Con giảm thị lực, mắt mờ dần, cha mẹ nên đưa đến bác sĩ ngay lập tức vì đây là những dấu hiệu cho thấy bệnh tăng nhãn áp đã bắt đầu trở nặng. Theo Foxnews, có nhiều nguyên nhân gây ra các bệnh về mắt, thậm chí dẫn đến mù lòa ở trẻ em nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Trong số đó, tăng nhãn áp là nguyên nhân phổ biến, xảy ra khi áp lực trong mắt tăng cao, gây tổn thương các dây thần kinh thị giác. Một số nguy cơ khác bao gồm lác, giảm thị lực ở một hoặc hai mắt. Nếu không được điều trị kịp thời, các bệnh kể trên về lâu dài sẽ dẫn đến vấn đề thị lực nghiêm trọng, cản trở sự phát triển của mắt, ảnh hưởng xấu đến hoạt động xã hội và học tập.
Theo tiến sĩ Sherya Prabhu, trợ lý giáo sư nhãn khoa lâm sàng tại trường đại học Y Icahn tại Mount Sinai, New York, cha mẹ cần phải lưu ý những dấu hiệu sau đây để việc phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh về mắt ở trẻ:
Những triệu chứng và dấu hiệu thông thường
Bệnh tăng nhãn áp ở trẻ sơ sinh sẽ xuất hiện triệu chứng rõ ràng trong vài tháng đầu sau khi sinh. “Trẻ dường như không muốn mở mắt ngoài ánh sáng, đôi mắt giống như bị một lớp mây mờ bao phủ và thường đẫm lệ”, tiến sĩ Sherya phát biểu. Một số trẻ khác còn có triệu chứng giác mạc mở rộng, hoặc mắt to bất thường. Trong trường hợp này, cha mẹ nên đem bé đến bác sĩ nhi khoa để kiểm tra.
Tuy nhiên, đối với trẻ vị thành niên, bệnh tăng nhãn áp thường không có triệu chứng cụ thể. Các trường hợp này chỉ được phát hiện khi trẻ đi khám mắt định kỳ. Nếu thấy con than thở về tình trạng giảm thị lực, mắt mờ dần, cha mẹ nên đưa trẻ đến bác sĩ ngay lập tức vì đây là những dấu hiệu cho thấy bệnh tăng nhãn áp đã bắt đầu trở nặng.
Các bệnh về mắt khác như mắt lác có dấu hiệu rõ ràng hơn. Tuy nhiên, triệu chứng thị lực kém không thể xác định bằng mắt thường, mà chỉ có thể khẳng định sau khi bác sĩ kiểm tra mắt.
Lợi ích khi phát hiện và điều trị kịp thời các vấn đề thị lực ở trẻ
Cha mẹ được khuyên nên đưa con đi khám mắt định kỳ tại các bệnh viện nhi khoa hoặc phòng khám mắt. Phát hiện sớm các vấn đề mắt có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo vệ thị lực cũng như chất lượng cuộc sống của trẻ. “Bệnh tăng nhãn áp bẩm sinh có thể khiến trẻ mất thị lực nếu không được điều trị sớm. Càng chẩn đoán muộn, thương tổn càng nhiều hơn”, tiến sĩ Prabhu cảnh báo.
Tăng nhãn áp ở vị thành niên có thể được điều trị bằng thuốc nhỏ mắt, uống thuốc theo toa của bác sĩ hoặc phẫu thuật. Đối với bệnh tăng nhãn áp bẩm sinh, lựa chọn tốt nhất là giải phẫu.
Ngoài ra, khám mắt định kỳ có thể giải quyết nhanh chóng các bệnh về mắt như lác, thị lực yếu. Mắt lác có thể điều trị bằng cách đeo kính hoặc phẫu thuật tùy trường hợp. Trẻ bị thị lực kém nên được hỗ trợ bằng cách đeo kính hoặc áp dụng các phương pháp điều trị tiên tiến.