Cáp quang biển đang gặp sự cố, internet quốc tế bị ảnh hưởng.
Theo thông báo mới nhất của đơn vị điều hành tuyến cáp quang biển AAG, sự cố xảy ra với tuyến cáp quang AAG vào tối 18.2 được xác định là do đứt cáp ở đoạn cập bờ Hồng Kông (một trong các hướng kết nối internet quốc tế của Việt Nam). Sau khi xác định được vị trí cáp bị đứt, đơn vị này đã lên kế hoạch hàn cáp với thời gian hoàn thành là hơn 1 tháng nữa.
Cụ thể, dự kiến tàu sửa chữa sẽ di chuyển đến điểm gặp sự cố vào ngày 23.3. Sau đó, mối hàn đầu tiên sẽ hoàn thành vào ngày 25.3, còn mối hàn cuối cùng sẽ hoàn thành lúc 21h ngày 27.3. Hoàn thành công đoạn hàn cáp, đơn vị quản lý cáp AAG còn phải kiểm tra độ ổn định rồi chôn cáp.
Trước đó, các sự cố liên quan tới cáp quang AAG thường là bị đứt cáp hoặc bị rò điện. Thời gian sửa chữa thường kéo dài từ ít nhất 2 tuần tới gần 1 tháng và phụ thuộc vào điều kiện thời tiết trên biển. Tuy nhiên, thời gian xử lý sự cố trong đợt này kéo dài hơn thường lệ.
So với những lần đứt cáp AAG trước kia, sự cố lần này không quá lớn, bởi nhiều nhà mạng tại Việt Nam đã bổ sung thêm đường truyền qua tuyến cáp APG vừa mới đưa vào hoạt động hồi cuối năm 2016. Mặc dù vậy, vào một số lúc cao điểm, việc truy cập internet quốc tế của người dùng có thể bị ảnh hưởng một cách rõ rệt, và mức độ ảnh hưởng phụ thuộc vào khả năng ứng phó, dự phòng của từng nhà cung cấp dịch vụ internet.
Cách đây hơn một tháng, vào 9h sáng ngày 8.1, tuyến cáp AAG cũng đã gặp sự cố rò điện khiến sụt nguồn, hệ thống phải được sửa chữa, bảo trì. Sự cố đứt cáp AAG vào ngày 18.2 vừa qua là lần thứ 2 tuyến cáp này gặp sự cố trong năm 2017.
Tuyến cáp quang biển AAG được khánh thành và đưa vào sử dụng từ tháng 11.2009, có tổng chiều dài hơn 20.000Km, dung lượng thiết kế đạt 2Tbps, kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ qua nhiều định tuyến khác nhau.
Trong khi đó, APG là tuyến cáp biển sử dụng công nghệ 40Gbps/1 bước sóng (có khả năng chuyển lên công nghệ 100Gbps/1 bước sóng), giúp kết nối trực tiếp các nước châu Á - Thái Bình Dương các nước Mỹ, Úc, Ấn Độ, châu Phi với dung lượng lớn. Tuyến cáp này có tổng chiều dài khoảng 10.400Km, cung cấp băng thông lên tới 54Tbps và tốc độ truy cập internet nhanh hơn khoảng gần 20 lần so với AAG.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet