Nội dung

Huỳnh Lợi: Lúc đầu tôi hơi "bị" mặc cảm

- Gia đình phản ứng thế nào khi anh đến với nghề trang điểm?

- Tôi đi theo nghề này, gia đình không đồng ý chút nào. Lúc đó, tôi đang học công nghệ thông tin nhưng thấy thích nghề này nên đã quyết định giấu gia đình để học.

- Động cơ nào khiến anh "lao đầu" vào nghề tô son quét phấn này?

- Lúc đầu nghĩ là nghề này dễ kiếm tiền nên lao vào hăng say lắm. Tôi đăng ký một lớp trang điểm, ở đó họ đào tạo để trở thành giáo viên. Trước đó, tôi đi làm chuyên viên kỹ thuật về vi tính cho một công ty của Nhật hơn 10 tháng. Kiếm đủ tiền để trang trải cho khóa học thì bỏ để tập trung vào học. 1 tháng rưỡi theo học là tôi đã tự tin để giảng dạy cho học sinh. Sau này, tôi thấy thực sự yêu nghề cuồng nhiệt, nó như ăn sâu vào máu của mình. Muốn được tiếp cận cái mới và được hành nghề chuyên nghiệp nên tôi đã quyết định đi học ở Thái Lan một thời gian khá dài.

- Anh đã học được gì từ lần du học đó?

- Thời điểm đó ở Việt Nam, học viên chỉ được học những bước cơ bản để "làm" mặt như trang điểm cô dâu là chính. Nhưng ở Thái Lan, tôi học ở trung tâm Fashion Plannet ngay thủ đô Bangkok. Phần nhiều giáo viên của họ được đào tạo chất lượng ở Mỹ, có những người đã cộng tác thường xuyên với kinh đô điện ảnh Hollywood. Họ chỉ cho mình biết make - chụp hình thì thế nào, lên sân khấu phải đánh thế nào và đánh mặt cô dâu thì phải làm sao... Tất cả đều được lý giải, đó là điều tôi thích nhất. Tôi vẫn mong muốn được đi học ở Mỹ, nhưng điều kiện chưa cho phép thì học ở Thái Lan cũng bằng lòng vậy.

- Vậy làm sao anh thuyết phục được gia đình ủng hộ để mở tiệm?

- Sau này, bố mẹ thấy đây cũng là một nghề hay và nghiêm túc nên đồng ý. Thực ra, gia đình chỉ đóng vai trò ủng hộ tinh thần là chính. Chứ toàn bộ kinh tế vẫn là do mình, vì tôi cũng có ý thức tự lập từ bé.

- Thực ra nghề này vẫn bị coi là có một thế giới riêng, rất dễ có cảm giác cô lập. Còn anh thì sao?

- Lúc đầu theo nghề này tôi hơi mặc cảm. Người ta vẫn có cái nhìn không mấy thiện cảm với những chàng trai tô son, vẽ phấn cho phụ nữ nên tôi luôn có ý thức giấu giếm. Nhưng giờ tôi có thể tự tin khoe rằng tôi làm nghề make-up.

- Anh thấy chuyên ngành công nghệ thông tin mà anh từng theo học giúp được gì cho nghề make-up?

- Tôi nghĩ những năm học đại học giúp tôi rất nhiều trong việc nhận thức xã hội cũng như phương pháp học. Còn đến với nghề make-up, tôi mới thực sự tìm đúng công việc mình yêu thích.

Angel Kiệt: Nếu đã coi thường thì không bao giờ họ chọn tôi

Chuyện của những đôi tay phù thủy
Ngọc Thuý qua "bàn tay phù thuỷ" của Angel Kiệt.
- Cơ duyên nào đưa anh đến với nghề trang điểm?

- Tôi đến với nghề này do một cơ duyên, bắt đầu bằng việc làm tóc, sau đó học chính sư phụ đó nghệ thuật trang điểm.

- Theo anh, nghề trang điểm ở Việt Nam bắt đầu thịnh hành từ khi nào?

- Khoảng những năm 1980. Thời kỳ đó, kinh tế cũng bắt đầu đỡ khó khăn, người ta nghĩ đến sắc vóc và chăm đến tiệm để chăm sóc sắc đẹp. Nhưng thường chỉ có những người có thu nhập cao. Thợ trang điểm lúc đó chủ yếu đánh mặt cho cô dâu là chính.

- Làm nghề này anh tìm thấy những niềm vui gì?

- Mỗi lần trang điểm cho một khuôn mặt và được khen đẹp. Như vậy không gì vui bằng.

- Còn nỗi buồn?

- Mỗi bộ sưu tập thực hiện xong được đăng trên báo thì lại thấy đề tên chuyên gia trang điểm khác. Chẳng hiểu sao nữa, chỉ thấy buồn.

- Bí quyết giữ khách hàng của anh là gì?

- Tôi luôn có ý thức lắng nghe và tôn trọng ý kiến của khách hàng.

- Giữa việc trang điểm cho một gương mặt đẹp và một gương mặt xấu, anh thích việc nào hơn?

- Niềm đam mê của nghệ thuật trang điểm là không phân biệt khuôn mặt xấu, đẹp. Với tôi, khuôn mặt càng xấu thì càng tạo độ "phiêu" cho tôi thể hiện... Qua bàn tay trang điểm của mình họ trở nên lộng lẫy và xinh đẹp, đó mới là thành công. Tất nhiên, không được biến họ thành một gương mặt khác hẳn, không phải là của họ.

- Anh trang điểm bao nhiêu gương mặt mỗi ngày?

- Tôi có một nguyên tắc là không làm quá 10 mặt mỗi ngày. Vì tôi cần thời gian để lấy lại cảm hứng. Mỗi gương mặt tôi cần 1 tiếng trang điểm và làm tóc mất 30 phút. Giá cả cũng tuỳ thuộc từ 400 nghìn cho đến 4 triệu đồng.

- Sao lại có cái giá ngất ngưởng 4 triệu đồng vậy?

- Đó là một khách hàng tận Biên Hoà, vì đi xa nên chi phí vận chuyển và công cả một ngày trời nữa.

- Ca sĩ, diễn viên, người mẫu... Mỗi đối tượng anh lấy giá ra sao?

- Cũng có khác. Có người tôi trang điểm gần như là không lấy tiền. Có người lại lấy rất rẻ. Khách hàng thường xuyên sẽ được ưu đãi.

- Anh thích trang điểm cho ai nhất trong giới nổi tiếng?

- Mỗi người có một điểm mạnh riêng để tôi khám phá. Hồ Quỳnh Hương có một đôi mắt rất đẹp, Thanh Lam có một gương mặt thật sự cá tính, Ngọc Thuý lại cuốn hút bởi đôi môi gợi cảm...

- Ai là người dám đưa gương mặt làm "chuột bạch" cho anh thử nghiệm?

- Đó là một người bạn rất tốt của tôi. Cô ấy không hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật nhưng lại rất ưa thích trang điểm. Cô ấy chấp nhận những thử nghiệm của tôi và mang đến những buổi dạ tiệc, những chuyến đi chơi...

- Anh có sợ người yêu anh coi thường nghề này?

- Nếu đã coi thường thì không bao giờ họ chọn tôi và đến với tôi.

Nguyễn Háo Mộng Hùng: Tôi vẫn có những người bạn rất thú vị cùng nghề

- Chuyện tranh chấp tên tuổi của Hùng với một chuyên gia make-up cùng tên giờ ra sao?

- Thực ra từ trước đến nay mọi người vẫn biết là tôi lấy nghệ danh Nguyễn Hùng. Từ năm 2000, có lúc tôi để là Nguyễn Háo Mộng Hùng, tên thật của tôi. Vì thế mới gây ra một sự hiểu lầm. Nhưng tôi rất khuyến khích những người cạnh tranh lành mạnh. Vì "thế giới này" có quá ít người nên ai cũng muốn làm "vua" và coi mình là giỏi nhất.

Chuyện của những đôi tay phù thủy

Nguyễn Hùng và Hồ Ngọc Hà.

-Nghề này không dễ gì tìm được bạn tâm giao. Còn anh thì sao?

- Tôi vẫn có những người bạn rất thú vị cùng nghề như Hoài Vũ, Văn Phước, Ghy. Chúng tôi là những người bạn ngoài công việc, có thể chia sẻ bí quyết và cả tình cảm cho nhau nữa.

Kenny Thái: Sống thật với mình thì không có gì phải hổ thẹn

- Vì sao anh lại rời Sài Gòn để chạy ra Bắc?

- Đơn giản là lúc đó tôi có ra Hà Nội chơi và thấy thích cuộc sống ở đây nên quyết định lập nghiệp. Và tôi cũng muốn hướng đến những khách hàng ở Hà Nội, động viên khuyến khích họ có thói quen đến chuyên gia trang điểm mỗi khi đi dự tiệc. Khách hàng ngoài Bắc rất khó tính nhưng tinh tế.

Chuyện của những đôi tay phù thủy

Kenny Thái và Ngọc Oanh.

- Khách hàng của anh có rất nhiều thành phần. Anh làm sao để đáp ứng được tất cả?

- Tôi phải điều tiết, ví dụ trang điểm cho một cuộc trình diễn thời trang thì mình phải nhìn bộ trang phục trước và làm mặt cho người mẫu phù hợp với ý đồ người thiết kế. Trang điểm cho cô dâu phải sang trọng và trẻ trung, tạo cho ngày quan trọng nhất cuộc đời người ta thực sự đẹp. Trang điểm cho ca sĩ lên sân khấu lại tạo hình khối cho gương mặt họ nổi bật khi ánh sáng chiếu vào.

- Trang điểm cho cánh đàn ông thì cần chú ý điều gì?

- Đàn ông cần sự đơn giản. Mình chỉ trang điểm làm sao để che bớt những khuyết điểm của họ. Chọn tất cả những tông màu hợp với màu da, môi, mắt của họ...

- Vào mùa cưới, có hôm anh trang điểm đến 30 gương mặt. Lịch trình những ngày đó của anh như thế nào?

- Tôi dậy từ 2 giờ sáng và làm đến tận 5-6 giờ chiều, có hôm không được nghỉ buổi trưa. Chính vì thế xong việc chỉ muốn nằm lịm đi trên giường. Mỗi gương mặt cô dâu tôi đánh chừng 40 phút, còn trang điểm cho ca sĩ thì cần đến 1 tiếng rưỡi. Mỗi gương mặt trị giá 200-400 nghìn đồng.

- Anh tổ chức một lớp đào tạo. Lớp học đó của anh hoạt động thế nào?

- Tôi dạy một lớp gồm 10 học sinh, mỗi khóa đào tạo 3 tháng ra có thể tự tin hành nghề được. Hết khóa học này tôi lại mở tiếp các khóa học khác. Quan điểm của tôi là dạy hết mình, chỉ sợ học sinh không tiếp thu hết những gì tôi chỉ bảo cho thôi. Hằng ngày tôi cũng phải trau dồi kiến thức, mẫu mã trang điểm mới cho chính mình bằng cách vào mạng và nhờ bạn bè mua những catalogue ở nước ngoài về.

- Anh cảm thấy thế nào khi có ý kiến cho rằng người đồng tính hay tham gia vào lĩnh vực này?

- Tôi hoàn toàn tự tin. Dù ở ngành nghề nào mình sống thật với con người mình, sống tốt với mọi người và xã hội thì không có gì phải hổ thẹn.

(Theo Người Đẹp)

 

Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet

Cùng chuyên mục

Sofia Bruscoli - người đẹp mê patin

Mê patin khi mới là đứa trẻ 5 tuổi, mười năm sau, cô gái miền nam Italy đã chinh phục môn patin nghệ thuật với chức vô địch châu Âu. 17 tuổi, Sofia Bruscoli đang là người mẫu chuyên nghiệp của Trung tâm thời trang cao cấp quốc tế. Cô cũng là ứng viên sáng giá cho vương miện Hoa hậu Thế giới 2005.

Xem thêm  

Khánh Trình vẫn mơ làm thày giáo

"Thỉnh thoảng trong lúc ngủ, tôi vẫn mơ đến giấc mơ giản dị ngày xưa. Khi ấy, tôi là một thày giáo dạy thể dục, hằng ngày đi xe đạp với tập giáo án để trên giỏ xe đến trường...", siêu mẫu nam tâm sự.

Xem thêm