Làm việc tại một công ty chuyên về biên tập website, T. V (26 tuổi) thường xuyên làm việc trên máy tính và xem nhiều trang web. Cường độ đeo tai nghe (headphone) nghe nhạc, xem video clip ngày một nhiều hơn. “Để khỏi ảnh hưởng đến đồng nghiệp và tự điều chỉnh âm lượng mình muốn thì tốt nhất là đeo tai nghe vào”, T. V cho biết. Một ngày làm việc 8 tiếng trên máy thì đến 5 tiếng T. V sử dụng tai nghe để phục vụ sở thích và không làm phiền đến những người xung quanh.
Lạm dụng tai nghe... sẽ gây họa
Không chỉ sử dụng thường xuyên, nhiều người còn thích nghe nhạc với mức âm lượng “vỡ tai”, theo như T. N (22 tuổi), SV trường Đại học Kinh tế TP. HCM thì “Nghe như vậy mới đã. Những lúc buồn chán tôi lại thích ngồi cà phê một mình và đeo headphone nghe nhạc rock với âm lượng hết cỡ để giải tỏa”.
Với việc truyền âm thanh trực tiếp vào tai mà không ảnh hưởng đến những người xung quanh, headphone tiện lợi trong nghe nhạc, xem phim và cả trong việc học ngoại ngữ. Không chỉ vậy, với cách thiết kế nhiều loại tai nghe khác nhau, ngày càng có nhiều loại tiện lợi cả khi di chuyển. Vì thế, không hiếm những người có sở thích vừa đi xe máy vừa… đeo headphone nghe nhạc. Cũng có không ít trường hợp đeo tai nghe trở thành thói quen mỗi lúc tiếp xúc với máy tính, đến cả trong lúc ngủ thì headphone vẫn “cắm” vào tai.
Thói quen dùng tai nghe mọi lúc mọi nơi, nhất là với những người làm việc nhiều trên máy tính vô tình gây hại rất lớn cho thính giác. Tai rất nhạy cảm với các loại tiếng ồn nên nếu sử dụng nhiều và nghe với âm lượng lớn sẽ làm tai mắc bệnh và nhiều trường hợp không chỉ dừng lại ở mức ù tai, nặng tai.
Cần thông minh trong việc chọn, sử dụng tai nghe
Theo các bác sĩ chuyên khoa Thính học, sử dụng tai nghe nhiều và âm lượng lớn, là “kẻ hủy diệt thầm lặng” đối với thính giác.
Sự hủy diệt này không gây ra ngay hậu quả mà tác động từ từ bằng các triệu chứng ù, nặng tai, đau tai. Sau đó, các triệu chứng sẽ tăng dần đến mức giảm độ nhạy âm của tai, nặng nhất là điếc. Các cấp độ ảnh hưởng này sẽ bắt đầu sau 2 năm đến 6 năm hoặc lâu hơn tùy theo cách sử dụng tai nghe của mỗi người.
Đối với những người cần sử dụng tai nghe như một cách làm việc hay thư giãn mà không phiền đến những người xung quanh, thì chỉ nên sử dụng không quá 1 tiếng đồng hồ trong ngày. Nếu những trường hợp không nhất thiết phải đeo tai nghe thì rất cần hạn chế . Tốt nhất là nghe bằng loa ngoài. Tuy nhiên, phải ghi nhớ là không nghe với âm lượng quá lớn cả khi nghe bằng loa ngoài. Mức lý tưởng để chỉnh âm lượng tốt cho tai là 60 đến 70 deciBel.
Việc chọn tai nghe phù hợp cũng là yếu tố tác động đến năng lực hoạt động của tai. Sử dụng tai nghe với đầu nhỏ có thể đút thẳng vào tai rất nguy hiểm vì có thể sẽ nhanh gây đau tai hơn. Chưa kể, loại tai nghe này có rất nhiều vi khuẩn bám vào, dễ "tấn công" tai và làm tổn thương thính giác hơn so với loại trùm đầu, áp bên ngoài tai... Tuy nhiên, nhìn chung, dù dùng loại tai nghe nào, chúng ta vẫn phải dùng có chừng mực và phải điều chỉnh mức âm lượng vừa phải.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet