Độc giả Nguyễn Văn chia sẻ với VnExpress về một lần bã xã anh bị thủng săm khi qua ngã 5 Nguyễn Lương Bằng - Khâm Thiên - Kim Liên (Hà Nội) lúc 10 giờ đêm. Thợ kêu thay săm. Xong đâu đấy thì xe không đề, không nổ. Anh thợ bảo thay IC. Vợ anh không chịu và gọi chồng tới đón. Hôm sau mang ra hiệu gần nhà phát hiện dây điện phía sau yếm bị rút ra. Chỉ cần cắm vào là xe nổ máy như thường.
Vị trí ốc bưởng trên xe Honda Dream. |
Tiến Trung, sinh viên Đại học Bách Khoa cũng gặp tình huống tương tự. Từ việc lốp non hơi, mang vào tiệm thành nặng tới mức "gãy trục số" với cái giá 2 triệu đồng. "Sinh viên năm 2 nên mới nghe tôi chết đứng người vì trong túi chỉ còn 15.000 đồng. Gọi điện về quê cho bố, bố biết bị lừa nhưng nước xa không cứu được lửa gần, đành thuyết phục qua điện thoại cho họ 200.000 đồng", Trung chia sẻ.
Trường hợp của Trung tương tự như anh Hà Văn Kiên đã gặp khi vô tình vào bơm xe tại một quán trên đường Nguyễn Lương Bằng (Hà Nội). Người sửa "tranh thủ" lúc chủ xe không để ý chỉnh lại ốc bưởng làm côn không ăn nên xe đứng im dù vào số và nổ bình thường.
Trên Quốc lộ 1 từ TP HCM đi Vũng Tàu, nhiều người gặp tình trạng xe bị cháy IC khi vào sửa, dù sự cố ban đầu chỉ là thủng săm. "Không biết họ làm thế nào mà tôi ngồi ngay cạnh quan sát nhưng cuối cùng IC vẫn cháy. Họ thay hàng Trung Quốc mà tới mấy trăm ngàn. Về thành phố tôi lại phải mua đồ chính hãng lắp vào", độc giả Minh Tâm viết cho VnExpress.
Anh Hưng, thợ sửa xe lâu năm của Head Thắng Lợi cho biết những thợ gian có rất nhiều mánh. Họ cố tình phá xe nhưng đôi khi chỉ tạo ra dấu hiệu bất thường nhằm hù dọa. Chẳng hạn một vị khách dựng xe vào mua hàng trên đường Phố Huế (Hà Nội). Lúc quay ra có người báo giảm xóc sau chảy dầu và nhiệt tình chỉ dẫn. Vị khách không ngần ngại nhờ "sửa hộ" mà không biết rằng dầu đó do chính anh ta đổ vào.
Về hiện tượng chết IC, anh Thái Minh Tuấn, giám đốc công ty Microtech, cho biết xe bị thợ "luộc" kiểu đó chủ yếu là Yamaha. Trên hầu hết xe máy, từ máy phát có ít nhất 4 dây ra gồm dây kích (xác định vị trí pít-tông), dây lửa cung cấp điện cho hệ thống, dây sạc ác-quy và dây mát. Trên Yamaha cụm dây này có một đoạn hở ra ngoài. Thợ lợi dụng lúc khách sơ ý làm đứt dây mát hoặc dây kích làm xe không nổ máy, rồi đổ cho hỏng IC.
Dây đai xe tay ga sẽ bị nứt nếu như bị gấp ngược (mặt răng hướng ra ngoài). |
Giải pháp
Khi gặp sự cố trên đường, nếu có cơ hội lựa chọn cần tìm những cửa hàng lớn, nhiều khách sửa chữa, hạn chế dắt xe vào cửa hàng dựng tạm. Khi sửa chữa ở cửa hàng lạ mà xe xuất hiện dấu hiệu bất thường chủ xe không nên cho thợ mở máy bởi họ càng mở sẽ càng thêm bệnh.
"Nếu thấy nghi ngờ, bạn nên gọi người tới giúp và tìm cách đưa xe về nơi uy tín. Trong trường hợp đêm khuya, xa nhà không tìm được ai thì phải mặc cả giá trước", độc giả Mạnh Quang chia sẻ.
Hiện nay người đi xe máy thường chủ quan, cho rằng chi phí sửa chữa thấp nên không để ý thợ làm gì. Họ ngồi đọc báo, nghe điện thoại, vào mạng nên thợ nói gì cũng tin, bởi không có bằng chứng đối chất.
Thói quen "đi xe tới khi hỏng" cũng tạo điều kiện cho thợ móc túi. Từ lỗi đơn giản sẽ sinh ra bệnh mới. Ví như không thay dầu thường xuyên sẽ dẫn tới máy yếu, bị khói. Thợ căn cứ vào đó bắt thêm bệnh mòn séc-măng, mòn su-páp, hỏng đầu bò khiến tiền sửa chữa lên tới hàng triệu đồng.
Vì vậy, khách hàng nên tuân thủ đúng quy định về bảo hành bảo dưỡng, thay dầu máy và dầu trục láp đúng hạn. Với xe tay ga cần kiểm tra nước làm mát và xúc rửa lọc gió thường xuyên. Bơm tại các hiệu uy tín ngay khi lốp có dấu hiệu non hơi. Bảo dưỡng tổng thể xe theo khuyến nghị của hãng in trong sổ bảo hành.
"Nếu hiểu về xe, chăm sóc tốt thì xác suất hỏng hóc giữa đường là rất thấp. Khi đó không ai có cơ hội lừa chúng ta. Sau mỗi bài học, người chủ phải thay đổi cách nhìn nhận với phương tiện mà mình đang đi. Không có gì tốt hơn phòng bệnh", Nguyễn Sơn, người thợ có 15 năm trong nghề trên đường Lạc Long Quân (Hà Nội) nói.
Thế Hoàng
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet