Tôi rất lo lắng không biết chăm sóc cháu như thế nào. Vì tôi nghe nói vẫn có trẻ tử vong vì bị SXH. Mẹ chồng tôi cũng bắt cháu kiêng nước, kiêng gió, không cho tôi chạm nước vào người cháu. Vậy, chăm sóc như vậy có đúng không?
Trần Thị Dung (Gia Lai)
Người lớn hay trẻ nhỏ khi bị SXH, nếu không có biến chứng gì đều có thể chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, chị cũng phải biết cách chăm sóc trẻ cho đúng, để bệnh không trở nặng.
Khi sốt trẻ dễ bị mất nước, cùng với triệu chứng mệt mỏi, kém ăn, kém uống làm cho trẻ dễ thiếu nước thêm, vì vậy chúng ta nên chú ý cho trẻ uống thật nhiều nước. Trẻ dưới 5 tuổi có thể uống 0,5-1,5 lít nước. Trẻ hơn 5 tuổi nên dùng 2-2,5 lít nước mỗi ngày. Nếu trẻ sốt cao có thể bù điện giải bằng nước Osezol đúng liều lượng trên bao bì hướng dẫn. Chị cũng có thể bù thêm vitamin cho cháu bằng các nước hoa quả, cam, chanh, dừa...
Một trong những dấu hiệu để theo dõi xem bệnh SXH có trở nặng hay không là xuất huyết dạ dày, xuất huyết đường tiêu hóa. (Ảnh minh hoạ).
Để trẻ dễ tiêu hóa, chị cũng nên cho cháu ăn cơm nhão, cháo, súp hoặc thức ăn dễ tiêu, tránh những thức ăn có nhiều dầu mỡ, chất tanh, dễ gây đầy bụng, rối loạn tiêu hóa.
Một trong những dấu hiệu để theo dõi xem bệnh SXH có trở nặng hay không là xuất huyết dạ dày, xuất huyết đường tiêu hóa. Vì thế, để tránh việc trẻ nôn chớ hoặc đi ngoài ra phân đỏ, nâu, đen..., chị không nên cho cháu uống và ăn các loại nước, thực phẩm màu đỏ, nâu, đen như dưa hấu, rau dền, tiết lợn, tiết gà…
Để hạ sốt cho trẻ, chị nên sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Thông thường, thuốc dùng an toàn là Paracetamol. Tuyệt đối không dùng thuốc Aspirin vì có thể gây xuất huyết dạ dày, tăng nguy cơ chảy máu ở bệnh nhân SXH.
Dân gian kiêng gió, kiêng nước với các bệnh nhân là do sợ bệnh nhân đang bị sốt, ra gió, gặp nước, bị lạnh đột ngột, có thể gây cảm mạo, tai biến nặng thêm. Vì thế, chị nên cho cháu ở trong nhà, tránh các luồng gió lạnh. Có thể hạ sốt cho trẻ bằng cách lau người bằng nước ấm. Trẻ bị sốt dài ngày, cơ thể bị bẩn có thể gây ngứa ngáy nên cũng có thể lau người cho trẻ ở nơi ấm áp, kín gió.
Trẻ nhỏ nên có thể bị ngứa ngáy, hay gãi khiến các vết ban bị trầy xước, gây nhiễm trùng. Do đó, chị nên chú ý tránh để cho trẻ gãi mạnh. Tái khám cho trẻ nếu chị cảm thấy không yên tâm. Khi trẻ bị nôn ói nhiều, nằm li bì, nôn ra máu, đi ngoài ra phân đen, tay chân lạnh thì cần đưa trẻ đi bệnh viện ngay lập tức.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet