. Tôi nâng niu một thực thể chả vì lý do gì ngoài việc nó đẹp, tôi cảm thông với một con người nhiều khi người ấy cũng chả mấy đáng thương. Hình như tôi đang mù quáng như thế với Prague.
Không hiểu sao tôi cứ luôn nghĩ Prague đang buồn?
Có thể do những người Do Thái buồn đã sống ở đây từ thế kỷ thứ 10. Sau những trận thảm sát pogrom (cuộc thảm sát, phá hủy nhằm vào người Do Thái), mà kinh kinh hãi nhất là cuộc thảm sát năm 1389 sát hại 1.500 người vào đúng ngày Phục sinh, những người Do Thái kinh hãi co mình trong những ghetto tường cao, hào sâu. Chỉ đến khi một người Do Thái là Mordecai Maisel trở thành Bộ trưởng bộ Tài chính nước này thì ghetto này mới được thịnh vượng.
Có thể do Franz Kafka buồn. Chàng thành niên Do Thái ấy học luật và làm việc cho một hãng bảo hiểm nhưng cứ khát khao trở thành một nhà văn. Chỉ viết được trong những lúc rảnh Rỗi. Đôi khi là vài truyện ngắn, hàng trăm lá thư cho người tình, những cô bạn gái thân hay gia đình. Những bức thư ấy là nỗi lòng của Franz, là cuộc đối thoại đầy bất đồng của Franz với cha, với đạo Do Thái, với cả thời cuộc. Cả cuộc đời, Franz Kafka day dứt rằng mình không dám theo đuổi nghiệp viết, không cống hiến thời gian cho tiếng gọi đam mê trong mình. Cho đến khi chết, Franz Kafka vẫn không biết rằng, ông và những tác phẩm bán thời gian của mình đã tạo ảnh hưởng lớn thế nào tới văn học thế giới. Nỗi buồn của Franz Kafka khắc sâu trong từng viên gạch Prague, trên bức tượng chiếc áo măng tô khổng lồ không đầu cảu Jaroslav Róna ở khu phố cổ Prague đến ngoi nhà nơi ông sinh ra trong khu ghetto Do Thái.
Có thể do John Lennon buồn và những người thanh niên Tiệp Khắc những năm 80 buồn. Họ trút những nỗi buồn ấy trên bức tường bằng hình ảnh của John và những câu hát The Beatles. Họ tưởng nhớ những người bạn học đã hy sinh vì khát khao tự do bằng những câu hát The Beatles da diết, khắc khoải. Họ gọi họ và khát khao tự do của mình là “Chủ nghĩa Lennon”. Ngày qua ngày, nỗi lòng của họ được khắc vào tim Prague trên bức tường sau này được mang tên là “Bức tường Lennon”.
Người con trai đến từ Prague
Tôi không ngờ mình trở lại thành phố đẹp mong manh này nhiều lần đến thế. Tôi cũng không ngờ mình lại phải lòng một chàng trai đến từ Prague. Không sinh ra ở Prague nhưng anh gắn bó những ngày tháng lập nghiệp khó nhọc và đầy đam mê ở đây. Vi rút trên chiếc xe đạp giữa những con phố nhỏ của Prague, điều mà anh gọi là thú vui duy nhất ngày ấy hay đêm nằm nghe tiếng tàu điện chạy qua phố, quen đến nỗi được ngủ lặng yên, anh sẽ không ngủ nổi. Anh bảo với tôi rằng anh thấy mình đơn độc ở Prague, dù nói tiếng mẹ đẻ và trò chuyện với những người cùng quốc tịch. Anh chạy trốn Prague như chạy trốn một cô gái đẹp có quá nhiều nỗi buồn u uất.
Nhưng hình như anh cũng đồng ý với tôi, quên một thứ mình đã yêu say đắm khó khăn hơn vạn lần thuyết phục mình yêu. Anh dẫn tôi về Séc trong những ngày lễ tết và không lần nào là chúng tôi không đi bộ ở Prague. Trong anh, trong tôi, trong tất cả chúng ta đều có một phần đẹp mong manh như thế giới có Prague. Dù cố giấu, trốn chạy nhưng chúng ta không thể bỏ được phần dễ vỡ đó.
Trên cầu Charles, tôi níu tay anh thì thầm: “Xin đừng làm đau em ở Prague!”.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet