Những phiên bản này đều nhằm tới những người mới bắt đầu làm quen với DSLR với mức giá khá hợp lý, trên dưới 600 USD. Cả Canon 1000D, Nikon D3000 và Sony Alpha A230 đều được thử với ống kit đi kèm. Sony dùng ống 18-55mm DT, Canon là 18-55mm IS và Nikon thì 18-55mm VR.
Từ ngoài vào, Canon 1000D, Nikon D3000 và Sony Alpha A230. Ảnh: Ephotozine. |
Dù đều hướng tới thị trường bình dân nhưng cả ba hãng đều cố gắng đưa ra những lợi thế tính năng khác biệt để thu hút người dùng. Canon có chức năng LiveView, Sony ứng dụng menu hướng dẫn tiện dụng còn Nikon lại đưa ra các tính năng xử lý hình ảnh phụ trợ độc đáo.
Cả ba hệ thống này đều được trang bị công nghệ chống rung quang học. Ở Sony, hệ thống chống rung có tên Steadyshot nằm ở việc di chuyển cảm biến vốn là bước tiếp nối công nghệ từ thương hiệu KonicaMinolta. Còn ở Nikon (Vibration Reduction) và Canon (Image Stabilisation), hệ thống chống rung lại dựa trên ống kính vốn đã thành truyền thống của họ. Khó có thể nói cái nào ưu việt hơn, bởi chống rung thân máy thì bất kỳ ống nào khi cắm vào thân, hình ảnh vẫn được ổn định. Trong khi chống rung ống kính thì phải tùy thuộc vào việc ống nào được cắm trên thân. Tuy nhiên, đối với Nikon và Canon, vấn đề này không có gì to tát bởi họ đều đã ứng dụng công nghệ chống rung cho rất nhiều ống kính của mình, kể cả ống kit rẻ tiền.
Canon EOS 1000D. |
Nikon D3000. |
Sony Alpha A230. |
Cả ba máy đều có thiết kế khá chắc chắn khi cầm trên tay. Tuy nhiên, tay cầm của Canon do bằng nhựa nên không thoải mái lắm, trong khi của Nikon, đúng như danh tiếng, cầm thoải mái hơn hẳn.
Sony A320 không mang ảnh hưởng của KonicaMinolta. Sony đã trang bị thêm cho sản phẩm này một số tính năng, như hiển thị các hình ảnh minh họa việc chức năng nào làm gì trên màn hình nhằm giúp cho việc chụp ảnh được dễ dàng, ngay kể cả với những người mới làm quen. Canon thực ra cũng có chức năng này nhưng chỉ xuống đến phiên bản 500D chứ chưa tới 1000D. Nikon cũng có tính năng tương tự nhưng không dễ dùng bằng Sony.
Để so sánh, cả ba máy đều được chuyển về chế độ tương tự nhau. Bức ảnh đều được chụp với ống kit ở chế độ RAW hoặc JPG và ở cùng điều kiện ánh sáng.
Ảnh chụp bằng Canon EOS 1000D (click vào xem hình lớn). | Ảnh chụp bằng Nikon D3000 (click vào xem hình lớn). | Ảnh chụp bằng Sony Alpha A230 (click vào xem hình lớn). |
Theo thử nghiệm của Ephotozine, với cùng một đối tượng chính trong khung hình, Nikon cho chất lượng sáng nhất, trong khi của Sony tối nhất. Tuy nhiên, cũng khó có thể nói Canon ở giữa là tốt nhất bởi còn tùy thuộc vào việc người xem nhìn cảnh vật theo con mắt thế nào.
Canon xử lý khá tốt đối tượng có ánh sáng nền, vẫn duy trì được chi tiết nhất định ở các vùng bóng tối trong khi chi tiết ở vùng sáng vẫn không bị cháy. Nikon xử lý không tốt bằng khi duy trì được chi tiết ở vùng tối thì vùng sáng lại bị mất. Còn Sony gặp kiểu môi trường như vậy phải chuyển về chế độ D-Range hay thêm chút đèn mới xử lý được sự cân bằng ở hai vùng sáng đối lập này.
Về tính năng hỗ trợ dải tương phản động như D-Range của Sony, Canon đưa ra tính năng Light Optimising, còn ở Nikon, D-Lighting với khả năng tương tự. Tất cả các chế độ này đều hoạt động tốt, cân bằng dải tương phản hợp lý, tuy nhiên, lợi thế vẫn nghiêng về Sony.
Cả ba máy đều có 3 chế độ đo sáng tùy chọn khi chụp ảnh, nhưng chỉ mình Canon là không áp dụng chế độ đo sáng điểm. Thay vào đó là các chế độ Evaluative, Partial và vùng trung tâm. Ở Evaluative, hình ảnh sẽ được chia làm nhiều phần khác nhau và máy sẽ tính toán dựa trên thông số sáng từ các phần riêng rẽ. Chế độ đo sáng Partial (theo phần) cũng tương tự như đo sáng điểm, nhưng vùng lựa chọn đo sáng rộng hơn.
Ở Nikon, chế độ đo sáng tự động Evaluative được gọi với cái tên Matrix, nhưng cũng có cùng tính năng. Hai chế độ còn lại là đo sáng trung tâm và đo sáng điểm. Sony cũng giống Nikon ở hai chế độ trên, nhưng đo sáng tự động được gọi là Multi-metering.
Canon EOS 1000D. |
Nikon D3000. |
Sony Alpha A230. |
Ống kính đi kèm của 3 máy đều là chấu nhựa và có cùng độ mở f/3.5-5.6. Để cạnh tranh, Sony đã làm ống kit cho A230 nhẹ hơn, tích hợp tính năng lấy nét siêu êm Smooth Autofocus Mode (SAM) và chuyển motor lấy nét sang ống kính để đạt tốc độ nhanh hơn.
Ở tiêu cự 18 mm, hình ảnh của Canon có vẻ nét nhất ở độ mở tối đa với nhiều chi tiết hơn khi so với các máy còn lại. Ở độ mở hẹp, ống kính cho độ nét nhất trong khoảng tiêu cự 35-55mm, còn ở 18mm lại trông mờ hơn. Ống kit của Nikon ở tiêu cự và độ mở lớn cho hình ảnh mờ hơn, nhưng khi bắt đầu đến 35mm trở lên thì chất lượng sắc nét hơn hẳn. Chất lượng ống kit của Sony cũng tương tự, mờ ở góc rộng 18mm, nét dần và đạt đỉnh ở khoảng 35mm trở lên và lại bắt đầu mờ đi ở 55mm.
Cả ba ống kính đều xử lý méo hình tốt nhưng ở những vùng có độ tương phản cao vẫn bị hiện tượng quang sai màu.
Theo Ephotozine, tốc độ lấy nét trên cả 3 máy khá tốt và nhanh, nhưng với ống kính của Sony vẫn hơi chậm và ồn hơn. Ống của Canon có điểm lấy nét ít nhất, chỉ có 7 điểm, trong khi của Sony la 9 và Nikon là 11. Bù lại, điều chỉnh điếm lấy nét trên Canon dễ dàng hơn qua nút bấm trong khi Sony và Nikon đặt trong menu.
Trên Nikon, các chế độ lấy nét tự động gồm lấy nét điểm, vùng động (dynamic), tự động và 3D tracking (lấy nét bám dính ngay cả khi đối tượng chuyển động). Sony thì đặt các tên ít mỹ miều hơn nhưng tính năng thì hoàn toàn tương tự, như Wide focus (vùng rộng), Spot (điểm), Local (vùng) và Predictive (dự đoán). Được một điều là Sony bổ sung thêm cho phiên bản A230 một tính năng lấy nét khá thú vị - Eye start AF. Theo đó, với hai cảm biến được đặt ngay dưới khung nhìn, ngay khi mắt người chụp nhìn qua khung nhìn, cảm biến sẽ kích hoạt chế độ lấy nét đã được đặt sẵn tức thời để sẵn sàng hoạt động.
Bảng test màu (click vào xem hình lớn) | ||
Canon EOS 1000D. | Nikon D3000. | Sony Alpha A230. |
Màu sắc và độ nét trên cả ba máy này đều thể hiện khá tốt. Về màu sắc và chi tiết, Sony khá tương đồng với Canon với tông màu tươi sáng, các cảnh thiên nhiên với màu lục và lam chủ đạo được kích khá nhiều, các tông xám khá cân bằng. Màu trên Nikon thì hơi thiên tím. Các tông ấm như vàng hay đỏ hơi lệch do màu vàng thì quá ấm còn màu đỏ đậm có xu hướng chuyển sang ánh tím. Nhưng về độ chi tiết thì Nikon lại thể hiện tốt nhất so với 2 máy ảnh còn lại.
Về độ nhạy sáng, Canon và Nikon chung dải ISO tương đồng từ 100-1.600 nhưng Nikon còn có thêm chế độ mở rộng tăng ISO lên đến 3.200 dù không ấn tượng lắm khi so với chế độ ISO 3.200 thực của Sony.
Canon xử lý nhiễu khá tốt và chỉ gặp vấn đề ở những vùng tối khi ISO đẩy lên tới 800. Tuy nhiên, xét về nhiễu, Sony lại trội nhất với chất lượng chỉ xuống cấp khi ISO lên 1600, vẫn hơn Nikon dù bị đuổi sát nút.
Canon tích hợp rất nhiều chức năng flash vào trong menu của 1000D, trong đó có không ít các chức năng tiên tiến như bù sáng flash hay chớp đèn ở đầu hay cuối lần trập. Nikon cũng có những chức năng tương tự nhưng được đặt trong Menu Function thay vì ngoài Menu chính như Canon. Với guide number 19 tại ISO 100, công suất flash của Nikon khỏe nhất so với GN 13 của Canon và 10 của Sony.
Tất cả các mẫu DSLR này đều sử dụng pin Lithium với thời lượng khá dài, chụp khoảng 200 kiểu kể cả chỉnh menu trên màn hình và xem lại, các máy vẫn còn phân nửa vạch pin. Canon có vẻ hao hơn do có thêm chức năng LiveView, còn Sony lại có tiện ích InfoLithium hiển thị thời lượng còn lại theo số phần trăm tiện dụng.
Theo Ephotozine, mặc dù còn tùy thuộc vào từng con mắt nhìn nhưng nói chung mầu sắc trên Nikon vẫn có vẻ xuất sắc nhất, trong khi của Canon thì độ nét lại vượt trội hơn.
Theo Ephotozine, màu sắc của Nikon xuất sắc nhất, trong khi Canon có độ nét vượt trội. |
Kèm ống kính, các máy ảnh DSLR bình dân của Nikon và Canon được bán với giá chừng 666 USD, đắt hơn 100 USD so với Sony. Tuy nhiên, Ephotozine cho rằng, mức độ đắt rẻ còn được đánh giá tùy thuộc vào tỷ lệ giá tiền/tính năng mà máy ảnh đó mang lại. Dù gì, đây cũng là những lựa chọn sáng giá cho những người mới bước chân vào lãnh địa DSLR mà không bị quá bỡ ngỡ và tốn quá nhiều thời gian học hỏi.
Nguyễn Hà
Ảnh: Ephotozine
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet