Các “thần y” chữa bệnh bằng “hát” như cô Chanh ở Vĩnh Phúc thì vẫn tiếp tục thì đó là một sự thách thức đối với ngành y.
Cách đây mấy năm, một bà “thần y” ở tỉnh Thái Nguyên có cái cách chữa bệnh lạ đời là dùng chân đạp mạnh vào chỗ đau của người bệnh để chữa; một “bà thầy” khác ở tỉnh Quảng Trị thì thay vì đạp vào chỗ đau người bệnh, bà lầm rầm khấn vái rồi bất ngờ đấm một quả “thôi sơn” vào mặt người bệnh để “bệnh mau khỏi”(!); còn “thầy Búp” ở huyện Cần Giờ, TP.HCM thì chữa bệnh cho chị em bằng cách… vuốt đùi thật lâu!
Tất cả những “phương pháp điều trị” ấy, trò bịp ấy đã bị công an và chính quyền địa phương dẹp nhanh sau khi công luận lên tiếng. Những tưởng chuyện nhảm nhí như thế đã hết đất sống thì mới đây, tại xã Thanh Vân, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc lại xuất hiện một “thần y” mới mà theo lời đồn, có thể chữa được bệnh ung thư giai đoạn cuối bằng... hát và bắt tay.
Có bệnh thì vái tứ phương, nhưng một câu hỏi được đặt ra là, tại sao con người ta lại dễ tin vào một điều “khó tin” là chữa bệnh bằng hát đến vậy. (Ảnh minh hoạ)
Dĩ nhiên, có bệnh thì vái tứ phương, nhưng một câu hỏi được đặt ra là, tại sao con người ta lại dễ tin vào một điều “khó tin” là chữa bệnh bằng hát đến vậy? Mà không cứ gì hát, tất cả những trò đồng bóng của các “thần y” đều rất nhảm nhí nhưng người ta vẫn cứ tin. Vậy thì lý giải điều vô lý ấy như thế nào đây?
Trước hết, phải nói rằng, các “thần y” này không quát mắng và… gợi ý phong bì đối với bệnh nhân như một số cơ sở y tế mà báo chí và công luận từng phản ảnh, mà các “thầy” rất nhẹ nhàng từ bi hỷ xả, chỉ áp dụng phương pháp “chữa bệnh tùy tâm” mà thôi. Ai đến các cơ sở “đồng bóng này” để chữa bệnh cũng đều mang một chữ “tâm” rất thành kính nên chả ai quỵt tiền để được khám miễn phí dù người bệnh ấy có thể rất nghèo. Mỗi người bệnh bỏ ra chừng 200.000 đồng là “mua” một niềm tin, mà nếu không khỏi, chỉ mất có từng ấy tiền thì vẫn hơn là đến các cơ sở y tế của Nhà nước, vừa bị lườm nguýt (có thể) lại vừa phải móc hầu bao với một cái giá không hề rẻ so với mức thu nhập của người nghèo hiện nay. Trò đồng bóng cùng các phương pháp chữa bệnh của các “thầy” có đất sống và sống khỏe là vì thế.
Ngành y tế lâu nay vẫn “ca” bài ca y đức nhưng có ngấm vào các lương y ăn lương nhà nước hay không, lại là một chuyện khác. Còn các “thần y” chữa bệnh bằng “hát” như cô Chanh ở Vĩnh Phúc thì vẫn tiếp tục “ngấm” vào người bệnh dù chắc chắn là tiền mất tật mang. Nhưng sao trò hát chữa bệnh này vẫn tồn tại? Câu hỏi nhức nhối này chắc không khó để trả lời!
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet