Côn Đảo sắp vào Mùa Gió Chướng. Đây cũng là những ngày cuối của mùa rùa biển đẻ trứng (từ tháng 6 đến tháng 10) và cũng là thời kỳ những quả trứng rùa được ấp, giữ từ tháng 6, tháng 7 bừng nở để cho hàng vạn chú rùa con chào đời, rộn ràng trở về với biển...
Tôi "quyết tâm" rời thị trấn để đến hòn Bảy Cạnh – nơi có số lượng rùa biển (còn gọi là Vích) nhiều nhất cả nước.
Vừa đặt chân đến đảo, Hoàn, quê ở Nghệ An đã cười thật tươi: “Thầy đến vừa may, có một lũ Vích con đang nở”. Tôi lao đến: Trên mặt cát hơi trũng xuống thành một cái hố nhỏ, hàng chục chú Vích bé tí đang cố chuồi, đạp cát để ngoi lên mặt đất. Kỳ lạ, dường như trong gene di truyền từ sâu thẳm hàng triệu năm, tất cả chúng đều bò nhanh bằng những chiếc vây bé xíu hướng về phía biển. Hoàn giải thích cho tôi rằng trong cái hố cát ấp trứng sâu chừng 60 - 70cm, lũ Vích mới nở có lẽ “nghe” được tiếng sóng lớn nên khi con nước vừa lên, chúng như chỉ chờ có vậy để ngoi lên chào đời. Nếu gặp lúc nước xuống, lũ cua, kỳ đà núi, kên kên... đã chờ sẵn để xơi hết(!) Dĩ nhiên, sóng lớn cũng có cái hiểm nguy của nó: Cá nhám (loài cá mập nhỏ), rắn biển đang lượn lờ ngoài khơi, chực chờ những sinh vật bé bỏng, yếu ớt.
Hoàn lấy cái giỏ nhựa nhặt nhanh những chú Vích rồi tôi theo anh ra bãi biển thả chúng xuống mặt cát. Lũ Vích con tíu tít, chạy như bay trên cát để vài phút sau đã mất hút trong làn nước tím sẫm của hoàng hôn...
Nhìn, ngắm lũ rùa biển non lao mạnh bạo, không ngần ngại với nụ cười thích thú – như chẳng cần biết đến những thách thức, hiểm nguy, trong lòng tôi như mơ hồ có sóng cuộn những dứt day: Ừa nhỉ, chỉ mới mấy phút trước thôi, chúng vừa mới chào đời trong đơn côi, tăm tối, vậy mà giờ đây, sao có thể tự tin và vững vàng đến thế trước muôn đợt sóng dữ, sóng lừng?
Thiên nhiên kỳ diệu biết bao khi dạy cho con người vô số những bài học nhỏ mà một trong đó, lũ rùa biển non dại kia như “hiểu” thấu từng lời: Hãy tiến về phía trước, nơi thách thức luôn là cơ hội, nơi cuộc sống và sự may mắn chỉ đồng hành với lòng dũng cảm và khả năng “sống thoát” nếu ‘biết’ và vững tin vào bản lĩnh của chính mình...
Đêm xuống, Thành, một cán bộ kiểm lâm, thông báo với tôi rằng anh đi tuần và vừa phát hiện ra một con Vích mẹ, nặng chừng gần 1 tạ mới lên bờ, lát nữa nó sẽ đẻ. Cảm giác chờ Vích đẻ với các “bà đỡ” là những chàng trai trẻ thật khó tả.
Thế rồi, giây phút đó cũng tới. Tất cả chúng tôi tiến tới chỗ có quầng sáng nhờ nhờ từ chiếc đèn bấm đặc dụng. Trước đó, tôi được dặn là không bật đèn flash vì loài Vích dễ bị mù mắt. Thật tiếc vì hình ảnh sẽ kém chất lượng nhưng để bảo tồn loài sinh vật quý hiếm này, ai cũng phải chấp nhận một chút khó khăn. Tôi gần như nín thở khi chứng kiến một trong những phút giây kỳ diệu của thế giới động vật hoang dã: Trong lòng hố sâu được đào bởi hai cái vây trước, những quả trứng giống như những trái bóng bàn trắng tinh cứ từ từ, lấp lánh được rùa mẹ nhẹ nhàng “thả”xuống.
Bây giờ thì Thành lại khẽ khàng nhặt trứng cho vào giỏ, tất cả là 114 quả trứng. Tôi nhẹ chạm vào một quả: Nó mềm và nóng hổi. Chúng tôi quay về và Thành bắt đầu đào hố trong vườn ấp trứng. Vừa làm anh vừa cho tôi biết rằng, từ khi đem ấp, đến khi nở là 65 -70 ngày, tùy theo thời tiết.
Tôi đang suy nghĩ vẩn vơ thì Thành, Du, Ngọc rủ tôi đi coi... cua “xe tăng”. Ngay phía bên kia của đảo là hàng trăm con cua đá trên cạn,to lớn dềnh dàng, đêm xuống là rủ nhau bò khắp đảo để ăn lá, quả trong rừng nhiễm mặn. Trời, có lẽ đây là những con cua cạn lớn nhất mà tôi từng thấy: Chúng nghênh ngang bò trên con đường lát đá, chẳng hề sợ người. Chỉ có thế thôi là đủ để biết những cán bộ kiểm lâm trẻ ở đây chăm sóc, giữ gìn đàn cua chu đáo đến thế nào.
Rời Hòn Bảy Cạnh khi đã gần nửa đêm, tôi chợt nhận ra rằng vẫn có những điều tốt đẹp trên trái đất này. Côn Đảo từng là địa ngục trần gian trong suốt những năm 1862-1975, bây giờ là thiên đường thật sự với không khí trong lành, người dân dễ mến, quanh năm chẳng có vụ mất trộm, cướp bóc nào.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet