Nhà nào có trồng vài khóm đinh lăng sẽ không lạ gì với những món cá kho với lá đinh lăng, dù là cá lóc, cá diêu hồng hay cá trắm, loại nào cũng mang đến vị thơm ngon, đậm đà khó tả.
Trong số những cây cảnh mà người quê và người thành thị ưa trồng, đinh lăng là loại cây hữu dụng nhất. Dù hình dáng có vẻ không “dính dấp” gì đến nhân sâm, nhưng đinh lăng là cây cùng họ, với những công dụng tương tự như vị thuốc quý này. Ngoài ra, đinh lăng còn là nguyên liệu chế biến nhiều món ăn rất ngon. Chỉ nghe đến cái tên gỏi cá mà dân gian thường gọi thì dù người chưa từng nếm vị lá đinh lăng cũng sẽ liên tưởng ngay đến món gỏi cá hấp dẫn. Quả thật, lá đinh lăng non mà ăn kèm gỏi cá hay bánh xèo, bánh tráng phơi sương thì ngon tuyệt. Dùng như một loại rau, vị nhẫn nhẫn, chua chua, bùi bùi của lá hợp lạ lùng với vị đậm đà của cá, thịt. Cá kho vốn dĩ đã là “món thương món nhớ” trong tâm thức của nhiều người Việt, thêm hương đinh lăng vào càng khiến người thưởng thức lưu luyến khó quên.
Cá kho thêm hương đinh lăng vào càng khiến người thưởng thức lưu luyến khó quên.
Trồng cây đinh lăng thích nhất là có thể dùng cả 2 phần, lá để ăn, rễ dùng làm thuốc. Thường, những cây trồng từ 3 năm trở lên mới mang đến những bài thuốc hữu hiệu. Người ta sẽ đào lấy rễ, rửa sạch, thái nhỏ, sau đó phơi hay sấy khô, dùng sắc thuốc uống. Theo đông y, rễ đinh lăng chứa nhiều thành phần có tác dụng như nhân sâm, giúp bồi bổ cơ thể, chống mệt mỏi, tăng sức đề kháng. Đối với những bà mẹ mới sinh, dân gian có một bài thuốc chữa tắc sữa rất hay là lấy rễ đinh lăng và gừng tươi sắc thuốc uống, dùng vài lần sẽ thấy hiệu quả. Với trẻ mới sinh hay trằn troc vào ban đêm, vài lá đinh lăng phơi khô lót vào gối nằm của trẻ cũng sẽ giúp trẻ ngủ ngon. Tuy nhiên, cũng như tất cả các cây thuốc khác, đinh lăng nếu dùng nhiều sẽ gây cảm giác say thuốc và mệt mỏi, nôn mửa.
Canh đinh lăng nấu thịt hay hầm sườn non giúp bồi bổ cơ thể, giải độc thức ăn
Vừa bổ vừa ngon nên dân gian thường kết hợp đinh lăng với thực phẩm để làm món ăn – bài thuốc. Cháo đinh lăng nấu tim heo có tác dụng bổ huyết, trị đau thắt ngực, canh đinh lăng nấu thịt hay hầm sườn non giúp bồi bổ cơ thể, giải độc thức ăn… Nhiều người còn thích phơi khô rễ hay lá đinh lăng, tẩm thêm rượu, gừng rồi sao thơm, cho vào lọ kín để dùng như trà. Nhà có cây đinh lăng tựa như thêm một bài thuốc, lúc thanh nhàn thì cây cảnh trồng cho tao nhã, khi ốm đau cũng có tác dụng chữa bệnh. Hoặc hôm nào muốn đổi vị, vài lá đinh lăng cho món kho, món gỏi, món hầm sẽ giúp bữa cơm thêm ngon.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet