11h56' (giờ địa phương) ngày 25/4 tại Nepal, những cơn rung lắc dữ dội xuất hiện và biến đất nước Nam Á này thành bình địa chỉ trong vài phút ngắn ngủi. Quảng trường Kathmandu Durbar - niềm tự hào của Nepal từ thế kỷ 12 - chỉ còn là một bãi đất tan hoang, điêu tàn. Gần 10.000 người có thể đã chết, thậm chí con số vẫn còn có thể tăng lên bởi vẫn còn nhiều vùng núi xa xôi mà đội quân cứu hộ chưa thể tiếp cận.
Trước cái thời điểm 11h56' đấy, Nepal vẫn là một thiên đường cho những con chiên du lịch về hành hương. Một miền đất huyền bí, xinh đẹp với những công trình hàng trăm năm vẫn còn vẹn nguyên tầm vóc. Nhưng sau 11h56', tất cả những niềm hồ hởi và phấn khích về một đất nước cổ kính đã vỡ vụn như cái cách mà Kathmandu Durbar đổ sụp xuống trong cơn địa chấn. Bi thương đè nặng trong không khí và sân bay chật ních những du khách đang tìm đường thoát thân khỏi đất nước đổ nát này. Trong cơn ác mộng kinh hoàng nhất của một khách du lịch, không ai có thể nghĩ rằng mình sẽ phải trải qua những giờ phút kinh hoàng đến vậy và phải tháo chạy trong cơn hoảng loạn đến thế. Và cũng trong cơn ác mộng kinh hoàng nhất, người ta cũng không thể tưởng tượng được rằng: văn minh, lịch sử, sinh mạng con người,.. tất cả mọi thứ đã đảo ngược lại chỉ sau hơn vài phút lục địa chuyển mình.
Nhóm bạn trẻ Việt bị mắc kẹt ở Nepal.
Trong số hàng nghìn du khách có mặt ở Nepal lúc này, có một vài nhóm bạn trẻ Việt. Có nhóm đã về đến khu an toàn và thậm chí có người đã ở lại làm tình nguyện viên giúp đỡ người dân Nepal. Có nhóm đã về Việt Nam. Có nhóm vẫn đang trên con đường tự cứu lấy mình, cố gắng thoát khỏi vùng núi hiểm trở. Động đất bất ngờ đã khiến kế hoạch của họ thay đổi, và chuyến đi lẽ ra hạnh phúc lại trở thành chuỗi ngày ngắn ngủi ám ảnh họ mãi mãi. Dù lựa chọn của họ như thế nào, cuối cùng, họ cũng vẫn sẽ về với vòng tay của những người yêu thương mình như một minh chứng cho sự kỳ diệu của sức sống con người. Và dù họ có lựa chọn thế nào, họ cũng đã có những trải nghiệm sống còn sẽ khiến thay đổi nhân sinh quan của họ mãi mãi.
1. Từ bỏ tiện nghi để đối mặt với những điều không thể chắc chắnCác đảo nhỏ ở Cù Lao Chàm (và rất nhiều những vùng biển, đảo nổi tiếng khác) có một dịch vụ, đó là cho thuê lều ngủ qua đêm bên bãi biển. Chỉ với khoảng hai trăm nghìn, bạn có thể thuê một chiếc lều nhỏ đủ chỗ ngủ cho 3 người. Tất nhiên là qua những bức ảnh tô hồng sự thật mà ta vẫn thấy trên Pinterest, cắm trại hiện lên nên thơ và sôi nổi vô cùng. Ra ngoài đời rồi mới biết, cắm trại không chỉ là mở cửa lều ngắm bình minh và đốt lửa trại. Cắm trại bên bờ biển có nghĩa là nằm xuống thì cát nóng toả lên áp vào lưng, cát lẫn trong gió bám dính vào người, cát bện hơi nóng toả nhiệt hầm hập trong lều. Cơ thể lúc nào cũng sẽ dấp dính vì mồ hôi, vì gió biển nặng muối, hay ran rát vì cát xước trên da. Ở nhiều đảo, điện cắt từ 7-8h tối và bạn phải mò mẫm trong bóng tối để đi vệ sinh và tắm ở phòng tắm công cộng. Muỗi rất nhiều, các loại bọ lẩn quất ở cả những bụi cây và trong lều bạn ngủ.
Vậy có điều gì khiến người ta vẫn sẽ náu mình trong những túp lều bên bờ biển chờ bình minh lên? Điều gì khiến người ta sẵn sàng từ bỏ chiếc giường êm ái và cái bồn tắm thơm phức mùi xà phòng đắt tiền, chỉ để lăn lộn trong cái lều nhỏ xíu chỉ đủ chỗ khi 3 người nằm nép vào nhau thật khéo?
Đó là phần thưởng mà họ nhận được. Phần thưởng vô hình mà nếu bạn bắt họ miêu tả ra, họ sẽ chẳng thế miêu tả được cho bạn thấy nó cụ thể ra sao. Họ được nằm chơi với giữa ranh giới của biển sao lấp lánh bao la trên trời và biển nước vĩ đại rì rào phía dưới. Họ được ngắm nhìn vẻ kỳ vĩ, ngoạn mục của thiên nhiên miền biển. Họ có những giây phút quý giá mà họ không cần phải nói nhưng vẫn hiểu thấu trái tim của nhau, được lắng nghe bài ca của sóng biển và thật sự hoà mình vào dòng chảy vĩ đại của đại dương và đất trời. Đó thật sự là một trải nghiệm mà mỗi khi bạn nhắm mắt nhớ lại, bạn có thể cảm thấy nó hoàn toàn xứng đáng với những thiếu thốn khó chịu ấy.
Hình ảnh về sự tàn phá kinh hoàng và chóng vánh của trận động đất, được ghi lại bởi cặp đôi đã mắc kẹt ở Nepal trong hơn 5 ngày.
Tất nhiên là, không thể đặt câu chuyện này bên cạnh những gì mà các bạn trẻ Việt Nam ở Nepal đã trải qua. Không thể so sánh sự bất tiện của túp lều đầy cát dính lên người với khoảnh khắc kinh hoàng mà hai bạn trẻ đứng giữa cầu treo và chứng kiến đất trời xung quanh dần vỡ vụn. Cũng không thể đặt chuyện phải mò mẫm trong phòng tắm công cộng vì điện bị cắt, bên cạnh những thiếu thốn trong điều kiện sống của chàng trai đã chọn ở lại Nepal tình nguyện. Không thể so sánh sự khó chịu khi gãi ngứa vì muỗi đốt với những cơn đau khi ai đó bị thương, bị đói và sợ hãi trong cơn hỗn loạn ở một đất nước xa lạ.
Nhưng điều rút ra ở đây chỉ đơn giản là, có những chuyện sẽ xảy ra mà bạn không thể chắc chắn được rằng 100% nó sẽ an toàn, nhưng bạn vẫn sẽ phải lựa chọn đi tiếp để được trải nghiệm. Nếu chỉ vì muốn được tắm sạch và ngủ ngon, bạn sẽ không bao giờ được nhìn thấy khoảnh khắc cả vũ trụ toả sáng trên mặt biển đêm. Bạn không thể chỉ vì sợ tai nạn giao thông mà không đặt chân ra ngoài đường. Không thể chỉ vì sợ chết đuối mà không dám xuống nước. Và càng không thể vì sợ cơn giận dữ bất chợt của thiên nhiên mà bạn chỉ ngồi trong phòng ngắm ảnh thế giới qua màn hình máy tính. “Thế giới không nằm trong những trang sách hay bản đồ. Nó ở ngoài kia”. Để trưởng thành, bạn phải bước qua lằn ranh để dấn thân về phía trước, chấp nhận rủi ro và đối mặt với nó không hối tiếc.
2. Dấn thân để trưởng thànhCách đây hơn 23 năm, xác của chàng trai Chris McCandless được tìm thấy trong một chiếc túi ngủ bên trong xe bus bỏ hoang ở Alaska. Lúc đó, Chris đã qua đời khoảng 2 tuần và cân nặng chỉ còn 30kg. Chàng trai trẻ đã từ bỏ cuộc sống tiện nghi và xã hội hiện đại, dấn thân vào cuộc hành trình của cuộc đời khi trong túi không có tiền, không có tiện nghi mà chỉ có một ý chí mãnh liệt về cuộc sống thiên nhiên đầy bản năng và hoang dại. Người ta chẩn đoán Chris đã chết vì đói, khi anh bị mắc kẹt ở chiếc xe bus trong suốt 3 tháng bởi con đường đã bị dòng sông gần đó chắn ngang. Điều bi kịch là, Chris hoàn toàn không có la bàn hay bản đồ để biết rằng, cách nơi anh kẹt lại không xa có một đường xe điện vượt sông có thể giúp anh tự cứu sống chính mình.
Chris sau đó đã trở thành một biểu tượng. Người ta tôn sùng ý chí của anh, ngưỡng mộ lý tưởng sống của một gã lang thang sẵn sàng bỏ lại tất cả chỉ để được sống và sống cho chính mình. Nhưng Chris cũng là một hiện tượng đầy tranh cãi. Người ta cho rằng anh là kẻ kiêu ngạo, một gã mơ mộng viển vông khi sẵn sàng lăn xả vào thiên nhiên đầy ác hiểm chỉ để thoả mãn cái tôi của chính mình.
Chris McCandless trong chiếc ô tô bus bỏ hoang, nơi anh đã sống trong suốt 3 tháng và cũng là nơi anh qua đời.
Chris đúng hay sai, cho đến bây giờ mỗi khi nhắc lại người ta vẫn bàn luận. Thế nhưng đã có hàng triệu thanh niên kế thừa tinh thần của Chris, cũng như Chris đã kế thừa trái tim và ý chí của Che, của Kerouac. Họ dấn thân vào một cuộc đời hoang dã và bản năng, bước chân ra ngoài thế giới để nhìn ngắm vẻ đẹp của tạo hoá và loài người. Đó là những cảm xúc, là những niềm hạnh phúc không thể kết tinh thành sự vật để ta có thể đo lường sự quý giá. Nhưng nếu đem những thước đo tiện nghi để so sánh với những cảm xúc đấy sẽ lại là một sự kệch cỡm. Bởi nếu ta chưa trải qua, ta sẽ không thể hiểu tại sao việc cắm trại cả đêm bên bờ biển để ngắm bầu trời đầy sao, lại quan trọng hơn việc được ngâm mình trong bồn nước nóng ở nhà.
Thế giới bao la còn tạo hoá thì vĩ đại, và niềm hạnh phúc khi đương đầu với những hiểm nguy để trải nghiệm kỳ quan của cuộc sống là một niềm hạnh phúc khó hiểu. Một niềm hạnh phúc không thể lý giải và vô cùng khó để nắm bắt. Nhưng đó là một niềm hạnh phúc cần thiết, một bản năng mà không một ai có thể chối bỏ. Bởi sau khi ta nếm đủ những cay đắng, những khắc khổ và cả mùi tanh của máu, ta sẽ lớn lên và trí óc thì căng đầy những kiến thức, những vẻ đẹp mà ta được thấy tận mắt. Nếu Jack Kerouac không cồn cào, hưng phấn lái xe lao vun vút trên những con đường nước Mỹ, liệu rằng On the road có ra đời và trở thành la bàn của cả một thế hệ người Mỹ trẻ? Nếu Che không bỏ học trường Y và vác xe máy rong ruổi Nam Mỹ, liệu ông có nhìn thấy tận mắt cảnh khốn khổ tột cùng của đồng loại, để rồi trở thành một trong những nhà cách mạng vĩ đại nhất của giai cấp vô sản? Và chẳng phải đó chính là ý nghĩa của cuộc sống đó sao? Lớn lên và trưởng thành từ chính những trải nghiệm.
Sau cuộc hành trình kinh hoàng ở Nepal đó, những người trẻ ấy sẽ lột xác, sẽ cựa mình bước ra từ tổ kén với một diện mạo mới. Họ sẽ thay đổi, họ sẽ lớn lên, họ có những câu chuyện của riêng mình và trở thành những con người mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Điều đó có thực sự quan trọng đến vậy, việc lớn lên và mạnh mẽ hơn sau mỗi chuyến đi? Đã có những người hỏi như thế và tôi xin cam đoan rằng: Có! Thực sự có quan trọng và rất quan trọng. Bởi không một vật chất nào có thể so sánh được với những trải nghiệm làm thay đổi cuộc đời ấy. Và bởi dù hoàn cảnh có ngặt nghèo, nhưng bạn cũng sẽ là một kẻ hạnh phúc bởi đã được nhìn ngắm, được nếm trải vẻ đẹp vĩ đại của thiên nhiên và cuộc sống.
Khi tìm kiếm trong chiếc xe bus mà Chris McCandless đã sống, người ta tìm thấy một trang sách mà anh đã xé ra từ một cuốn hồi ký. Ở mặt bên kia trang giấy, có một trong những dòng chữ cuối cùng của Chris. Anh viết: “Tôi đã có một cuộc đời hạnh phúc và tạ ơn chúa. Tạm biệt và chúa phù hộ tất cả mọi người”.
Susanoo
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet