1. Chợ nổi Muara Kuin (Indonesia) – Khám phá ngôi Chợ nổi truyền thống đảo Borneo
Muara Kuin là ngôi chợ nổi truyền thống thuộc thành phố Banjarmasin, phía Nam đảo Borneo (Indonesia) - hòn đảo lớn thứ 3 thế giới. Thuyền bè nơi đây thường tập trung thành cụm. Vì vậy, thời điểm chợ đông đúc là lúc bạn cảm nhận rõ rệt cảm giác xô đẩy dập dềnh của những con thuyền khi những con sóng lớn đi qua. Những nguời buôn bán tại ngôi chợ này thường chở các loại hàng hóa: rau củ, hoa quả, cá và hàng gia dụng trên chiếc thuyền nhỏ được gọi là jukung, cứ thế chạy dọc theo các nhánh sông chào mời du khách và kể cả những cư dân tại các bản làng dọc hai bên bờ sông. Gắn bó chặt chẽ với đời sống của cộng đồng chợ nổi là các làng ven sông với kiến trúc truyền thống, cùng nhiều loại hàng hóa đặc sắc.
Đến Muara Kuin, ngoài những sắc màu rộn rã trên sông, bạn cũng có thể xuôi dòng, tấp vào ghé thăm những khu di tích văn hóa, hay thăm thú các hòn đảo: nhà thờ Hồi giáo Sultan Suriansyah, lăng Chủ tịch Sultan Suriansyah, đảo Kembang... Mặt trời lặn là lúc những thương hồ bắt đầu rời khỏi chợ, tạm hài lòng với khoản thu kha khá kiếm đuợc trong ngày, ngôi chợ nổi cũng dần rút lui và đây cũng là thời điểm kết thúc chuyến du ngoạn của bạn.
2. Chợ nổi Tonle’ Sap, (Campuchia) – làng nổi của người Việt
Xuôi về phía Nam cố đô Siêm Riệp chừng 30 phút là làng Nổi Tonle’ Sap, nơi mang đến cho du khách cơ hội khám phá cuộc sống của cộng đồng cư dân đa dạng, thưởng thức những sản vật tươi ngon từ thiên nhiên, hay rong ruổi theo những chiếc “thuyền buýt” tách làng hướng ra phía lòng hồ để ngắm nhìn vẻ đẹp kỳ ảo của hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á - Biển Hồ.
Hấp lực từ vẻ đẹp và nguồn tài nguyên phong phú của “vùng đất mới” là lý lẽ cho việc quy tụ của đủ mọi sắc dân (đông nhất là người Việt) tại Tonle’ Sap. Đây cũng là địa chỉ cho những khám phá lý thú.
Du khách ghé đến càng đông, dịch vụ càng được cải tiến. Bên cạnh những bè cá, tôm, rong biển thu về nguồn lợi chính, những thuyền đầy ắp trái cây, khô mắm, nhu yếu phẩm và cả những địa điểm tham quan: chùa, cửa hàng mỹ nghệ, nhà hàng trên sông… dần “mọc” lên. Trong suốt một năm, mực nước trong hồ chỉ chạm mức 1m. Vào mùa nước nổi từ tháng 8-11, nước sông Mêkông đổ vào làm lượng nước hồ dâng lên và mở rộng. Việc di trú vì thế mà thay đổi. Và cũng chính từ lối sống làng xã, nổi trôi đặc biệt này đã bồi đắp thêm niềm háo hức khám phá của du khách.
3. Chợ nổi Damnoen Saduak – Shopping thỏa thích tại Chợ nổi Thái Lan
Bắt đầu hoạt động vào năm 1967, Damnoen Saduak được xem là ngôi chợ sầm uất, vui nhộn và cuốn hút nhất tại Thái Lan. Hoạt động tại điểm giao nhau của hệ thống kênh đào chằng chịt, Damnoen Saduak với những con thuyền độc mộc xuôi ngược, san sát của mình dễ khiến người ta quên mất mình đang “đi” trên sông.
Đến Damnoen Saduak, bạn dễ dàng bắt gặp những sản vật truyền thống nhiệt đới: nông sản, hoa trái, đồ lưu niệm, cùng các món ăn bản địa được rao bán trên các con thuyền nổi. Sắc màu rực rỡ cộng hưởng từ nông sản, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ và cả sắc màu văn hoá mà những vị khách phương xa mang tới chính là điều mà bạn dễ dàng nhận thấy khi đến đây. Sự can thiệp của ngành du lịch Thái Lan khá đậm nét. Chợ được quy hoạch quy củ, phần lớn những cuộc trao đổi chủ yếu là mua bán nhỏ lẻ và phục vụ du khách là chủ yếu, vì vậy chợ cũng chỉ bắt đầu khi trời sáng. Đến đất Thái, bạn cũng có thể ghé thăm nhiều ngôi chợ nổi khác: Taling Chan (Bangkok), Bang Phli (Samut Prakan), Amphawa (Samut Songkhram)…
4. Siêu thị nổi (Ấn độ) – siêu thị nổi đầu tiên trên thế giới
Làng nổi, chợ nổi dường như đã trở thành hình thức sinh hoạt đặc trưng của một bộ phận cư dân tại nhiều quốc gia nhưng cả một siêu thị trên sông thì có lẽ chỉ Ấn Độ mới có. Hình thành trên nền những ngôi chợ nổi thuộc quận Alapuzzha, Kerala (Ấn Độ), siêu thị nổi Triveni thực sự trở thành niềm tự hào của cư dân nơi đây. Bởi, không chỉ phục vụ nhu cầu của cư dân sông nước và khách du lịch, Triveni còn đáp ứng cả nhu cầu của những “cư dân trên cạn”. Tại siêu thị nổi này, bạn có thể dễ dàng tìm mua hơn 2000 mặt hàng thiết yếu tại những chỗ cố định. Một điểm đặc biệt nữa là với trên 50 điểm neo đậu, siêu thị nổi sẽ di chuyển và phục vụ mỗi cộng đồng dân cư ít nhất một lần mỗi tháng, kể cả những vùng mà điều kiện đi lại khó khăn.
5. Chợ nổi Nativitas, Xochimilco (Mexico) – nơi “phải đến” Khi ghé Mexico
Có người từng nói “Nếu chưa đến Xochimilco, bạn chưa biết hết Mexico”. Và chợ nổi Nativitas, nơi giao thoa vẻ đẹp tự nhiên và văn hóa bản địa là một trong những điều kỳ diệu bạn nên khám phá. Đến đây, bạn hoàn toàn có thể tận hưởng cảm giác tuyệt vời khi được “lướt” nhẹ trên dòng kênh hiền hòa, nếm thử các món ăn truyền thống, lắng nghe điệu Mariachi rộn ràng, giao hảo cùng cư dân bản địa bằng vài cốc bia mát lạnh, tấp vào hai bên bờ dạo chơi ở các khu vườn trái cây hay thử đặt chân đến “Đảo búp bê” vùng đất nổi tiếng với những câu chuyện kỳ bí, huyền hoặc.
6. Chợ nổi Ngã Bảy (Việt Nam) – nét đẹp văn hóa sông nước miền Tây
Hệ thống kênh rạch chằng chịt chính là điều kiện giúp đồng bằng sông Cửu Long trở thành nơi quy tụ những ngôi chợ nổi nổi tiếng: chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ), chợ nổi Ngã Bảy (Hậu Giang), chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang)… và chính loại hình giao thương đặc biệt này cũng làm nên nét văn hóa đặc thù cho vùng sông nước nơi đây.
Hình thành từ năm 1915, chợ nổi Ngã Bảy (hay chợ nổi Phụng Hiệp) luôn là địa điểm thu hút khách du lịch và là nơi các hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân miền sông nước diễn ra sôi động nhất. Cũng như hầu hết các chợ nổi miền Tây Nam Bộ, chợ nổi Ngã Bảy họp cả ngày, nhưng nhộn nhịp nhất vẫn là buổi sáng và đương nhiên sử dụng phương thức tiếp thị độc đáo bằng “cây bẹo” để ra dấu - thuyền bán sản vật gì người ta sẽ treo lên cây sào hoặc trên mũi thuyền.
Du khách tới đây hẳn sẽ thích thú trước khung cảnh đầy màu sắc của trái cây, rau quả nhiệt đới, những món ăn đặc trưng phương Nam, hay bị mê hoặc bởi những câu hò, điệu lý, những giai điệu đàn ca tài tử ru lòng, giữa mông mênh trời đất.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet