- Thị trường hiện tràn ngập trang phục in họa tiết trái tim giống như các thiết kế trong sưu tập "Love" sắp công diễn của anh. Anh làm gì để đối phó với tình trạng này?
- Việc copy các thiết kế của tôi đã diễn ra từ năm 2013 với bộ sưu tập Những cánh bướm cuối thu. Qua từng mùa, tình trạng này vẫn tiếp tục, cả âm thầm lẫn công khai. Thật sự, tôi giờ không còn để tâm lắm. Thói quen ra tiệm đặt may đồ theo catalogue đã ăn sâu vào tâm trí của nhiều thế hệ, từ thế hệ ông bà, cha mẹ cho đến chúng ta. Muốn sửa thói quen đó không phải là chuyện ngày một, ngày hai. Không chỉ copy mẫu, nhiều nơi còn copy hình ảnh tôi chụp và "hồn nhiên" rao bán trên trang cá nhân với giá bằng một phần mười, hoàn toàn không quan tâm đến công sức sáng tạo của người khác.
Trước đây, tôi thường giữ bí mật về bộ sưu tập đến gần ngày công diễn. Tuy nhiên, hai mùa gần đây, tôi đã thay đổi phương pháp quảng bá đến khách hàng. Tôi mời một số khách VIP xem trước bộ sưu tập và may đồ cho họ đến dự show của mình. Với tôi, việc bị lộ thiết kế hay không đã không còn là điều quan trọng nữa. Công nghệ copy hiện tại ngày càng nhanh và tinh xảo, nếu mình cứ đợi sau show mới bán thì chắc chắn người bị thiệt thòi là mình và những khách hàng của mình. Bởi vậy tôi thường nói thời trang không phải là cuộc chơi, nó là một ván cờ hẳn hoi.
- Vì sao anh chọn họa tiết trái tim làm chủ đạo cho bộ sưu tập lần này?
- Tôi được trời cho sự nhạy cảm với các xu hướng mới. Chẳng hạn, với bộ sưu tập Thu Đông 2013, ban đầu tôi đã chọn một loại họa tiết khác, nhưng loại bỏ nó đi vào phút chót để thay bằng cánh bướm. Lần này cũng vậy, tôi cảm nhận về tình yêu thương của con người với nhau giữa thời buổi có quá nhiều điều đau lòng, cả trong thế giới thật và trên thế giới ảo. Tôi nghĩ về trái tim, về tình yêu phi giới tính, và họa tiết chủ đạo đã được ra đời trong giây phút ấy. Dù bộ sưu tập chưa ra mắt, khách hàng đã dành rất nhiều lời khen tặng. Tôi hy vọng họa tiết này sẽ được yêu thích và tạo thành cơn sốt không kém so với họa tiết bướm.
- Mỗi lần tổ chức show, anh luôn cố gắng tạo nên điểm đặc biệt về sân khấu, tên gọi hay địa điểm... Show diễn lần này có gì?
- Điều đặc biệt là chúng tôi đem toàn bộ êkíp, trong đó có cả giới truyền thông và khách hàng thân thiết, ra Hà Nội. Số tiền đầu tư vì vậy cũng tăng cao hơn những mùa trước rất nhiều. Lượng ghế ngồi đã lên đến 1.000 chỗ. Nhưng tôi có thói quen là đã làm thì phải làm đến cùng chứ không được nửa vời. Hà Nội không có nhiều show thời trang lớn nên khán giả ngoài ấy đang rất háo hức trông chờ. Sau Sài Gòn, Hà Nội là mảnh đất tôi muốn chinh phục bởi nơi đây có rất nhiều khách hàng am hiểu thời trang và mạnh về tài chính.
Những thiết kế vừa được hé lộ trong bộ sưu tập của Đỗ Mạnh Cường. |
- Anh tự nhận định thế nào về vị trí của mình trong làng thời trang Việt hiện nay?
- Tôi tự tin rằng ở Việt Nam, tôi là một trong những nhà thiết kế có doanh thu bán hàng cao. Khách hàng của tôi phải mua từ 500 triệu trở lên mới được cấp thẻ VIP. Chỉ trong đợt ra mắt bộ sưu tập mới ở Mỹ hồi tháng 6, doanh thu bán cho khách đi xem show ở bên đó đã là hai tỷ. Còn với bộ sưu tập chưa ra mắt, có những mẫu váy thêu tay hoạ tiết trái tim được định giá gần 40 triệu, nhưng vẫn không sản xuất kịp để bán.
Tôi thấy khách hàng của mình đang ngày càng đặt lòng tin với các thiết kế trong nước, dù nói thật là mức giá của tôi ngày càng tăng. Đồ của tôi bây giờ đắt không thua gì đồ hiệu, nhưng người ta vẫn mua vì họ cảm nhận được chất lượng tốt cũng như hợp xu hướng. Quan trọng nhất, khi mặc đồ, mọi người nhận ra ngay đó là của đỗ mạnh cường chứ không nhầm lẫn với nhà thiết kế hay thương hiệu nào khác. Điều đó chứng tỏ trang phục của tôi luôn có giá trị và sự ổn định về mặt nhận dạng thương hiệu.
- Anh từng chia sẻ ý định ra mắt dòng thời trang giá rẻ. Kế hoạch này đến đâu rồi?
- Rất nhiều người hối thúc tôi ra mắt dòng thời trang có giá bình dân hơn. Nhưng phần vì không có thời gian, phần vì tôi cũng lười bán một chiếc đầm một, hai triệu. Dòng đồ Đỗ Mạnh Cường cho trẻ em cũng khá đắt hàng nhưng tôi cũng chưa muốn mở rộng thêm mẫu. Tôi sợ mình "bôi" ra quá nhiều lại làm ảnh hưởng đến dòng cao cấp và các khách hàng lớn sẽ quay lưng.
- Nhiều nhà thiết kế nước ngoài thời gian quan giới thiệu bộ sưu tập tại Việt Nam. Anh thấy điều này có ý nghĩa gì với thị trường?
- Cá nhân tôi thấy gu của khách hàng Việt và khách nước ngoài rất khác nhau. Tôi thường ra bộ sưu tập vào đúng mùa, trong khi các hãng lớn thường ra trước nửa năm hoặc có khi cả năm. Đơn giản là vì khách mình thích là mua liền chứ không thích đặt cọc tiền rồi chờ đến mấy tháng. Tôi học thời trang ở Pháp, nhưng nếu cái gì của quốc tế cũng đem áp dụng ở Việt Nam thì chết sớm. Cũng như người Việt Nam không ăn được nhiều món Tây, còn người Tây không ăn được sầu riêng vậy.
Việc các nhà thiết kế nước ngoài về Việt Nam diễn show là một điều tốt, vì ít nhất chúng ta đang hướng đến sự chuyên nghiệp theo quy chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, nếu hỏi rằng có thay đổi được gì cho thị trường hay có đưa được Việt Nam lên bản đồ thời trang thế giới không thì tôi trả lời là không. Thứ nhất, các bộ sưu tập mà họ diễn đều không phải là hàng mới và đã qua mùa từ lâu. Thứ hai, nếu diễn thời trang mà không bán được sản phẩm thì với tôi nó đơn thuần chỉ là diễn giao lưu văn hóa. New York Fashion Week nhiều lần gửi thư mời tôi diễn với một mức giá không quá cao so với khả năng nhưng tôi đều từ chối. Tôi không có nhu cầu diễn trong khi biết chắc đó không phải là thị trường của mình, khách hàng của mình.
Nhà thiết kế tiết lộ ngoài đời anh là một người rất dễ chịu và yêu trẻ con. |
- Những phát ngôn tự tin của anh đôi khi tạo cảm giác "ngông" với một số người. Anh trả lời sao?
- Tôi là người rõ ràng, thẳng thắn, ai đối xử với tôi thế nào thì tôi đối xử lại thế ấy. Bạn có thể hỏi những ngôi sao từng làm việc với tôi hoặc các khách hàng của tôi để biết là tôi là người như thế nào. Và tôi nghĩ cái quan trọng nhất là sản phẩm, vì chỉ có sản phẩm mới giữ chân khách hàng được. Người ta có thể ghét tôi, nhưng không thể phủ nhận những đóng góp của tôi cho thời trang nước nhà. Nếu không làm show riêng, làm sao mọi người có thói quen chờ đợi và mua các bộ sưu tập mới. Chúng ta có thể trông chờ gì từ những chương trình thời trang định kỳ nhạt nhẽo diễn ra hàng tháng cho có lệ?
- Sau các show thời trang riêng, anh sẽ sáng tạo thêm điều gì để khán giả không bị nhàm chán?
- Nói chính xác thì khách hàng chưa bao giờ nhàm chán với những gì tôi đang làm. Mỗi lần diễn show, công ty tôi luôn đau đầu vì quá nhiều người gọi điện xin vé. Nhưng đúng là tôi đang có ý định thay show riêng bằng một hình thức khác. Lượng khách hàng của tôi đã đi vào ổn định, dù có tổ chức show hay không thì họ vẫn mua đồ của tôi mỗi mùa mới. Vì vậy, bỏ ra hàng chục tỷ đồng hàng năm cho các show riêng, theo tôi là mất quá nhiều thời gian và công sức. Tôi nghĩ mình nên thu hẹp quy mô để tập trung phục vụ cho đối tượng khách hàng lớn.
Vân An thực hiện
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet