Nhắc đến Lạng Sơn, du khách không chỉ nhắc đến chuyện mua sắm mà còn nhớ ngay đến đặc sản rau ngồng cải. Thứ rau mới ăn có vị đăng đắng nhưng ăn vào rồi mới thấy vị giòn ngọt và man mát…
Là một trong những món ngon xứ Lạng sánh ngang với vịt quay mác mật, khâu nhục…Các món chế biến từ rau ngồng cải luôn được du khách ưa thích.
Thời điểm hiện nay, khi những tháng giáp Tết đang đến gần cũng là thời gian khiến du khách đổ về Lạng Sơn đông hơn thường lệ.
Vào dịp này, thứ rau ưa thời tiết lạnh như ngồng cải được các bà, các chị xứ Lạng bày bán nhiều hơn bao giờ hết. Du khách dễ dàng bị bắt mắt bởi những gánh rau ngồng cải xanh mát ở các chợ Đông Kinh, Tân Thanh, Kỳ Lừa…
Ngồng cải được các chị em xứ Lạng bán nhiều ở các chợ Đông Kinh, Tân Thanh…
Khi sơ chế, cọng ngồng cải cần được tước bỏ lớp xơ rồi ngắt ra vừa ăn
Ngồng cải xào thịt lợn giữ nguyên vị ngọt mát và hơi đắng
Ngồng cải hay còn được gọi cải ngồng có thân to non, mập mạp, có hoa màu vàng, mọc cao vổng lên. Hiện nay, giống ngồng cải đã được trồng ở nhiều nơi nhưng không đâu có cọng to, lá xanh và mỡ màng như ngồng cải xứ Lạng. Không chỉ nổi tiếng là rau sạch, ngồng cải còn chứa nhiều vitamin B1, B2…có lợi cho sức khỏe, là thực phẩm giúp đẹp da.
Ngồng cải có thể luộc, xào nấu tùy sở thích mỗi người; cũng có thể chế biến thành nhiều món vừa ngon, lạ vừa dễ ăn. Về cách sơ chế, ngồng cải phải tước lớp vỏ cọng để khỏi xơ.
Ngồng cải luộc chỉ cần rửa sạch cho vào nước sôi nhưng các chị em nội trợ nhớ cho thêm vài nhánh gừng. Rau chín chấm với mắm, nước sốt vị quay hay muối vừng đều ngon.
Rau có vị hơi đắng nhưng càng ăn càng thấy ngọt. Phổ biến hơn là ngồng cải xào thịt bò, thịt lợn cũng ngon không kém. Phi thơm hành tỏi cho thịt bò hoặc thịt lợn đảo qua cho tái. Sau đó xào lẫn ngồng cải với thịt đã tái cho đến khi ngồng cải chín, nêm gia vị vừa đủ là bắc ra được.
Cách xào ngồng cải không khó tương tự như các món xào rau khác nhưng để cọng ngồng cải xanh mướt, chín vừa phải không nhũn thì không phải ai cũng làm được.
Ngoài ra, ngồng cải còn là nguyên liệu để chế biến các món khác như nấu canh xương, canh sườn…Lúc này, khi nước dùng đã đủ vị ngọt chỉ cần cho ngồng cải đã cắt khúc vào đun chín mềm. Canh ngồng cải nấu xương có vị ngọt mát…
Còn chần chừ gì nữa, nếu bạn có dịp đến Lạng Sơn đừng quên mua đôi ba cân ngồng cải Lạng Sơn về ăn hẳn bạn sẽ mê ngay thứ rau đặc sản này!
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet