Nhập viện vì nhuộm tóc theo mốt
Nhìn diện mạo của chị Nguyễn Thị Liên ở Hà Nội tại Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai không ai ngờ thủ phạm gây bệnh chính là thuốc nhuộm tóc. Khuôn mặt của bệnh nhân sưng vù, da tấy đỏ, nhiều mụn li ti, da đầu lở loét, tóc bong tróc từng mảng ai cũng ái ngại.
Qua thăm khác bác sĩ cho biết bệnh nhân bị dị ứng thuốc nhuộm tóc. Do từng nhuộm tóc nhiều lần trong tháng, lại đi khám muộn nên tình trạng dị ứng của bệnh nhân khá nặng. Bác sĩ cảnh báo, chị Liên phải nhập viện điều trị gấp, thời gian điều trị rất lâu dài và tốn kém.
Trường hợp bệnh nhân Liên sau khi bị dị ứng thuốc nhuộm tóc.
Chia sẻ với phóng viên về vấn đề nhiều người, nhất là giới trẻ hiện nay lạm dụng thuốc nhuộm tóc, Ths.BS Trịnh Xuân Vinh – Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, bệnh viện thường xuyên phải tiếp nhận những trường hợp nhập viện do thuốc nhuộm tóc gây nên, đặc biệt có trường hợp còn bị biến chứng nguy hiểm không thể chữa khỏi.
Bạn Nguyễn Thị Hải An (23 tuổi, ở địa chỉ Đền Lừ - Hoàng Mai – Hà Nội) đến tái khám tại BV Da liễu Trung ương theo lịch hẹn của bác sĩ cho biết, dù “bị nạn” nhưng vẫn còn may mắn vì điều trị kịp thời. “Nếu không đi khám sớm, chắc giờ này em đã rụng hết tóc rồi”, bạn Hải An chia sẻ.
Hải An cho biết, bản thân nhuộm tóc từ khi học lớp 7 và thường xuyên thay đổi mốt, nhất là từ khi bắt đầu đi học đại học. “Có thời điểm, một tháng em nhuộm tóc đến 3 lần, thậm chí có những hôm em vừa nhuộm ngày thứ 6, đến thứ 2 đi học các bạn chê xấu, em về đi nhuộm kiểu khác luôn”, Hải An kể lại.
Thuốc nhuộm tóc ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người.
Chính việc đam mê nhuộm tóc của Hải An đã phải trả giá bằng căn bệnh viêm da tiếp xúc dị ứng. “Ban đầu em chỉ thấy ngứa, sau đó em thấy tóc rụng, khi nhờ mẹ vạch tóc ra xem thì da đầu đỏ hết, tóc chỉ giật nhẹ là rụng cả đám. Sợ quá mẹ bắt em cho đi khám ngay lập tức”, Hải An cho hay.
Thực tế, từ trước đến nay ngoài những ảnh hưởng đối với tóc và da đầu, thì không ít trường hợp còn bị phù mặt, sưng mắt vì tác dụng phụ của thuốc nhuộm tóc.
Nên thử phản ứng trước khi nhuộm
Từ những trường hợp trên, BS Vinh cho biết, tác hại của thuốc nhuộm tóc đối với người sử dụng chủ yếu là dùng quá liều, bị dị ứng với một chất nào đó có trong thuốc nhuộm tóc hoặc cũng có những trường hợp bị thuốc nhuộm tóc chảy xuống mặt và gây ra viêm da do tiếp xúc dị ứng.
“Những trường hợp đến khám và điều trị tại chỗ chúng tôi rất đa dạng, có trường hợp bị dị ứng khi nhuộm tóc ở tiệm, nhưng cũng có trường hợp bị “nạn” khi tự nhuộm tóc ở nhà.
Thậm chí có trường hợp còn tự pha chế, phối hợp các màu nhuộm với nhau sau đó cũng phải vào viện điều trị. Đa số những trường hợp bị kích ứng, viêm da tiếp xúc dị ứng khi đã đến viện thì đã nặng, nhiều trường hợp còn để lại di chứng nặng nề”, BS Vinh chia sẻ.
BS Trịnh Xuân Vinh cảnh báo trước khi nhuộm tóc tốt nhất nên thử phản ứng trước.
Theo các chuyên gia, tóc là một dạng protein hóa sừng, do vậy không thể nói chất nhuộm màu không gây hại cho tóc hay độc hại cho cơ thể. Thuốc nhuộm có thể gây dị ứng, rụng tóc, viêm da, nấm, thậm chí ngộ độc và ung thư…
Ví dụ như thuốc nhuộm tóc cho màu vĩnh viễn, đa số có chứa hoạt chất Paraphenylenediamin. Thực nghiệm cho thấy, nếu dính vào da mặt, da đầu trong khi nhuộm tóc, nó có thể gây kích ứng da, dị ứng và thậm chí ung thư da, ung thư vú. Hiện một số nước châu Âu đã cấm dùng paraphenylenediamin. Tại Mỹ, các chuyên gia y tế cũng đã chứng minh chất này gây dị ứng, chàm, hen, loét dạ dày, làm da mẩn đỏ, nhạy cảm với nắng và có thể gây tử vong nếu ngộ độc nặng.
Để tránh những hậu quả đáng tiếc do thuốc nhuộm tóc gây ra, các chuyên gia khuyến cáo, tốt nhất mọi người nên hạn chế nhuộm tóc, nếu bắt buộc phải nhuộm thì nên thử phản ứng trước. Khi nhuộm phải rất tỉ mỉ sao cho thuốc dính lên sợi tóc cách da đầu 1 -2 mm, tránh chạm vào da đầu.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet