Nội dung

Đối với tạp chí thời trang, mỗi số xuất bản thường có ít nhất một bộ ảnh phản ánh chủ đề, định hướng trào lưu trong thời điểm ấn hành. Chất lượng của những bộ ảnh này góp phần không nhỏ vào việc khẳng định, củng cố vị trí của tạp chí trong ngành xuất bản nội địa và thế giới. Vì vậy, mỗi bộ ảnh đều được chăm chút kỹ và chuẩn bị công phu, từ ý tưởng đến khâu thực hiện và hậu kỳ.

Nếu như những bức ảnh thời trang bình thường chỉ cần người mẫu và nhiếp ảnh gia thì ảnh cao cấp lại đòi hỏi sự tham gia của nhiều thành phần, bao gồm giám đốc nghệ thuật, giám đốc hình ảnh, phụ trách sản xuất, stylist... Dù không xuất hiện trực tiếp trên ảnh, mỗi người đều là mắt xích không thể thiếu trong quy trình phức tạp đến ngặt nghèo của việc cho ra đời những bức ảnh nghệ thuật.

Công việc hậu trường của các bộ ảnh thời trang cao cấp

Một ê-kíp chụp thời trang cao cấp thường có khoảng 10 người trở lên. Trong ảnh là hậu trường bộ ảnh chủ đề Olympic của Vogue Anh số tháng 6/2012. Ảnh: Vogue.

Ở các tạp chí như Vogue, W, Elle... giám đốc nghệ thuật là người có quyền lực cao nhất. Bên cạnh việc đưa ra chủ đề tổng thể, họ quyết định các thành phần quan trọng với mỗi bộ ảnh như stylist, nhiếp ảnh và người mẫu. Trong khi, giám đốc sản xuất là người tất bật nhất khi phải quán xuyến toàn bộ công việc hậu trường, từ kết nối các thành phần liên quan của buổi chụp, chuẩn bị địa điểm, đạo cụ, liên hệ nơi hỗ trợ trang phục, phụ kiện, giày dép... đến việc tính công cho từng thành viên sau khi công việc hoàn thành. Ngoài ra, mỗi buổi chụp đều không thể thiếu chuyên gia trang điểm, làm tóc, đánh đèn... Khâu hậu kỳ cần đến một retoucher giàu kinh nghiệm để chỉnh sửa màu sắc, ánh sáng... của bộ ảnh theo đúng ý đồ giám đốc nghệ thuật.

stylist và trợ lý là người lên ý tưởng về cách tạo dáng, trực tiếp mượn đồ tại các nhà mốt dưới sự giới thiệu của giám đốc sản xuất. Với mỗi bức hình, stylist và trợ lý bàn bạc và đưa ra ít nhất hai phương án kết hợp trang phục khác nhau. Vì vậy, số lượng quần áo, phụ kiện phải mượn cho mỗi bộ ảnh có thể là vài chục tới vài trăm món. Vì mức giá của chúng đắt đỏ, khâu bảo quản, giặt là và kiểm tra khi trả về khá chỉn chu, kỹ lưỡng, với hợp đồng ràng buộc trách nhiệm rõ ràng nếu lỡ xảy ra hư hỏng.

Trang phục là phần quan trọng nhưng chưa phải là tất cả. Đối mặt với sự cạnh tranh khắc nghiệt của các tạp chí quốc tế, một bộ ảnh thời trang ấn tượng ngày nay không chỉ đẹp mà còn phải "độc" trong ý tưởng. Để đáp ứng tiêu chí này, cả êkíp, nhất là người mẫu, có khi phải làm việc với các bối cảnh nguy hiểm như tạo dáng với nhện độc, thú dữ hay đứng chênh vênh trên nóc tòa nhà chọc trời với đôi giày cao gót lênh khênh...

Công việc hậu trường của các bộ ảnh thời trang cao cấp

Cara Delevingne để cho một chú nhện độc bò lên mắt.

Trong số ra hồi cuối năm 2012, tạp chí I-D đã yêu cầu siêu mẫu Cara Delevingne làm việc với "bạn diễn" là chú nhện độc tarantula. Trang bìa với hình ảnh con nhện bò lên mắt Cara Delevinge không chỉ tạo ấn tượng mạnh cho người xem mà còn khiến độc giả sởn da gà về mức độ nguy hiểm nếu xảy ra tai nạn. Tương tự, người mẫu Kate Upton và Irina Shayk từng phải tạo dáng thân mật với những chú hổ khi chụp hình cho tạp chí Harper's Bazaar Australia hồi tháng 5/2013. Cũng nhằm mục đích gây ấn tượng mạnh về thị giác và truyền tải đúng chủ đề bộ ảnh, nhiều con vật khác như rắn, trăn, cá sấu... được nhà sản xuất Next Top Model tại nhiều nước chọn làm "bạn diễn" của các thí sinh, dù lúc này họ mới chỉ là người mẫu không chuyên.

Bối cảnh cũng là câu hỏi khiến tổ chụp đau đầu mỗi khi nghĩ tới. Đôi khi, họ phải đi đến nhiều địa điểm, quốc gia khác nhau để thực hiện bộ ảnh. Trong số tháng 11/2012 của tờ Vogue Mỹ, mỗi bức ảnh do Rihanna làm mẫu đều được chụp ở các địa điểm cách xa nhau hàng trăm km như bãi cỏ khô, sa mạc bụi mờ mịt, dải đất khô nứt nẻ, hay đường cao tốc không một bóng người... Không dừng lại ở đó, nhiều ê-kíp thể hiện sự táo bạo khi chọn những địa hình hiểm trở như đỉnh tháp Eiffel lộng gió, trên nóc taxi trơn trượt hay trong cả nghĩa trang vắng lạnh.

Ở Việt Nam, mức độ nguy hiểm không cao lắm, tuy nhiên các người mẫu như Xuân Lan, Thanh Hằng... cũng nhiều lần trèo cây hay đứng bên vách núi với đôi giày cao gót. Để có một bộ ảnh về cuộc tình trên tàu hỏa, 10 thành viên trong một đoàn cùng nhau mua vé, dàn dựng bối cảnh, chụp ảnh và quay phim trong cảm giác lắc lư theo nhịp tàu suốt tám tiếng. Các tạp chí thời trang nước ngoài có phiên bản Việt cũng bỏ ra một số tiền không nhỏ để giúp độc giả khám phá văn hóa nhiều quốc gia bằng các bộ ảnh thời trang của mình.

Công việc hậu trường của các bộ ảnh thời trang cao cấp

Bức ảnh khiến Hoàng Thùy gặp "tai bay vạ gió" đầu năm.

Tuy nhiên, không phải lúc nào sự sáng tạo vượt khỏi giới hạn thông thường cũng được đón nhận.

Hãng Miu Miu trong lần thực hiện bộ ảnh cho chiến dịch quảng cáo đã lấy bối cảnh người mẫu ngồi trên đường ray xe lửa. Sau đó, bộ ảnh này bị cấm ở Anh với lý do "thiếu trách nhiệm". Dù các trợ lý đã kiểm tra lịch chạy của tàu hỏa trước khi để mẫu teen Hailee Steinfeld tạo dáng, các phụ huynh vẫn phản đối vì điều này vi phạm luật giao thông đường sắt.

Tương tự, dù bỏ ra nhiều công sức và chi phí, các nhà mốt danh tiếng như Dolce & Gabbana, Tom Ford hay Calvin Klein... cũng bị "cấm cửa" trên các kênh truyền hình. Những bộ ảnh thời trang của họ tại nhiều thị trường bị "tuýt còi" vì quá lạm dụng yếu tố nude hay mang nhiều ý nghĩa tiêu cực như hạ thấp phụ nữ, người đồng tính hay loài vật...

Đầu năm nay, bộ ảnh thời trang của Hoàng Thùy gây tranh cãi vì một bức hình người mẫu mặc váy ngắn, gây nhầm tưởng cô theo mốt "giấu quần" tạo dáng trước nhà sư Thái LanBức ảnh bị chỉ trích vì không hợp với văn hóa Á Đông, nhất là những nơi tôn nghiêm như đền, chùa. Sự cố phần nào cho thấy tầm quan trọng của việc đặt tinh thần sáng tạo hòa chung với văn hóa và cái nhìn truyền thống của độc giả bản địa.

Vân An - Chi Yên

Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet

Cùng chuyên mục