Năm 2009 đánh dấu sự chạy đua tính năng của các hãng máy ảnh, không chỉ trên các dòng máy du lịch, mà còn trên các phiên bản DSLR vốn được cho là không còn gì để cải tiến nữa. Cuộc đua nhiều chấm giờ đã nhường lại cho sự ganh đua thực chất hơn - chất lượng hình ảnh. Hàng loạt những cải tiến công nghệ mới đã được áp dụng sao cho DSLR không còn là thế độc tôn của những người chuyên nghiệp, mà trở thành một sản phẩm tiện dụng hơn, cơ động hơn và giá cả hợp lý.
Dưới đây là những đề cử phiên bản DSLR nổi bật trên thị trường trong năm 2009 không chỉ về công nghệ, mà còn cả về ý tưởng sáng tạo.
1. Pentax K-7 – nồi đồng cối đá
Pentax K-7 là phiên bản kế tục K20D. Ảnh: Digitalcamerawarehouse. |
Pentax K-7 được xem là phiên bản kế tục dòng máy tầm trung K20D vốn rất thành công trong năm 2008 nhưng sở hữu các tính năng nổi bật hơn như xem ảnh sống LiveView, nhận diện gương mặt. Đáng chú ý, máy có khả năng quay video HD 1.280 x 720 pixel tốc độ 30 hình mỗi giây với thời gian 25 phút, kèm micro mono tích hợp hoặc gắn micro stereo bên ngoài.
K-7 sử dụng cảm biến CMOS APS-C độ phân giải 14,6 Megapixel do Samsung chế tạo. Cảm biến này sử dụng lưới lọc RGB mới, về lý thuyết, sẽ cho khả năng xử lý nhiễu ưu việt hơn. Ngoài ra, K7 cũng sở hữu một loạt cải tiến khác như hệ thống lấy nét Savox VIII+, chức năng lấy nét tự động hỗ trợ bởi đèn lấy nét màu lục, rất hữu dụng khi chụp ở khoảng cách gần trong môi trường thiếu sáng.
Pentax K-7 được hãng thiết kế có thể chụp được ngay trong các điều kiện thời tiết khắc nghiệt như mưa, tuyết, sa mạc hay cả khi nhiệt độ âm 10 độ C, nổi trội hơn so với các đối thủ khác.
2. Olympus E-P1 - máy ống kính rời nhỏ nhất thị trường
Olympus E-P1 là phiên bản máy Micro Four Thirds đầu tiên của Olympus. Ảnh: Housevibe. |
Là phiên bản Micro Four Thirds đầu tiên của Olympus, E-P1 kế thừa dòng Pen danh tiếng của hãng với thiết kế rất nhỏ gọn (120 x 70 x 35 mm), tương đương với một chiếc máy ảnh du lịch, nhưng lại có ngàm ống kính để thay thế. Máy trang bị cảm biến 3CCD 12,3 Megapixel với bộ vi xử lý ảnh TruePic V, lấy nét 11 điểm, hỗ trợ chế độ LiveView.
E-P1 cho phép quay phim định dạng HD 720p (1.280 x 720 pixel) tốc độ 30 hình mỗi giây, âm thanh stereo, cổng HDMI và cảm biến chống rung. Máy có màn hình 3 inch, cho phép chụp nhanh 3 khung hình/giây, ISO tùy chỉnh từ 100 lên 6.400, hỗ trợ thẻ nhớ SDHC.
3. Canon EOS 7D – khởi đầu cho series 7
Canon EOS 7D chụp liên tiếp với tốc độ 8 hình mỗi giây, dù ở độ phân giải cao nhất. |
Là model nối tiếp giữa hai dòng máy 50D và 5D Mark II, EOS 7D rất có thể là phiên bản khởi đầu cho series 7 vốn chưa có tiền lệ từ thời máy phim.
Vẫn sử dụng cảm biến APS-C, 7D có độ phân giải 18 Megapixel. Kết hợp với vi xử lý kép Dual DIGIC 4 và cơ cấu cửa trập mới cho phép tốc độ chụp liên tiếp của máy được lên tới 8 hình mỗi giây dù ở độ phân giải tối đa 5.184 x 3.456 pixel. Cơ chế chuyển đổi tương tự sang số 14 bit, về lý thuyết, sẽ cho dải màu mượt và mịn hơn so với công nghệ 12 bit trên đa số máy ảnh DSLR hiện nay.
Hệ thống lăng kính 5 mặt của 7D khá lớn, gần tương tự như trên bản Full Frame 5D Mark II, cho phép bao quát 100% trường nhìn qua viewfinder với độ phóng đại lên tới 1x. Canon 7D còn được trang bị khả năng quay video Full HD hoặc HD 720p với tôc độ 30 hình mỗi giây.
Đây cũng là model đầu tiên của Canon có khả năng sử dụng đèn tích hợp để điều khiển 3 nhóm đèn rời không dây khác với các tùy chỉnh công suất khác nhau theo từng nhóm.
4. Nikon D3s – quán quân tốc độ
Nikon D3s có dải ISO mở rộng tới mức 102.400. Ảnh: Letsgodigital. |
Sau thành công của "bom tấn" D3x, Nikon giới thiệu phiên bản Full Frame mới D3s với cảm biến 12,1 Megapixel, khả năng chụp liên tiếp siêu nhanh (11 khung hình/giây) và đặc biệt có thể đẩy ISO lên tới ngưỡng 6 con số.
Nikon D3s có tốc độ đáng kinh ngạc, khởi động chỉ mất 0,12 giây, độ trễ cửa trập đạt khoảng 0,04 giây. Dải ISO thông thường của máy từ 200-12.800, nhưng Nikon đã thêm 5 tùy chọn khác cho phép nâng tới ngưỡng Hi 3, tương đương ISO 102.400, mức mà tại thời điểm ra mắt chưa máy ảnh nào đạt đến. Với ISO cao và khử nhiễu tốt, nhiều người còn cho rằng D3s và các model kế tục sau này sẽ là lời cáo chung cho đèn flash.
D3s hỗ trợ quay phim 720p, có thể lấy nét ở chế độ LiveView, màn hình 3 inch, 920 nghìn điểm ảnh, hỗ trợ lấy nét 51 điểm, pin theo máy 2.500 mAh có thể chụp tối đa tới 4.200 hình.
5. Alpha A850 - DSLR Full-Frame giá rẻ
Alpha A850 thừa hưởng hoàn toàn thiết kế của A900. Ảnh: Dentonimage. |
Alpha A850 là phiên bản thừa hưởng gần như hoàn toàn thiết kế về cảm biến, thân máy cũng như hệ thống điện tử của model cao cấp A900 và là dòng máy Full Frame có giá vào hàng thấp nhất trên thị trường.
A850 sử dụng cảm biến CMOS Full Frame độ phân giải 24,6 Megapixel. Cảm biến này sử dụng công nghệ Exmor do Sony phát triển, hứa hẹn độ nhạy sáng và khả năng khử nhiễu ưu việt. Với trên 6.000 cổng chuyển đổi Analog/Digital, các dữ liệu màu sắc gần như ngay lập tức được chuyển về vi xử lý, hạn chế tối đa các tạp nhiễu điện tử phát sinh do quá trình nóng lên của sensor đồng thời tăng tốc quá trình ghi dữ liệu vào thẻ nhớ.
Điểm đặc biệt ở Sony A850 là hỗ trợ dòng ống kính DT series. Những ống này vốn được thiết kế cho các máy cảm biến nhỏ APS-C. Thông thường khi lắp trên các máy Full Frame các ống này thường gây ra hiện tượng đen 4 góc ảnh. Vì thế A850 hỗ trợ chế độ tự động chuyển khung hình về cỡ APS-C bằng cách cắt bớt các pixel thừa của cảm biến đi khi các ống kính dòng DT được lắp vào.
Tốc độ chụp liên tiếp của Sony A850 đạt 3 hình mỗi giây nhờ sử dụng hai vi xử lý Bionz. Ngoài ra, máy còn được tích hợp công nghệ Peripheral Illumination nhằm sửa lỗi đen 4 góc ảnh vốn hay xảy ra khi sử dụng các ống kính góc rộng.
Kết quả bình chọn, kết thúc ngày 24/12:
Nguyễn Hà
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet