Còn nhớ cách đây chừng 10 năm, một anh bạn của tôi chỉ biết lõm bõm tiếng Anh nhưng vẫn có thể đi đó đi đây trên thế giới. Tất cả chỉ nhờ vào chiếc máy dịch thuật điện tử Kim Từ Điển mà anh bạn luôn mang theo mình để giúp dịch qua lại các nội dung mà anh bạn và người sở tại muốn nói với nhau. Tất nhiên công nghệ buổi đầu này còn đơn giản và phiền toái lắm nhưng giờ mọi thứ đã khác.
Những cỗ máy học thông minh
Khi Google ra mắt tai nghe Pixel Buds hỗ trợ tính năng phiên dịch thời gian thực tới 40 ngôn ngữ, những người thường xuyên đi nước ngoài hay phải giao tiếp với người nước ngoài nhận ra ngay họ có được một phiên dịch viên ảo có thể đồng hành với mình. Đây là loại tai nghe nhỏ gọn, dạng earphone và kết nối với smartphone qua sóng Bluetooth. Muốn nói gì, bạn chỉ cần nói bằng ngôn ngữ của mình vào microphone trên tai nghe để nó truyền sang smartphone cho ứng dụng dịch và đọc lên cho người nước ngoài nghe và ngược lại.
Trước đó, Microsoft đã trình diễn cho các nhà báo công nghệ ứng dụng hội thoại video nổi tiếng Skype của mình giờ được bổ sung những tính năng trí tuệ nhân tạo (AI). Nó giúp các doanh nghiệp đa quốc gia có thể dễ dàng hội họp từ xa và trao đổi với nhau bằng chính tiếng mẹ đẻ của những người tham gia. Chẳng hạn, người Mỹ ở bên Mỹ có thể nghe những gì bạn ở TP.HCM nói bằng tiếng Việt đã được Skype dịch sang tiếng Anh và ngược lại.
Chiếc smartphone Galaxy Note8 mới của Samsung đã được tích hợp tính năng dịch thuật kết hợp giữa ứng dụng Google Translate với máy ảnh và cây bút S Pen. Khi đọc một trang báo nước ngoài, gặp những từ không biết, bạn có thể rê cây bút lên từ đó để nó dịch sang tiếng mẹ đẻ của bạn. Vào nhà hàng, thấy một thực đơn toàn tiếng nước ngoài, bạn có thể dùng Note8 chụp nó rồi dùng cây bút S Pen rê lên ảnh để dịch thuật. Nó có thể dịch từng từ hay cả câu, có cả tính năng đọc lên cho bạn nghe. Tính năng này còn có thể chuyển đổi tiền tệ và đơn vị đo lường.
Với sức mạnh của AI, các ứng dụng chuyển ngữ, dịch thuật càng trở nên siêu đẳng hơn. Thông qua tính năng máy học, ứng dụng và thiết bị học hỏi dần trong quá trình hoạt động để ngày càng hoàn thiện và hợp ý người dùng hơn. Từ một hệ thống dịch khởi đầu có vẻ khá “ngờ nghệch”, Google Translate hiện nay có thể dịch nguyên bài dài tối đa 5.000 ký tự. Cỗ máy dịch này cũng có hơn 200 triệu người dùng mỗi ngày, hỗ trợ tới 103 ngôn ngữ và đã có cả tiếng Việt.
Mọi thứ sẽ dần thay đổi khi các cỗ máy phiên dịch ngày càng thông minh. Ảnh: Internet
Nhưng vẫn còn chưa qua được con người
Có một số người lo ngại rằng các ứng dụng chuyển ngữ, dịch thuật ngày càng được phát triển nhiều và ngày càng giỏi hơn sẽ gây ra hiệu ứng phụ là người ta không cần phải học ngoại ngữ nữa. Giống những chiếc máy tính làm cho khả năng viết tay của người ta bị suy giảm thấy rõ. Hay những chiếc máy tính toán (như máy Casio) khiến người ta giảm đi khả năng tính nhẩm, không cần học rút căn, tính hàm số,… nữa. Biết làm sao được khi quy luật phát triển luôn đào thải những cái cũ, lạc hậu. Và việc lạm dụng quá đáng thiết bị, ứng dụng công nghệ chính là lỗi của từng người. Thiết bị và ứng dụng công nghệ không có tội trong chuyện này. Chẳng lẽ ta lại đi năn nỉ một chân dài chớ có làm đẹp, trang điểm quá hấp dẫn dễ khiến ta phạm tội.
Thật sự là các ứng dụng, thiết bị công nghệ cao chỉ là những công cụ hỗ trợ cho con người, giúp họ làm việc nhanh và hiệu suất cao hơn. Không có cỗ máy nào có thể thay thế hoàn toàn con người trong việc chuyển ngữ, dịch thuật đâu. Bởi đơn giản là máy móc vẫn là máy móc.Bất luận thế nào, với sự trợ lực hữu hiệu của những công nghệ và thiết bị dịch thuật, chuyển ngữ, người ta giờ đây được giải thoát khỏi những rào cản ngôn ngữ sau khi Internet đã tạo ra một thế giới phẳng không còn bị giới hạn bởi các ranh giới quốc gia.
Một trong những rào cản cho việc phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam là thói quen thanh toán bằng tiền mặt.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet