Đầu năm 2011, một chiếc Honda Air Blade bỗng dưng bốc cháy khi đang chạy trên đường Phạm Văn Đồng, Hà Nội. Nửa tháng sau, Honda Spacy 125 bị ngọn lửa thiêu rụi khi đang cùng chủ nhân đi trên quốc lộ 1A (huyện Châu Thành, Tiền Giang). Đến tháng 8, thiếu nữ điều khiển chiếc Air Blade tại khu vực phương An Phú Đông (quận 12, TP HCM) chỉ biết xe mình cháy khi nghe người dân bên đường hô hoán. Giữa tháng 10 lực lượng cứu hỏa TP Vinh (Nghệ An) được huy động tới hiện trường vụ chiếc Honda Lead bốc cháy khi vừa nổ máy trên đường Lê Lợi.
Xe Attila bốc cháy trên cầu Chương Dương. Ảnh: Việt Dương. |
Đỉnh điểm là vụ nổ xe Honda Dream ở Quế Võ (Bắc Ninh) sáng 1/12/2011 làm một phụ nữ mang thai tử vong, cháu bé 4 tuổi bị thương nặng. Theo sau sự kiện đó là hơn 10 vụ cháy cả ôtô và xe máy cho tháng 12, một tần suất chưa từng được ghi nhận trước đó.
Vào lúc mà phần lớn các vụ cháy nổ đều dính tới Honda, câu hỏi lớn là về chất lượng của hãng xe Nhật Bản. Người tiêu dùng nghi ngờ, mất niềm tin và phản ứng bằng cách tìm kiếm dòng xe khác. Honda, lần đầu tiên trong lịch sử có mặt ở Việt Nam, thể hiện lo lắng khi phát đi liên tiếp các thông cáo khẳng định các vụ cháy không liên quan gì tới chất lượng.
Ngược với số lượng thông cáo của Honda là sự im lặng của các cơ quan chức năng. Công an cho rằng không có trách nhiệm điều tra nguyên nhân cháy, do không được yêu cầu từ chủ xe. Cục đăng kiểm thì không có trách nhiệm với những xe đang lưu hành. Rút cục người dân tự đưa ra những lý giải cho riêng mình. Có thể do xe? Do xăng? Do chuột cắn? Do không bảo dưỡng? và có cả ý kiến do bão từ.
Nhưng nhiệt tình phỏng đoán đến đâu thì người dân cũng không thể ngăn cản xe tự cháy. Khác với trước, diễn biến tiếp theo có lợi cho Honda. Chiếc Yamaha Luvias cháy ngùn ngụt giữa phố Sài Gòn kéo theo nó những nghi ngờ về chất lượng Honda. Hãng xe máy số 1 Việt Nam còn được "giải oan" thêm nhiều lần khi cả xế hộp như Chevrolet Lacetti, Kia Morning, Ford Escape cháy theo.
Nguyên nhân nhà sản xuất bị loại trừ. Nguyên nhân chuột cũng khó thuyết phục bởi các năm trước sao chuột không cắn dây dẫn nhiên liệu. Vì lý gì mà chúng bỗng dưng "nổi loạn" vào cuối 2011? Chỉ còn mắt xích là xăng, sản phẩm vốn gặp nhiều tiếng xấu như gian lận chất lượng; pha chất aceton từng một thời làm điêu đứng nhiều chủ xe ở TP HCM; "trộn" cả với nước để bán cho khách hàng.
Một chuyên gia hóa dầu, từng làm việc 10 năm trong ngành công nghiệp ôtô Đức nhận định với VnExpress: "Nhiên liệu ở Việt Nam là từ nên cho vào nháy nháy". Ông ám chỉ cách quản lý lỏng lẻo, thiếu tính khoa học, đồng nhất đã tạo điều kiện cho gian thương biến đổi tính chất của xăng đi rất nhiều. Chất methanol bị cấm sử dụng ở nhiều nước nhưng theo ông nó vẫn được pha vào xăng ở Việt Nam với tỷ lệ cao.
Vài ngày sau khi truyền thông nhắm vào xăng, Tổng cục đo lường chất lượng công bố một cây xăng ở Cầu Giấy (Hà Nội) có chất methanol chiếm 15,3% thể tích. Tỷ lệ này rất cao bởi nó làm hàm lượng oxygenate trong xăng tăng lên thành 8,8% gấp 3 lần tiêu chuẩn.
Phát hiện ra methanol thì câu hỏi "Tại sao xe cháy?" vẫn còn bỏ ngỏ. Bởi chưa có cơ sở nào chứng minh methanol dẫn tới cháy. Liên minh 15 hãng ôtô ở Bắc Mỹ ra bản tuyên bố không đồng ý pha methanol vào xăng, với lý do gây ăn mòn động cơ và hủy hoại các chất đàn hồi của hệ thống nhiên liệu. Nhưng không có chi tiết nào đề cập hiện tượng cháy.
Báo Thanh niên có phóng sự điều tra về hiện tượng pha chế để "rút ruột" xăng dầu. Nhưng cũng như phát hiện methanol, không thể kết luận ngay rằng các chất được thêm vào đó là nguyên nhân gây cháy.
Khi hiện tượng xe cháy không có dấu hiệu dừng lại, Bộ Giao thông Vận tải lên tiếng nhận trách nhiệm về các vụ cháy. Bộ Công thương cũng tuyên bố chịu một phần trách nhiệm nếu cháy do xăng. Bộ Khoa học Công nghệ vừa mở đợt kiểm tra quy mô lớn với hơn 3.000 mẫu xăng.
Tuy nhiên, câu trả lời cuối cùng được dự báo sẽ còn dài. Một kỹ sư công tác tại liên doanh ôtô Nhật cho rằng các cơ quan phải phối hợp tổng thể, xuyên suốt mới có thể tìm ra nguyên nhân thật sự. Nếu do methanol hay các phụ gia khác trong xăng thì phải nghiên cứu xem chúng tác động tới hệ thống nhiên liệu như thế nào. Trên cơ sở đó cộng với những yếu tố riêng biệt của Việt Nam như độ ẩm cao, chuột thích làm tổ vào mùa đông, bụi bẩn nhiều và thói quen ít chăm sóc xe.
"Nếu mỗi cơ quan tìm hiểu theo hướng của riêng mình, không kết hợp thì rất có thể chúng ta sẽ nhận được câu trả lời: Chẳng do gì cả. Lúc đó chỉ còn mỗi nguyên nhân do...lửa", ông nói.
Minh Thủy - Trọng Nghiệp
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet