Nhưng làm thế nào để thu hút khách quốc tế đến với Sơn Đoòng phụ thuộc vào chính cách làm của chúng ta.
Thay đổi tư duy làm du lịch
Hiếm có địa phương nào có nhiều lợi thế để phát triển du lịch như Quảng Bình. Ngoài lợi thế về phát triển hang động, du lịch Quảng Bình còn có biển, văn hóa lịch sử. 3 yếu tố này kết hợp tạo ra lợi thế quá lớn để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, đưa Quảng Bình thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn nhất châu Á về du lịch khám phá.
Tại hội nghị "Xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch Quảng Bình" do UBND tỉnh Quảng Bình phối hợp cùng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức mới đây, TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế chiến lược cho rằng, để biến tiềm năng thành hiện thực, Quảng Bình cần tập trung 3 vấn đề.
Biển Nhật Lệ nằm trong Top 10 thắng cảnh du lịch biển Việt Nam
Trước hết, phải thực sự xem du lịch là một ngành mũi nhọn, chứ không phải làm du lịch theo kiểu “tranh thủ”. Để làm được điều này, Quảng Bình cần thay đổi tư duy trong quy hoạch, đó là kêu gọi các nhà đầu tư tham gia khai thác, phát triển du lịch. Đây chính là lực lượng tạo ra các sản phẩm du lịch sáng tạo độc đáo.
Bên cạnh đó, mặc dù du lịch là ngành tạo ra giá trị gia tăng lớn nhất trong tất cả các ngành, nhưng ngành này cũng đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao, do đó đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là rất quan trọng đối với du lịch Việt Nam nói chung và Quảng Bình nói riêng.
Quan trọng là, muốn phát triển du lịch, phải tạo ra những điểm nhấn, hiện nay, nhiều doanh nghiệp đầu tư vào Quảng Bình chỉ tạo ra những sản phẩm cho phân khúc cao cấp không phục vụ cho số đông.
“Đừng quên rằng còn rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tạo ra những nét riêng biệt. Chúng ta cần những con sếu đầu đàn nhưng những con sếu đó phải kéo được cả đàn sếu. Phân khúc thị trường cho số đông không phải là những khách sạn hay resort 5 sao,” TS. Trần Du Lịch khuyến nghị.
Hơn nữa, TS. Trần Du Lịch cũng cho rằng, Quảng Bình nên phát triển vùng du lịch, qua đó tạo liên kết vùng để giữ chân du khách. “Du lịch là sự kết nối giữa các thị trường nên tư duy của chính quyền là chưa đủ, cần phải làm sao để người dân ý thức được rằng du lịch mang lại sinh kế lâu dài cho họ thì mới thành công”, TS Trần Du Lịch cho hay.
Còn theo ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV, với vị thế là vương quốc hang động và là điểm đến số một của châu Á về du lịch thiên nhiên, đã đến lúc du lịch Quảng Bình cất cánh. Tuy nhiên, cần phải giải được bài toán làm du lịch như thế nào trong bối cảnh hội nhập toàn cầu và mục tiêu, định hướng cụ thể của du lịch Quảng Bình trong 5 năm tới.
“Quảng Bình cần xây dựng thương hiệu toàn cầu mà tâm điểm là hệ thống hang động. Đứng về bình diện quốc gia, cần có một cuộc tái cơ cấu toàn diện về du lịch của Việt Nam mà chúng ta đã tụt hậu so với các nước trong khu vực,” ông Trần Bắc Hà nói.
Với hệ thống hang động nổi tiếng thế giới, tiềm năng du lịch tâm linh với Chùa Hoằng Phúc, ngôi chùa cổ xưa nhất của miền Trung được hình thành từ 750 năm trước, khu lăng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lăng mộ Nguyễn Hữu Cảnh, hang Tám Cô... sẽ là những đòn bẫy để du lịch Quảng Bình cất cánh.
Được biết hiện nay, BIDV đã kết nối với các nhà đầu tư thuộc 34 dự án cam kết đầu tư trong mọi lĩnh vực như hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt, hàng không, các khu nghỉ dưỡng, các tour du lịch kết nối Quảng Bình với các tỉnh miền Trung và hành lang kinh tế Đông Tây với Lào, Thái Lan và Myanmar.
Nếu như trước đây chỉ có một hãng hàng không là Việt Nam Airlines khai thác tuyến bay đến Quảng Bình thì hiện nay đã có thêm hai hãng cùng khai thác là Vietjet Air và Jet Star. Ngoài ra, tới đây, dự án xây dựng nhà ga ga đường sắt Đồng Hới mới với công năng đón 1,5 triệu lượt khách/năm.
Tuy nhiên, hiện Quảng Bình mới chỉ có 270 cơ sở lưu trú với một khách sạn 5 sao và năm khách sạn 4 sao, sự thiếu hụt trầm trọng các cơ sở lưu trú từ 3 sao trở lên và nguồn nhân lực chất lượng cao đã hạn chế việc phát huy tiềm năng du lịch của tỉnh. Trong khi đó, theo dự kiến của UBND tỉnh, đến năm 2020 Quảng Bình sẽ đón khoảng 5,5 triệu lượt khách du lịch/năm, nhưng theo tính toán của ông Trần Bắc Hà, với các dự án đang và sẽ triển khai như cam kết của các nhà đầu tư, lượng khách du lịch đến Quảng Bình vào năm 2020 hoàn toàn có thể đạt con số 6,5 – 7 triệu, thời gian lưu trú cũng sẽ tăng lên từ 3-5 ngày. Để đáp ứng được nhu cầu này, Quảng Bình cần nâng số lượng phòng lưu trú lên 8.500 đến 9.000 phòng vào năm 2020, tăng 2,4 lần so với mức hiện tại.
Hệ thống hang động phong phú tạo thành lợi thế lớn để ngành du lịch Quảng Bình cất cánh
Thời điểm vàng cho Quảng Bình
Ông Lê Văn Phúc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Bình cho biết, tỉnh đã xác định đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong những năm tới. Đối với công nghiệp, tỉnh không kêu gọi đầu tư thêm các dự án xi măng, khai thác đá mà chỉ kêu gọi các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp nhẹ, dệt may, công nghiệp phụ trợ.
Với 35 dự án được đăng ký đầu tư tại hội nghị lần này, trong đó trọng tâm là các dự án phát triển hạ tầng du lịch, bà Đặng Thị Bích Vân, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch khẳng định đây chính là thời điểm vàng để Quảng Bình xúc tiến đầu tư, châm ngòi cho các dự án lớn.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ca ngợi Quảng Bình như một ví dụ điển hình về địa phương không có xuất khẩu nhưng đã quyết tâm tìm hướng đi riêng để thoát khỏi đói nghèo. Đó là kết quả của quá trình cải cách thủ tục hành chính công, đưa Quảng Bình trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về cải cách thủ tục hành chính.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, để phát triển du lịch Quảng Bình, cần phải có quy hoạch phát triển bền vững, tránh chồng chéo. Đặc biệt, nếu khai thác du lịch các hang động mà không tính đến yếu tố bền vững, khiến cho các hang động phải chịu sự tác động của con người sẽ không còn giữ được vẻ đẹp như nó vốn có.
“Với lợi thế của mình, Quảng Bình cần phải có chiến lược cụ thể, phải trả lời được câu hỏi Quảng Bình sẽ phát triển như thế nào khi Việt Nam hội nhập sâu, rộng với thế giới. Thái độ của địa phương đối với các nhà đầu tư là rất quan trọng, tỉnh cần phải chú trọng tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các nhà đầu tư,” phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Theo ông Hoàng Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty Lữ hành Vietlines, Trưởng ban Đầu tư và phát triển sản phẩm du lịch (Hiệp hội Du lịch Việt Nam), với lợi thế thiên nhiên ban tặng là hệ thống các hang động được ví như “hoàng cung trong lòng đất”, động Phong Nha, hang Sơn Đoòng, động Thiên Đường, hang Én... thuộc quần thể vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, du lịch Quảng Bình sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước. Nhưng để đánh thức tiềm năng thực sự, Quảng Bình vẫn còn nhiều việc phải làm.
“Có nhiều sản phẩm du lịch Quảng Bình đã và đang khai thác, nhưng lựa chọn sản phẩm nào độc đáo để quảng bá cho du lịch là điều cần phải cân nhắc. Du lịch khám phá hang động là hướng đi đúng đắn của Quảng Bình. Tuy nhiên, đã làm du lịch cần phải có sản phẩm phụ trợ như trung tâm thương mại, khu ẩm thực...,” ông Hoàng Xuân Thành khuyến nghị.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet