Động cơ của Honda Winner được nhập khẩu nguyên cục từ Indonesia. Dù thích hay ghét, cũng không thể phủ nhận đây là một khối động cơ rất tốt, được Honda đầu tư kỹ lưỡng, bài bản. Chủ xe có thể yên tâm cày cuốc nhiều chục ngàn cây số mới phải nghĩ đến chuyện bảo dưỡng, đại tu cục máy.
Chi tiết quy trình lên nồi xe Honda Winner
Một trong những hạng mục phải đại tu đầu tiên của cục máy có lẽ phải kể đến bộ nồi, hay còn gọi là bộ côn – ambraya – bộ ly hợp. Khi chiếc xe bị lỳ, đuối máy, tăng tốc chậm, máy nhanh nóng, sang số sượng... đó chính là những dấu hiệu cho thấy bộ nồi đã có vấn đề.
Nồi côn là bộ phận trung gian, có nhiệm vụ truyền moment xoắn từ trục khuỷu đến trục chủ động của hộp số. Nồi côn có một tính năng cơ bản là đóng – cắt chuyển động, vì vậy người ta mới gọi nó là bộ ly hợp. Nếu biết sử dụng đúng cách, tuổi thọ của bộ nồi có thể đạt tới trên 50.000km. Còn trong trường hợp các bạn mới tập chơi xe côn tay, hay rà côn, hoặc ép côn quá tải khi leo đèo dốc, lội đường ngập nước thì bộ côn sẽ bị tàn phá rất nhanh.
Các chi tiết bên trong block nồi xe Honda Winner
Tương tự nhiều hãng xe khác, cấu tạo cơ bản của bộ ly hợp trên xe Honda Winner bao gồm vỏ nồi (dân gian hay gọi là chuồng heo), 2 mặt đế nồi, các lá bố, các lá sắt, các lò xo ép và thớt ép bạc đạn. Khi anh em đem xe đi làm nồi, người thợ sẽ kiểm tra tất cả các chi tiết trên và tiến hành thay thế các chi tiết hao mòn.
Làm nồi một chiếc xe thì có nhiều mức độ. Sau đây mình sẽ lần lượt trình bày từ thấp đến cao để anh em dễ hình dung.
MỨC ĐỘ 1: CHỈ THAY LÁ BỐ
Được chế tạo bằng loại vật liệu “yếu” nhất khi so sánh với các lá sắt và đế nhôm, nên các lá bố luôn là bộ phận bị hao mòn nhiều nhất trong một bộ ly hợp. Lá bố mòn hoặc chai sẽ mất khả năng truyền chuyển động, bộ nồi bị trượt khiến xe lỳ máy, ma sát sinh nhiệt làm xe nhanh nóng. Ngoài ra, lá bố bị bào mòn còn làm nhớt bị biến tính, dẫn đến nhiều bệnh tật khác cho xe.
Lá bố mòn thì chỉ có một lựa chọn là thay mới. Ngoài lá bố zin chính hãng, hiện nay trên thị trường còn có rất nhiều loại lá bố đến từ các hãng thứ ba với chất lượng rất ok. Tầm giá 200.000đ – 300.000đ có thể kể đến lá bố của Kozi của Malaysia, hay CYT của Đài Loan – được quảng cáo là trong thành phần chế tạo có sợi Kevlar – loại vật liệu dùng để dệt áo chống đạn. Tầm giá 500.000đ thì có lá bố TDR của Indonesia với công nghệ ceramic siêu bền, chịu được khoảng nhiệt độ cực cao, không sợ cháy bố vì rà côn như bố zin.
MỨC ĐỘ 2: THAY LÁ BỐ VÀ LÁ SẮT
Ngoài việc phải thay lá bố như vừa nói ở trên.
Lá sắt ít khi bị mòn đến mức mất khả năng truyền động, nhưng sẽ thường bị lún. Trên lá sắt xuất hiện những vệt mòn gợn sóng, bề mặt bị mấp mô, mất độ bằng phẳng. Lá sắt bị lỗi này sẽ dẫn đến xe vận hành mất ổn định. Đề pa hay bị giật cục, âm côn thả trôi thì sẽ xuất hiện tiếng lọc cọc ở nhông xích.
Khi phải thay thế lá sắt, thì RCK – một thương hiệu đến từ Thái Lan là một lựa chọn đáng giá. Lá sắt với thiết kế chấm bi, vừa tăng độ bám, vừa tăng khả năng nuôi nhớt cho bộ nồi. Thay đồng thời cả lá bố và lá sắt sẽ giúp chiếc xe trở lại tình trạng vận hành trơn mượt như khi vừa xuất xưởng.
MỨC ĐỘ 3: THAY LÁ BỐ, LÁ SẮT VÀ LÒ XO
Trong bộ nồi, các lá bố và lá sắt là các thành phần trực tiếp truyền chuyển động qua nhau thông qua lực ma sát, như đã biết thì LỰC MA SÁT = HỆ SỐ MA SÁT x ÁP LỰC. Thành phần tạo ra áp lực trong bộ nồi chính là các lò xo ép.
Nói về sự lựa chọn thì lò xo độ cho nồi côn cũng rất đa dạng. Tầm giá hơn 100.000đ có lò xo Kozi hoặc TR, thường kết hợp với lá bố Kozi và CYT. Tầm giá 300.000đ có lò xo Tie King của Malaysia, thường kết hợp với lá bố TDR cũng như các loại bố cao cấp khác.
Tới thời điểm hiện tại, đây có lẽ đã là tuyệt đỉnh kungfu của bài độ nồi. Nồi zin của Honda Winner có 4 lò xo ép, thay thế bộ nồi zin này bằng nồi 5 lò xo sẽ giúp phân tán đều lực ép lên các lá bố và lá sắt, cho hiệu quả truyền động đến mức hoàn hảo. Lực máy càng mạnh, bộ nồi càng phải chắc thì mới có thể truyền được hết lực máy đó qua hộp số và ra tới bánh sau. Cảm giác bấm là bay, sang số dở đầu chính là mong muốn của tất cả biker khi quyết định đầu tư một bộ nồi 5 lò xo.
Bài viết này mình tập trung nói nhiều về Honda Winner, Sonic thì cục máy giống 99% với Winner nên bộ nồi có thể coi là y như nhau. Còn các loại xe côn tay khác như Exciter 135, Exciter 150, Fz150i, Raider, Raider Fi... thì bộ nồi cũng cùng 1 nguyên lý, chỉ khác vài chi tiết nhỏ nên các bài độ cũng sẽ thực hiện tương tự.
Cảm ơn anh em đã dành thời gian đọc bài. Chúc anh em luôn an toàn và vui vẻ với chiếc xe của mình.
(c)thanhdo
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet