Là thành phố trên cao nguyên, Đà Lạt cuốn hút du khách bằng vẻ đẹp tự nhiên vốn có cùng những công trình in đậm dấu ấn thăng trầm lịch sử và một thời hoàng kim
Biệt điện Trần Lệ Xuân
Từng là chốn xa hoa của bà Trần Lệ Xuân, phu nhân của ông Ngô Đình Nhu, khu Biệt điện rộng lớn xưa kia nay là Trung tâm lưu trữ quốc gia IV. Tọa lạc ở số 2 đường Yết Kiêu, đây là quần thể gồm ba biệt thự gồm Hồng Ngọc, Bạch Ngọc, Lam Ngọc và vườn hoa Nhật Bản.
Các mộc bản triều Nguyễn được trưng bày bên trong khu Biệt điện Trần Lệ Xuân. Ảnh: Hương Chi. Đà Lạt thời hoàng kim |
Sau cuộc đảo chính năm 1963, nơi đây trở nên hoang tàn và đi vào quên lãng. Sự tàn phá của hàng chục năm cũng đủ xóa sạch dấu tích của những người quyền uy bậc nhất Sài Gòn thời bấy giờ. Năm 2007, Trung tâm lưu trữ quốc gia IV đã trùng tu, tôn tạo khu Biệt điện. Từ một phế tích cũ, công trình lấy lại vẻ đẹp vốn có và được dùng làm nơi trưng bày các tài liệu lưu trữ quý hiếm.
Du khách tới đây còn có cơ hội tham quan Khu trưng bày tài liệu Mộc bản triều Nguyễn, được Unesco công nhận là Di sản tư liệu thế giới năm 2009. Ngoài ra, trung tâm còn trưng bày nhiều hình ảnh, tư liệu về các chủ đề Miền Trung – Tây Nguyên (1954 – 1975), gia đình Ngô Đình Nhu – Trần Lệ Xuân hay Đà Lạt – Lâm Đồng. Khu Biệt điện mở cửa phục vụ du khách tất cả các ngày trong tuần, giá vé 15.000 đồng một người.
Cung hoàng hậu Nam Phương
Cung còn có tên khác là Dinh Nguyễn Hữu Hào, nằm trên ngọn đồi thoáng đãng ở đường Hùng Vương, cách trung tâm Đà Lạt khoảng 3 km. Nơi đây hiện tại thuộc khuôn viên Bảo tàng Lâm Đồng, gần Dinh I và II của vua Bảo Đại. Dinh thự do đại điền chủ giàu có xứ Gò Công Nguyễn Hữu Hào xây dựng vào năm 1932, tặng con gái mình là Nam Phương hoàng hậu, vợ của vua Bảo Đại.
Phòng ngủ của hoàng hậu Nam Phương - vợ vua Bảo Đại. Ảnh: Hương Chi. |
Công trình có diện tích 500 m vuông với gian hầm, tầng trệt và lầu. Hiện tại, du khách đến tham quan có thể chiêm ngưỡng gần như toàn bộ vật dụng trong đời sống xa hoa của hoàng hậu cuối cùng. Cung xây theo phong cách tân cổ điển, có hình khối làm chủ đạo với các họa tiết trang trí mang phong cách châu Âu xưa pha trộn họa tiết phương Đông. Mỗi căn phòng đều có lò sưởi với kiểu cách khác nhau.
Trong quá trình tu sửa cung Nam Phương hoàng hậu, bảo tàng phát hiện thêm một đường hầm bí mật dưới chân cầu thang, dẫn ra ngoài, hướng đến Dinh I, II của vua Bảo Đại. Công trình này chưa cho phép khách tham quan.
Giá vé vào cung hoàng hậu là 10.000 đồng. Lưu ý trước khi vào trong, bạn phải cởi bỏ giày dép để bên ngoài. Nếu không, du khách được phát đôi tất lớn, bọc toàn bộ giày dép.
Các Dinh I, II, III
Từ trung tâm Đà Lạt, theo đường Trần Hưng Đạo, đến ngã ba Trại Hầm, sau đó rẽ phải và đi tiếp đường Trần Quang Diệu, du khách sẽ tới Dinh I. Đây là nơi vua Bảo Đại dùng làm Tổng hành dinh và làm việc cho các quan chức sau khi quân Pháp trở lại nắm quyền vào năm 1948.
Dinh I tọa lạc trên một ngọn đồi thơ mộng, độ cao 1.550 m với những rừng thông xanh mát bao quanh. Hiện tại, nơi đây trong quá trình tôn tạo nên du khách chưa được phép tham quan, dự kiến tháng 7 tới sẽ hoàn thành để hoạt động trở lại. Công trình có một vẻ đẹp cổ kính, uy nghi, đầy tao nhã.
Dinh I ẩn mình giữa rừng thông xanh mát. Ảnh: lamdong.gov. |
Dinh II là dinh thự mùa hè của Toàn quyền Decoux, được ông dùng để ở và làm việc vào mùa hè hàng năm. Ngoài tên trên, nơi đây còn được gọi là dinh Toàn quyền, nằm cách trung tâm Đà Lạt 2 km về hướng đông nam trên một ngọn đồi ở độ cao 1.540 m, tại đường Trần Hưng Đạo.
Trước kia, Decoux đã cho xây những đường hầm bí mật rất kiên cố nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho ông và gia đình. Chúng nối vào hầm rượu với nhiều ngóc ngách được đổ bê tông chắc chắn.
Dưới thời Ngô Đình Diệm, Dinh II là nơi nghỉ mát của gia đình em trai ông - Ngô Đình Nhu. Nơi đây được làm Tổng hành dinh mùa hè và cho tu bổ, xây dựng thêm các đường hầm bí mật lên tận sườn đồi theo hướng đông nam và tây bắc, đề phòng đảo chính.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet