Trái cóc Thái có màu xanh, to cỡ đầu ngón chân cái, có vị chua, giòn, mềm (nhất là cóc non) và được các người dân nơi đây rất ưa chuộng trong việc chế biến món ăn như: cóc Thái ngâm muối đường - mặt hàng đặc sản của Chợ Mới (An Giang). Nhưng ấn tượng trong tôi nhất phải kể là: cá rô đồng kho cóc Thái.
Cây cóc Thái thân thấp, trái nhỏ, trĩu quả quanh năm (ảnh (BCT)
Muốn chế biến món cá rô đồng kho cóc Thái đạt chất lượng, cá rô mua ở chợ, phải lựa cá rô mề (loại cá rô lớn, bề ngang cỡ 3 ngón tay trở lên), còn tươi khoảng 1/2 kg (4 con/ kg) đem về đánh vãy, cắt đầu, đuôi, vây, kỳ, mổ bỏ ruột, rửa sạch, để ráo. Cóc Thái, chọn cóc non, da màu xanh, trái còn cứng. Dùng dao bén gọt vỏ, rửa sạch, chẻ đôichẻ đôi.
Cá rô mề tươi sống. (ảnh: BCT)
Tô cá rô mề kho cóc Thái thơm ngon, hấp dẫn. (ảnh: BCT)
Xong khâu sơ chế, bắc nồi lên bếp, phi mỡ (dầu) tỏi cho thơm rồi đổ nước mắm cùng gia vị (đường + bột ngọt + nước màu) và một ít nước lạnh vừa khẩu vị nấu sôi rồi thả cá rô (đã làm sạch) vào. Điều chỉnh lửa liu riu cho đến khi nước mắm rút vào cá, da cá nứt ra. Sau cùng, cho cóc Thái (đã chẻ đôi) vào. Chờ cóc vừa chín tới (tránh để chín quá, cóc mềm mất ngon!), cho hành lá xắt khúc vào, nhắc xuống. Nêm nếm gia vị lần cuối, nhắc xuống, múc ra tô. Để cho món ăn được bắt mắt và đậm đà hương vị nên thêm vài khoanh ớt sừng chín và một ít tiêu xay, là xong!.
Có dịp đến vùng sông nước miền Tây, bạn thử tìm cơ hội để thưởng thức món cá rô đồng kho cóc Thái rất độc đáo nầy. Giẽ một miếng thịt cá rô mề kẹp cùng miếng cóc Thái đưa lên miệng nhấn nhá nhai. Vị ngọt, dai của thịt cá hòa lẫn vị chua chua, ngọt ngọt, giòn giòn, và mùi thơm rất đặc trưng của trái cóc thấm đẫm mọi giác quan… Và, một miếng cơm nóng có chan một muỗng nước cá vào, chắc hẳn bạn sẽ khó quên được một món ăn dân dã, đậm đà hương vị miền Tây…
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet