Quần đảo St Kilda là địa điểm hẻo lánh nhất Anh quốc
Quần đảo St Kilda có người sống liên tục trong suốt 4.000 năm. Khu dân cư duy nhất ở đây là ngôi làng Village Bay, nằm trên vùng đất thấp tại hòn đảo lớn nhất Hirta.
Ảnh những cư dân trên đảo được chụp vào năm 1886
Điều kiện gió mạnh trên quần đảo St Kilda không phù hợp đối với canh tác nông nghiệp. Người dân ở đây trồng một số lượng nhỏ lúa mạch, yến mạch và khoai tây, nhưng gió mạnh và nước biển khiến cây phát triển chậm. Sóng biển quanh đảo rất mạnh, khiến người dân không thể đánh cá. Thực phẩm ưa thích nhất của họ là chim biển và trứng của chúng.
Người dân trên đảo bắt đầu di cư vào đất liền năm 1930
Quần đảo St Kilda là nơi sinh sản của nhiều loài chim biển quý hiếm như chim ó biển, hải âu và chim hải âu rụt cổ. Đây là có vực có số lượng chim ó biển phương bắc lớn nhất thế giới, chiếm 25% toàn cầu.
Người dân trên đảo thường chế biến chim hải âu rụt cổ cho bữa sáng. Theo một báo cáo, mỗi người dân ở St Kilda ăn khoảng 115 con chim hải âu mỗi năm. Trong năm 1876, họ tiêu thụ hơn 89.600 con chim hải âu rụt cổ.
Công việc săn chim biển không hề dễ dàng, nhưng người dân trên đảo St Kilda có những kỹ năng riêng. Vào mùa xuân và mùa hè, những người đàn ông dùng dây để leo xuống vách núi dựng đứng để bắt chim non và trứng từ tổ của chúng. Lông chim sau đó được sử dụng làm lõi gối và đệm, da chim ó được sử dụng làm giày và dầu trong dạ dày của chim hải âu được dùng làm chất đốt.
Chim biển chỉ ở trên đảo St Kilda trong thời gian nửa năm. Trong các tháng mùa đông và mùa thu, chúng di cư tới vùng biển Đại Tây Dương. Để tránh tình trạng thiếu thực phẩm, người dân trên đảo xây các ụ đá để tích trữ thịt chim.
Từ giữa thế kỷ thứ 19, người dân trên đảo St Kilda bắt đầu đón những du khách đầu tiên và họ cũng bắt đầu khám phá thế giới bên ngoài. Điều này khiến họ biết nhiều cách sống khác nhau. Cư dân ở đây bắt đầu nhập thực phẩm, nhiên liệu và vật liệu xây dựng để cải thiện cuộc sống của họ và dần phụ thuộc vào nguồn cung cấp này.
Trong thời kỳ chiến tranh thế giới thứ nhất, sự xuất hiện của Hải quân Hoàng gia Anh trên đảo đã cải thiện khả năng liên lạc với đất liền. Nhưng khi quân đội rút đi, cảm giác biệt lập trên đảo càng tăng lên. Tình trạng thiếu thực phẩm trở nên trầm trọng và thường xuyên hơn, thiếu dịch vụ y tế cũng là một vấn đề lớn.
Một thay đổi lớn đã đến vào năm 1930 khi một phụ nữ trên đảo St Kilda mắc bệnh viêm ruột thừa được chuyển vào đất liền để cấp cứu, nhưng không kịp. Sau sự việc này, khoảng 20 người dân trên đảo đã ký đơn đề nghị chính phủ di cư họ vào đất liền để có được cuộc sống tốt hơn.
Đến tháng 8.1930, toàn bộ 36 người dân trên đảo St Kilda đã được sơ tán và tái định cư trên đất liền của Scotland.
Vào năm 1986, quần đảo này đã trở thành địa điểm đầu tiên ở Scotland được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Ngày nay, hòn đảo Hirta thu hút hàng nghìn du khách tới khám phá mỗi năm.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet