Antilock Braking Systems (ABS) là hệ thống chống bó cứng phanh - ảnh minh họa
Nếu học lái xe cách đây vài thập kỷ, khi hệ thống phanh của xe hoàn toàn là phanh cơ khí, chúng ta sẽ nhận được lời khuyên để an toàn khi sử dụng phanh cần áp dụng kỹ năng nhấn thả phanh liên tục. Nhờ thao tác này mà phanh sẽ không bị bó cứng, bánh xe vẫn có thể lăn trong khi phanh, không bị trượt trên mặt đường và nhờ vậy vẫn có thể điều khiển được tay lái trong khi phanh xe.
Tuy nhiên kỹ thuật phanh nhấn thả thủ công này chỉ áp dụng cho những tài xế có phản ứng rất nhanh nhẹn, nhiều kinh nghiệm và thật bình tĩnh mới áp dụng được, nhưng hiệu quả cũng không cao. Vẫn có những quãng thời gian xe bị mất điều khiển xen kẽ, đó là chưa kể đến khi tập trung vào việc nhịp phanh, người điều khiển có thể mất tập trung trong việc điều khiển tay lái. Vì vậy từ năm 1929 một kỹ sư người Pháp đã nghĩ ra một hệ thống phanh nhịp tự động hoạt động hoàn toàn bằng cơ khí, tuy nhiên hệ thống này không phát triển được do không thực sự tăng thêm độ an toàn như mong muốn.
Đến năm 1971 trở về sau, nhờ vào sự hỗ trợ của công nghệ thông tin và cảm biến (sensor), các hãng ô tô mới cho ra đời các hệ thống ABS đầu tiên và đặt nhiều tên khác nhau như Sure Brake, Trackmaster, Electro Anti-lock System... Nhưng phải đến năm 1985, khi tốc độ làm việc của bộ vi xử lý và của các cảm ứng (sensor) đã được nâng cao, các thiết bị điều khiển bằng điện (drive by wire) ngày càng nhiều, hệ thống ABS mới thực sự an toàn và hiệu quả và được trang bị như một tùy chọn ở các thương hiệu xe cao cấp. Đến năm 1988, ABS mới được BMW trang bị trên xe máy. Ngày nay ABS trở thành tiêu chuẩn ở các loại xe đời mới.
BMW K100 đời 1988 trang bị phanh abs
Sự phát triển của ABS sở dĩ gian nan như vậy bởi vì ABS thực sự an toàn và hiệu quả không chỉ đơn thuần là một máy nhịp phanh tự động. Chế tạo một máy tự động nhịp phanh rất dễ dàng, có thể hoàn toàn bằng công nghệ cơ khí, không cần đến công nghệ thông tin và công nghệ "drive by wire". Nhưng ABS thực sự an toàn và hiệu quả là hệ thống tự động nhịp phanh ở ngưỡng phanh nên phải cần đến công nghệ thông tin và sensor và công nghệ "drive by wire". Và ABS làm được điều này nhanh hơn hàng chục lần so với bất cứ lái xe lão luyện nào. (Nguồn DSPL). Hết phần 1. Mời xem tiếp phần 2 tại đây.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet