Anh Trần Nhữ Giáp bên một chú công trong “Vườn chim Việt”.
“Vườn thượng uyển” giữa Hà thành
Cách trung tâm Hà Nội không xa, hỏi người dân tại xã Đông Mỹ (huyện Thanh Trì, Hà Nội) hầu như ai ở đây cũng biết đến địa điểm có tên khá kêu là “Vườn chim Việt”. Và quả thật, địa điểm này thực sự tạo ấn tượng mạnh cho bất kỳ ai đến đây lần đầu bởi một không gian khoáng đạt với chiếc hồ nhỏ, bao bọc xung quanh bởi những tán cây xanh mướt, những chiếc cầu gỗ lắt lẻo đưa chân du khách đến các lồng chim lớn.
Ở đây, có thể ngắm những chú chim quý hiếm trên khắp mọi miền thế giới. Đó là những chú hồng hoàng, trĩ xanh Nhật Bản... Đặc biệt, khá nhiều du khách ngạc nhiên bởi ở đây từng đàn sâm cầm, le le bơi lội tung tăng. Giống chim Lạc vốn từng được coi là linh vật của nước Việt cổ, được khắc trong những chiếc trống đồng cổ từ ngày xưa… cũng có thể thấy ở đây.
Thay đổi cách nuôi chim
Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo thuộc tỉnh Hà Nam, từ nhỏ Giáp đã có niềm đam mê với những loài “có cánh, biết bay”. Niềm đam mê ấy theo anh kể cả khi anh đã rời khỏi mái trường đại học, trở thành Chủ tịch hội đồng quản trị của một doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực tư vấn, đầu tư xây dựng. Có dịp đi nước ngoài, anh ngạc nhiên bởi người phương Tây cũng thích chơi chim nhưng lại không chơi theo lồng như ở Việt Nam. Họ nuôi chim trong những chiếc lồng lớn với nhiều cá thể chim khác nhau.
Trở về Việt Nam, anh cũng thuê người hàn những chiếc lồng lớn để nuôi chim. Đương nhiên, lồng lớn phải nuôi chim lớn, anh thử nghiệm đầu tiên với giống chim trĩ rồi say mê với những lồng chim này lúc nào không hay. Thấy chúng có thể sinh sản được một cách tự nhiên, anh tiếp tục mua thêm nhiều loài chim quý để nuôi trong vườn nhà và bắt đầu nảy ra ý tưởng nhân giống những loài chim này để vừa có thể bán được giống vừa thỏa mãn thú chơi. Đó cũng là lúc mà công ty của anh gặp nhiều khó khăn. Thấy anh suốt ngày lúi húi bên những lồng chim, bố mẹ rồi vợ khuyên can anh đều bỏ ngoài tai.
25 tuổi, Giáp cầm đơn đi khắp nơi để thành lập một cơ sở chăn nuôi chim với diện tích hàng héc ta khiến cho các cơ quan chức năng khá bối rối vì chưa hề có tiền lệ. Nhưng rồi ước nguyện của anh cũng được thỏa mãn khi cơ sở gây nuôi, sinh sản các loại chim quý hiếm của anh ra đời ngay tại quê hương Hà Nam.
Từ đó, làm ở công ty được bao nhiêu tiền, Giáp lại đầu tư vào vườn chim. Những chú chim đủ loại từ khắp nơi trên thế giới… bắt đầu có mặt tại Việt Nam theo nhiều “kênh” khác nhau. Phần lớn trong đó, Giáp phải mua, có con đến cả nghìn đô. Cũng có những tổ chức bảo tồn, những người bạn trân quý niềm đam mê của anh mà tặng anh những giống chim cực quý.
Nhân rộng các vườn chim
“Chơi nhưng phải biết cân bằng, nếu mà bỏ hết tiền ra để chơi thì chắc chỉ 2-3 ngày là vợ con bỏ đi hết”, anh Giáp nói. Vì thế, anh tìm cách đẩy mạnh việc nhân giống các loài chim đang có mặt ở đây. Ban đầu là trĩ, đến giờ trong vườn của anh đã có hàng chục loài anh có thể nhân giống với tỷ lệ thành công đến khoảng 80%. Các giống quý như gà Đông Tảo, gà chín cựa, sâm cầm Hồ Tây, vịt uyên ương Nga… đều đã có những thế hệ F2, F3…
Anh Giáp tự mày mò làm máy ấp nở trứng cho các loài chim ở đây. Những lần “thí điểm” ban đầu không phải lúc nào cũng đem lại kết quả như mong muốn. Chỉ vào đôi chim hồng hoàng phía bên phải hồ nước, anh Trần Nhữ Giáp cho biết, anh phải mất 5 năm trời mới giúp hai chú chim non thuộc giống chim hiếm có trên thế giới này ra đời, nhưng bù lại, mỗi khi ngắm nhìn chúng là anh lại cảm thấy tự hào.
Anh Giáp cho biết, hiện nay có cả những cơ sở bảo tồn gen có tiếng ở trong và ngoài nước, các đơn vị đang có những vườn thú lớn cũng đã nhờ anh tư vấn cách chăm sóc hiệu quả, tránh rủi ro và “đặt hàng” những giống chim quý. Anh Giáp đang tiếp tục đầu tư thêm 2 vườn chim nữa trên địa bàn Hà Nội, trong đó có một vườn chim lớn với diện tích khoảng 30 ha quy tụ nhiều loại chim đặc hữu, quý và có nguy cơ tuyệt chủng với tham vọng trở thành một công viên chim quý hiếm bậc nhất Việt Nam.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet