Cửa hàng Nhật Huy Mobile (quận 10, TP.HCM) mới đây bị một vị khách vào xem iPhone, sau đó đăng nhập tài khoản icloud cá nhân rồi ra về. Dù vẫn sử dụng được máy, nhưng chiếc di động này sẽ bị người có ID đang đăng nhập dễ dàng điều khiển từ xa như khóa, xóa sạch dữ liệu trên máy.
Ngay sau khi phát hiện chiếc iphone bị dính icloud lạ, cửa hàng này nhanh chóng truy tìm tung tích chủ nhân ID trên máy. Tìm hiểu về địa chỉ email, nhờ bạn bè truy trên Facebook, vị khách kia sau đó mới đến cửa hàng gỡ bỏ tài khoản của mình.
Sau sự việc nói trên, cửa hàng đã buộc phải dán một tấm biển khá hài hước, yêu cầu khách kiểm tra kỹ tài khoản iCloud trên máy trước khi rời tiệm.
Tấm biển nhắc nhở khách kiểm tra tài khoản iCloud tại cửa hàng Nhật Huy.
Theo anh Văn, chủ một cửa hàng di động tại Hà Nội, tình trạng máy trưng bày hay đưa cho khách xem bị khóa icloud diễn ra không nhiều. Thường các cửa hàng có thể "dính" một lần, nhưng sau đó sẽ cẩn trọng hơn.
Trong khi đó, hiện tượng máy bị lưu tài khoản iCloud lại diễn ra khá thường xuyên với những người mua máy qua tay. Khi bán máy, chủ cũ vô tình không đăng xuất tài khoản iCloud. Người mua máy khi mang về chỉ cần reset hoặc restore lại sẽ không kích hoạt được.
“Apple đưa ra tính năng bảo mật quá cao trên ios 7 đôi khi cũng khiến người dùng khổ, vì bản chất phần nhiều người dùng Việt chưa cần đến tính năng đó”, anh này chia sẻ.
iCloud là một công cụ dùng để lưu trữ, bảo mật thông tin và định vị thiết bị iOS của bạn, dùng tài khoản apple id để đăng nhập. Trên các phiên bản iOS 6.x trở xuống, đây đơn thuần chỉ là một công cụ lưu trữ trên server của Apple. Nhưng từ phiên bản iOS 7, iCloud có thêm tính năng bảo mật mới. Trong trường hợp bị mất máy, người dùng cũng có thể truy cập vào website của iCloud, đăng nhập và bật chế độ Lost Mode trong find my iphone hay xóa sạch dữ liệu. Thiết bị đó sẽ lập tức bị khóa lại.
Bên cạnh đó, khi reset hoặc restore lại máy, người dùng cũng buộc phải nhập mật khẩu icloud mới cho kích hoạt. Do đó, khi người dùng mua máy cũ hoặc mượn tài khoản Apple ID của người khác mà không biết mật khẩu thì khi reset hoặc restore, máy sẽ không kích hoạt được.
Sau khi bị khóa iCloud, máy sẽ yêu cầu người dùng đăng nhập tài khoản Apple ID để khởi động.
Theo anh Hoàng Xuân, nhân viên kỹ thuật tại một trung tâm sửa chữa điện thoại trên phố Xã Đàn, Hà Nội, hiện vẫn chưa có một công cụ thực sự đáng tin cậy nào để mở khóa iCloud. Phần lớn các dịch vụ mở khóa có giá từ 100 đến 200 USD hoặc phần mềm giá cả nghìn USD rao bán trên mạng. Tuy nhiên, các ứng dụng đó đều là lừa đảo người dùng.
Cách làm mạo hiểm nhất hiện nay đó là can thiệp vào phần cứng của máy. Tuy nhiên, đây là cách ít được khuyến khích nhất bởi mức độ rủi ro cao. Hiện tại, các thợ chỉ dám can thiệp phần cứng (cho những máy bị khóa iCloud) trên thiết bị đời cũ là chiếc iPhone 4. Tuy nhiên, di chứng để lại là máy có thể bị mất sóng và số IMEI.
“Tại Việt Nam, giới thợ cũng thường lên mạng để tìm mua những chiếc iPhone bị khóa iCloud. Chúng được bán với giá rất rẻ để vọc vạch và lấy linh kiện để thay cho khách”, anh Xuân cho hay.
Theo anh Xuân, khi mua máy cũ, người dùng nên mua của người quen, chọn nơi có bảo hành và đảm bảo có thể liên lạc được với người bán để tránh sự cố đáng tiếc về iCloud.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet