1. Xe số, xe côn tay hay xe ga?
- Xe ga:
Ưu điểm: cốp để đồ rộng, dễ điều khiển, ít bị vấy nước bẩn lên chân khi đi qua các vũng nước trên đường.
Nhược điểm: Sử dụng dây cu-roa và hộp số vô cấp nên khả năng leo đèo dốc khá yếu, người sử dụng không thể chủ động tăng giảm số của xe. Bảo dưỡng phức tạp hơn xe số, chi phí bảo dưỡng cao.
- Xe số:
Ưu điểm: có thể chủ động tăng giảm số khi cần thiết. Bảo dưỡng dễ dàng.
Nhược điểm: Đa số các xe số đều có cốp nhỏ, thiết kế dễ bị bắn bẩn hơn xe ga. Vì sử dụng điện bình nên đèn của xe số phụ thuộc vào ga, ga càng mạnh đèn càng sáng, trong khi xe tay ga thì đèn luôn sáng đều, ngay cả khi không nổ máy.
- Xe côn tay:
Ưu điểm: chủ động tăng giảm số và can thiệp vào ly hợp bằng tay côn, nhờ đó có thể thực hiện các kỹ thuật vê côn và ngắt côn trong khi chạy. Thật ra thì xe số cũng có thể ngắt côn bằng phương pháp dậm cần số, nhưng xét cho cùng thì kỹ thuật này chỉ mang đến cảm giác "phiêu" cho người lái chứ không có tác dụng gì nhiều, trong một số tình huống lại có thể gây nguy hiểm cho người lái.
Các dòng xe côn tay underbone như Exciter, FX, Raider... tương đối giống với xe số, chỉ khác là bộ ly hợp được đóng/ngắt bằng tay, trong khi dòng xe số thì chuyển số bằng chân, ly hợp tự đóng thông qua bộ nồi (côn) trước.
Một ưu điểm của dòng xe côn tay có bình xăng phía trước đó là khả năng chứa được rất nhiều xăng. Trung bình các xe motor có thể chứa được 7-12 lít xăng, đủ để có thể thực hiện một hành trình dài. Tuy vậy, với mức tiêu thụ xăng lớn hơn dòng xe số thì tính ra cũng tương đương nhau.
Nhược điểm: Dòng xe côn tay đa phần không có cốp hoặc cốp rất nhỏ. Do vậy để có thể đem được nhiều đồ thì bạn phải gắn thêm túi, hoặc bỏ vào balo và ràng ở phía sau xe. Ngoài ra, vì kỹ thuật lái phức tạp hơn 2 dòng xe kia nên nếu vì lý do gì đó mà bạn không thể lái xe được, trong khi bạn đồng hành của bạn chưa từng lái xe côn tay thì thật là thảm họa! Lúc ấy, có thể là người kia sẽ lái xe theo kiểu "giựt giựt", hoặc là bốc đầu xe cũng nên!
2. Honda, Yamaha hay Suzuki?
Dù thị trường có vài hãng xe khác, nhưng nhìn chung 3 hãng xe nói trên là 3 hãng chiếm thị phần nhiều nhất, với nhiều dòng xe phổ biến tại thị trường Việt Nam. Dưới đây là một số đánh giá của Quang về từng hãng:
Honda: Tiết kiệm nhiên liệu, phụ tùng rẻ và dễ kiếm, nếu không có phụ tùng hãng thì có thể sử dụng phụ tùng "hàng chợ".
Yamaha: Chạy bốc, tiêu thụ nhiên liệu hơi cao hơn so với Honda, phụ tùng khá mắc và chỉ có hàng hãng.
Suzuki: Chạy đầm, tiết kiệm nhiên liệu. Tuy nhiên phụ tùng mắc và nhiều khi không có hàng.
Nếu chỉ xét về độ phổ biến của phụ tùng thì Honda là sự lựa chọn hàng đầu cho bạn, Yamaha xếp tiếp theo, và cuối cùng là Suzuki.
3. Những chiếc xe cổ, motor xịn?
Quang đã từng thấy nhiều đoàn đi phượt bằng xe Minsk, Honda 67, Vespa..v..v... Những chiếc xe này có thể gọi là xe "ông cụ" bởi tuổi đời khá cao của chúng. Già cỗi như vậy nên dù cho chúng có được tân trang đến mức nào thì chúng vẫn không tránh khỏi hỏng hóc trên đường đi. Vì xe hiếm, xe cổ nên phụ tùng thay thế rất hiếm, và nhiều trường hợp đã phải khóc tiếng Mán giữa đường phượt bởi không thể sửa được. Vậy nên bạn mới thấy những đoàn xe Minsk bao giờ cũng có một xe chở theo thùng đồ nghề là vì vậy.
Với những dòng xe motor, bạn có thể nghĩ rằng xe motor mắc tiền thì đi phượt sướng lắm, chẳng lo hỏng hóc. Thật ra thì motor cũng hỏng, và khi motor đã hỏng thì ... "cười ra nước mắt" luôn, bởi vì thợ dọc đường không đủ trình độ sửa motor, đồng thời phụ tùng cho motor rất ít chỗ bán. Có lần, một chiếc CBR600 trong một đoàn motor xuyên Việt bị ... đứt xích, báo hại cả đoàn phải ở lại Quảng Bình 1 ngày để chờ sợi xích được gửi hỏa tốc từ Sài Gòn ra!
4. Chọn xe nào?
Tùy theo sở thích và nhu cầu mà bạn có thể chọn ra chiếc xe phù hợp cho bạn, miến là chiếc xe đó đang trong tình trạng hoạt động tốt, được bạn bảo dưỡng kỹ lưỡng trước mỗi chuyến đi là được.
Thật ra thì chính những dòng xe phổ thông, dễ chạy dễ sửa như Dream, Wave, Sirius, Future, Viva... lại chính là những chiếc xe đi phượt tốt nhất. Bởi vì nếu có hỏng hóc thì bạn rất dễ tự sửa hoặc kiếm chỗ sửa giúp, đồng thời nếu xế không thể lái được thì ôm có thể lái phụ. Ngoài ra, những chiếc xe này có mức "ăn uống" xăng vừa phải, nên sẽ giúp bạn tiết kiệm chi phí.
Tóm lại, dù chiến mã của bạn là gì, hãy bảo dưỡng nó kỹ lưỡng trước mỗi chuyến đi và tận hưởng hành trình của bạn. Quan trọng là bạn đang đi và cảm thấy thế nào chứ không phải là bạn đang đi bằng cái gì..!!
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet