Những món quà ấn tượng
Nếu đến Nga, chắc chắn khách du lịch sẽ mang về một con búp bê Matreshka. Cảm giác lật mở một lớp vỏ để rồi thấy một con búp bê khác nhỏ hơn bên trong khiến người sở hữu có cảm giác tò mò thích thú. Đây là một món quà không thể bỏ qua của bất kỳ ai khi đến xứ sở Bạch Dương.
Còn tại ngôi làng nhỏ Zhostovo ở ngoại ô Moscow, sự nổi tiếng của những chiếc khay sơn mài màu đen bóng với các bông hoa đầy màu sắc đã vượt ra khỏi ngôi làng nhỏ. Những bông hoa vẽ trên khay sơn mài không bị nhầm lẫn với bất cứ sản phẩm nào khác. Không mua Matreshka thì những chiếc khay là một lựa chọn khác.
Hay như Singapore, một đất nước nhỏ bé và mới thành lập sau này nhưng cũng đã có một biểu tượng riêng cho mình. Đó là Sư tử biển Merlion. Khách du lịch tới đây thường chọn mua những móc khóa in hình Merlion làm quà lưu niệm vừa nhỏ gọn lại có giá phải chăng.
Còn Nhật lại nổi tiếng với chú mèo Maneki Neko. Chú mèo vẫy tay này tượng trưng cho sự may mắn nên hầu hết những cửa hàng, văn phòng ở Nhật đều có một chú mèo này. Và đây là món quà thường được du khách mua làm quà tặng với hy vọng sẽ mang lại may mắn.
Ngoài ra, một số vật phẩm khác cũng được du khách ưa chuộng như thanh kiếm Samurai tượng trưng cho sự tự tin, lòng kiêu hãnh của con người Nhật hay búp bê Daruma. Tuy mang dáng hình kỳ quái nhưng búp bê Daruma lại là biểu tượng mang đến sự thịnh vượng, may mắn và sức mạnh. Búp bê Daruma có màu đỏ, hình cầu, khi bán đặc biệt không được vẽ mắt. Chỉ khi người mua muốn thực hiện mong muốn nào đó, họ sẽ tự vẽ mắt cho chúng.
Mệnh danh là “đất nước củ sâm” nên không có gì là lạ khi khách du lịch đến Hàn Quốc luôn lựa chọn nhân sâm làm món quà lưu niệm quý giá. Bạn có thể mua nhân sâm tại chợ sâm lớn nhất thế giới Geumsan. Ngoài nhân sâm, một món quà lưu niệm khác của Hàn Quốc cũng khá thú vị: Con dấu. Bạn có thể mua con dấu có sẵn hoặc mất thêm 20 phút để đặt làm theo thiết kế của bạn.
Chỉ cần nhắc tới búp bê Matreshka là người ta có thể liên tưởng ngay đến nước Nga hay nhân sâm là biết ngay Hàn Quốc... Vậy khi đến Việt Nam, vốn được xây dựng là một đất nước du lịch, thì bạn sẽ mua gì về làm quà?
Việt Nam mất thị phần trong sản phẩm đồ lưu niệm
Trong một lần ghé thăm Hội An, chị Bùi Thị Ly, một du khách và hầu hết mọi người trong đoàn đều hy vọng đến đây sẽ mua những chiếc khăn quàng cổ bằng tơ lụa và những đồ lưu niệm thủ công nhỏ về làm quà tặng.
Tuy nhiên, sau nửa ngày đi dạo một vòng quanh phố cổ, chị Ly vẫn chưa thể chọn được món nào vì hầu hết chúng đều có xuất xứ từ Trung Quốc. “Nếu là sản phẩm của Trung Quốc thì không cần phải ra đến Hội An, ở đâu chúng tôi cũng có thể mua được”, chị Ly thất vọng chia sẻ. Không riêng gì chị Ly mà ngay cả khách nước ngoài khi đến Việt Nam cũng không có nhiều lựa chọn.
Năm 2014, lượng khách du lịch đến Việt Nam ước đạt 7.874.312 lượt, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2013. Nhu cầu mua sắm đồ lưu niệm cũng rất lớn.
Nói Việt Nam không có sản phẩm đặc trưng cũng không đúng. Một số sản phẩm nói lên con người đất nước Việt Nam như áo dài truyền thống, nón lá, đồ thủ công mỹ nghệ, thổ cẩm, tranh thêu… được bày bán rất nhiều và từng được du khách ưa chuộng. Tuy nhiên, thời gian gần đây những sản phẩm này không còn thu hút khách du lịch nữa.
Phần vì thiết kế còn nghèo nàn, phần khác những làng nghề như tranh Đông Hồ, gốm sứ Bát Tràng đã mai một theo thời gian. Chẳng hạn như làng tranh Đông Hồ nay chỉ còn 2 người theo đuổi nghề này. Thêm một lý do khác, nhiều sản phẩm được bày bán tại làng nghề lại có xuất xứ từ Trung Quốc.
Một con số từ ngành du lịch đưa ra đáng suy ngẫm đó là trong tổng chi phí cho chuyến du lịch đến Việt Nam, du khách chỉ chi khoảng 10 - 15% cho mua sắm. Trong khi đó, tại Thái Lan con số này là từ 50 - 55%.
Nhận thức được vấn đề này, gần đây một số tỉnh đang thực hiện nhiều chương trình để xây dựng lại các sản phẩm đặc trưng vùng miền cũng như tìm kiếm những sản phẩm vốn mang nét đặc trưng riêng của từng tỉnh.
Một năm TP.HCM đón hơn 3 triệu lượt khách quốc tế. Tuy nhiên, cho đến nay quà lưu niệm dành cho khách du lịch của Thành phố vẫn còn đơn điệu, thiếu những sản phẩm độc đáo và chưa đáp ứng được nhu cầu mua sắm của du khách. Bởi lẽ, du khách có thể dễ dàng mua được các sản phẩm lưu niệm mang đặc trưng vùng miền nơi họ đến như gáo dừa, đồ trang trí bằng dừa ở Bến Tre; gốm, đồ thủ công mỹ nghệ ở Đồng Nai, Bình Dương… “Ở TP.HCM, hầu hết du khách chỉ dừng lại xem và ít khi mua vì những sản phẩm này được bán rất nhiều ở các tỉnh miền Tây, chị Thu Trang, một hướng dẫn viên tại TP.HCM”, cho biết.
Theo ông Nguyễn Đức Chí, Phó phòng Lữ hành, Sở Du lịch TP.HCM, trên thực tế, tiểu thương ở các chợ và các chủ cửa hàng vẫn chưa nhận diện được nhu cầu mua sắm của khách du lịch cũng như chưa định hướng được họ cần phải bán cái gì mang đặc trưng của Thành phố. Chỉ cần sản phẩm lưu niệm nào đẹp và rẻ, tiểu thương sẵn sàng nhập về mà không quan tâm nguồn gốc, xuất xứ.
Bên cạnh đó, theo ông Trần việt Tiến, Giám đốc Công ty Mỹ thuật Gia Long, Thành phố vẫn chưa quan tâm đầu tư đúng mức cho quà lưu niệm cả về chất xám và tài chính. Người thợ thủ công còn yếu ở khâu thiết kế, do đó họ thường sao chép, làm theo những mẫu sản phẩm có sẵn trên thị trường. Đây cũng là “kẽ hở” để các sản phẩm lưu niệm nước ngoài tràn ngập thị trường.
Để có được một sản phẩm mang tính đại diện cho một địa phương phụ thuộc rất nhiều vào chiến lược phát triển quà lưu niệm của chính quyền địa phương đó. Hiện tại, TP.HCM cũng đang có những hoạt động nhằm phát triển quà lưu niệm cho khách du lịch.
Ông Lê Quang Thiện, Trưởng Ban quản lý chợ Bến Thành, cho biết Ban Quản lý Chợ đang định hướng cho các tiểu thương buôn bán hàng thủ công mỹ nghệ trong Chợ chỉ bán những mặt hàng đặc trưng riêng của Thành phố và chỉ có ở chợ Bến Thành mới bán những mặt hàng độc đáo này. Có như vậy, chợ Bến Thành mới luôn là điểm đến mua sắm quà lưu niệm đầy hấp dẫn đối với khách du lịch.
Ngoài ra, để khuyến khích việc thiết kế sản phẩm hàng lưu niệm, Sở Du lịch sẽ phối hợp với các doanh nghiệp du lịch mở các cuộc thi thiết kế hàng lưu niệm, tổ chức trưng bày và chọn ra những sản phẩm độc đáo đặc trưng cho Thành phố.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet