Apple vừa bán ra một số thị trường toàn cầu bộ đôi iPhone 6 và iPhone 6 Plus. Máy hiện chưa được bán chính thức ở thị trường Việt Nam nhưng hàng xách tay thì đã tràn ngập, và là sản phẩm xách tay hot trong gần hai tuần qua. Chiếc iPhone 6 chúng tôi sử dụng trong bài viết này lấy từ hệ thống Hoàng Hà Mobile và là máy xách tay từ thị trường Úc.
Ở khía cạnh phần cứng, nâng cấp lớn nhất của iPhone 6 là kích cỡ màn hình tăng lên 4.7 inch, viên pin lớn hơn và hỗ trợ NFC. Các yếu tố khác như sức mạnh xử lý cũng được cải thiện nhẹ, ví dụ CPU hai lõi được nâng xung nhịp lên 1.4GHz so với 1.3GHz trên iPhone 5s. Tuy vậy, trải nghiệm thực tế trên iPhone 6 vẫn rất ấn tượng.
Dùng thực tế mượt, đo điểm hiệu năng cũng ngất ngưởng
Chưa bao giờ Apple gây thất vọng về hiệu năng trên những chiếc iPhone và iPad thế hệ mới và với iPhone 6 thì điều này cũng không phải là một ngoại lệ. Khi sử dụng trong thực tế, iPhone 6 hoạt động trơn tru với các thao tác từ cơ bản (mở các ứng dụng nhắn tin, gọi điện, mail, duyệt web, máy ảnh…) đến nâng cao hơn như chuyển đổi đa nhiệm hay chạy các ứng dụng nặng.
Khi lướt web, chúng tôi đã thử mở đến hơn 10 tab trong trình duyệt Safari thì việc chuyển đổi qua lại giữa các tab vẫn rất mượt. Thậm chí cả khi bật các game hạng nặng là Asphalt 8 Airborne (phiên bản 1.6.1 được thiết kế riêng cho kiến trúc đồ họa Metal trên iPhone 6/6 Plus) và Assassin's Creed Pirates (game thủy chiến với đồ họa khá nặng với nhiều hiệu ứng ánh sáng, đổ bóng, cháy nổ phức tạp) cùng một số tựa game khác rồi chuyển đổi qua lại giữa các tựa game này, hay trở lại Safari để duyệt web thì iPhone 6 vẫn không hề tỏ ra nao núng và đáp ứng gần như ngay lập tức không có độ trễ.
Nói một cách khác là iPhone 6 chạy mượt, kể cả khi chạy đa nhiệm hoặc mở những ứng dụng nặng. Không chỉ ấn tượng ở trải nghiệm thực tế, iPhone 6 cũng xếp đầu bảng trên các phần mềm đo hiệu năng ở cả sức mạnh tính toán (CPU) và sức mạnh đồ họa (GPU).
Antutu là phần mềm đa nền tảng dùng để đánh giá hiệu năng tổng thể của thiết bị di động.
Trên phần mềm đo hiệu năng tổng thể của thiết bị là Antutu, trong 8 lần chúng tôi đo thử thì điểm hiệu năng của iPhone 6 luôn dao động ở mức từ 48.000 điểm trở lên, cá biệt có lúc cao nhất lên tới 54.455 điểm, cao hơn tất cả các smartphone Android đầu bảng hiện nay như Galaxy S5 và HTC One M8 sử dụng bộ vi xử lý Qualcomm Snapdragon 801 lõi tứ, với tốc độ tới 2.5GHz và RAM 2GB.
Điểm GeekBench 3 đánh giá về sức mạnh xử lý của CPU.
Điểm đánh giá bằng phần mềm GeekBench 3 của iPhone 6 cũng cao nhất nhì hiện nay, với 1618 điểm khi chạy một nhân CPU, chỉ xếp sau chiếc iPhone 6 Plus và đạt 2913 điểm khi cho chạy hết 2 nhân CPU, cũng chỉ kém một chút so với chiếc Motorola Moto X 2014 (2926 điểm). Điểm Geekbench 3 là thước đo đánh giá tốc độ tính toán của CPU kết hợp với những mô phỏng hiệu năng thực tế.
GFX Bench đánh giá về sức mạnh xử lý đồ họa (GPU).
Trên phần mềm đánh giá sức mạnh xử lý đồ họa GFX Bench, iPhone 6 đạt 1947 điểm, vượt cả cỗ máy chơi game di động Nvidia Shield Tablet và cả những card đồ họa trên laptop như Geforce GT 525M hay AMD Radeon 8750M.
Tại sao cấu hình của iPhone 6 bình thường mà chạy mượt như vậy?
Cấu hình của iPhone 6: CPU lõi kép 1.4GHz, RAM 1GB.
Nếu so hiệu năng của iPhone 6 với cấu hình của máy thì chắc hẳn bạn sẽ bất ngờ. Theo số liệu của phần mềm Geekbench 3, iPhone 6 sở hữu cấu hình rất thấp so với các máy Android cao cấp. Cụ thể, máy sử dụng bộ vi xử lý (CPU) lõi kép 1.4GHz và bộ nhớ RAM chỉ có 1GB, nâng cấp rất ít so với iPhone 5s (CPU lõi kép 1.3GHz, 1GB RAM). Trong khi đó, các đối thủ Android của Apple hiện nay đều chạy bộ vi xử lý Snapdragon 801 lõi tứ với tốc độ xung nhịp tới 2.5GHz hoặc tám lõi và RAM phổ biến từ 2-3GB. Tại sao với cấu hình vậy mà iPhone 6 vẫn chạy mượt và điểm hiệu năng cũng cao ngất ngưởng?
Đầu tiên, cần nhớ rằng Apple là nhà sản xuất điện thoại duy nhất hiện nay kiểm soát được cả 3 yếu tố tác động đến trải nghiệm của điện thoại: phần cứng, nền tảng hệ điều hành (iOS) và hệ sinh thái ứng dụng. Từ đó Apple có thể tối ưu tài nguyên hệ thống cho các ứng dụng một cách hiệu quả nhất đối với cả phần cứng, tập lệnh điều khiển và phần ứng dụng. Chẳng hạn, do kiểm soát hoàn toàn iOS, Apple có thể lập trình để ưu tiên các ứng dụng quan trọng khi cần sẽ sử dụng bộ nhớ tạm của CPU, thay vì phải sử dụng RAM của hệ thống có tốc độ chậm hơn.
Hai nữa là phần cứng của iPhone thực chất không phải là yếu. Nó tích hợp CPU 64-bit lõi kép 1.4GHz, cao hơn 100MHz so với iPhone 5s và GPU lõi tứ PowerVR GX6450, thế hệ mới so với GPU của iPhone 5s (PowerVR GX6430). Về thông số thì vi xử lý và RAM của iPhone thấp hơn các điện thoại Android, nhưng sự so sánh này không có nhiều ý nghĩa khi vi xử lý Apple A8 do Apple thiết kế và tối ưu. Thực chất các thông số bên trong của vi xử lý như số đơn vị xử lý, khả năng xử lý lệnh đồng thời, độ rộng dòng lệnh, bộ nhớ đệm... của Apple A8 đều rất cao so với các CPU trên điện thoại, và đây mới là yếu tố quyết định hiệu năng xử lý của máy.
Ngoài ra, bên trong SoC của Apple còn tích hợp bộ vi xử hình ảnh riêng, bộ nhớ cache, bộ vi xử lý chuyển động M8, buffer... và những thông số này không được Apple công bố. Đó có thể là bí quyết riêng tạo nên sức mạnh của SoC Apple A8.
Còn ở khía cạnh ứng dụng, phương thức quản lý của Apple cũng có những khác biệt so với Android, giúp trải nghiệm ứng dụng trên nền tảng iOS tối ưu tốt hơn.
Yếu tố đầu tiên cần đề cập là cách thức duyệt ứng dụng gửi lên kho. Apple quản lý chặt chẽ các phần mềm đẩy lên kho ứng dụng App Store và yêu cầu các ứng dụng phải đạt được các tiêu chí nhất định về độ tối ưu, trong khi Android gần như không quản lý gì ai đẩy lên cũng được nên có thể để lọt những ứng dụng tốn pin và chạy chậm lên kho.
Hai là, với các ứng dụng cơ bản, iPhone hầu như chỉ chạy phần mềm của Apple và trên iOS 8 gần đây mới mở một số ứng dụng cho bên thứ ba như bàn phím ảo, còn Android thì chạy cả phần mềm của Google và các bên thứ ba. Chẳng hạn, chiếc Galaxy Note 3 vốn khi bật lên đã phải chạy cả đống phần mềm của Google (Google Service, Map, Google Play Store, Gmail, Youtube...), thêm vào đó còn phải kiêm cả một lô phần mềm của Samsung (như S-Pen, S-Note, S-Memo, S Finder, Screen Write, Scrap Booker...). Cả hai loại phần mềm này đều chạy ngầm ngay khi mở máy, để xóa thì người dùng phải can thiệp sâu vào hệ thống (root máy). Hơn nữa, các nhà sản xuất điện thoại cho Android như Samsung, HTC hay LG tham gia tùy chỉnh rất sâu vào nền tảng Android, bởi vậy nếu các nhà phát triển không có chuyên môn sâu cũng là nguy cơ làm ảnh hưởng đến Android ở khía cạnh hiệu năng.
Cách quản lý đa nhiệm trên iOS cũng giúp iPhone tiết kiệm tài nguyên xử lý hơn. Trên iOS, khi bấm nút Home để trở về màn hình chính thì các ứng dụng đang hoạt động sẽ trở về trạng thái chờ (không hoạt động). Và khi bấm nút Home hai lần để hiển thị danh sách phần mềm thì các phần mềm đó chỉ đơn thuần là các phần mềm mới mở gần đây, chứ không phải là các phần mềm đang chạy. Trong khi đó trên Android, khi ứng dụng đang chạy mà nhấn nút Home để trở về màn hình chính thì các ứng dụng đang chạy vẫn có thể chạy ngầm một số tiến trình. Theo logic, khi Android cho phép nhiều ứng dụng chạy cùng lúc như vậy thì tài nguyên (RAM và bộ vi xử lý) sẽ phải ngốn nhiều hơn so với iOS.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet