Từ lâu, chén nước mắm đã trở nên quen thuộc trên bàn ăn của các gia đình Việt. Hầu hết các món ăn từ giản đơn trong bữa cơm hàng ngày, đến cầu kỳ như bữa cơm cuối tuần cũng phải thêm chút nước mắm mới tăng vị đậm đà, vừa miệng. Vậy nên có thể nói, chén nước mắm được pha đúng “chuẩn” là yếu tố quan trọng hàng đầu trong bữa cơm gia đình. Dưới đây là chút bí kíp giúp chén nước mắm của bạn không chỉ ngon miệng mà còn rất “ngon mắt” nữa. Cuối tuần này để pha thử ngay những chén nước mắm thật hấp dẫn cho bữa cơm gia đình thêm đậm đà.
Thực đơn “hai chân, có cánh”
Món gà thống trị bàn tiệc với muối tiêu chanh đã dần trở thành xưa cũ. Hãy thử cách pha chén nước mắm trộn gà xé như sau: nước mắm pha với đường, nước cốt chanh theo tỷ lệ 3 mắm, 1 đường, 1 chanh. Bí quyết “ăn điểm” cho chén nước mắm này chính là hạt tiêu để nguyên hạt hoặc chỉ giã dập, thêm vài lá chanh xắt chỉ thật mỏng rồi rắc trên mặt. Cái vị cay nồng của hạt tiêu kết hợp với chua thanh, thơm nhẹ của chanh khiến cho chén nước mắm này dù để trộn hay chấm thì cũng rất “bắt đũa”. Chỉ mới nghĩ đến thôi cũng phải xuýt xoa vì thèm.
Một món ngon khác đến từ thực đơn “hai chân” là chân gà ngâm mắm. Hãy khuấy tan hỗn hợp giấm, đường, nước mắm theo tỷ lệ mỗi thứ nửa bát với 3 bát nước lọc, rồi cho vào nồi đun sôi. Sau đó, bạn tắt bếp để nguội. Tiếp đến cho chân gà đã luộc vào hỗn hợp để ngâm. Đặc biệt, hương vị của món này chỉ hấp dẫn khi bạn cho thêm sả, ớt thái lát và tắc vào thôi nhé. Có thể cho thêm lá chanh thái mỏng vừa thơm, vừa đẹp mắt. Thành quả là món chân gà thật thơm mà lại giòn tan chẳng cần chấm thêm gia vị gì. Món này cho ông xã lai rai cuối tuần là “chuẩn không cần chỉnh”.
Thực đơn cuốn, nướng
Công thức quen thuộc cho thực đơn cuốn, nướng là chén nước mắm chua ngọt theo “tỷ lệ vàng” 1 mắm, 1 đường, 1 chanh hòa cùng 3 phần nước lọc. Tuy nhiên, bạn đừng xay hay giã nát tỏi và ớt trong cối mà hãy dùng dao băm nhỏ tỏi ớt. Thao tác này giúp hạn chế độ hăng nồng của tỏi, lại giúp tạo nên những mảnh tỏi ớt đều tăm tắp. Kích thích hơn nữa chính là những tép chanh mọng nổi cùng với tỏi ớt trên mặt chén. Vì vậy thay vì vắt chanh, bạn nên nghiền nhẹ múi chanh cho các tép chanh bung rời rồi hòa vào chén nước mắm. Khi ăn, có thể bạn sẽ vô tình cắn trúng tép chanh nhỏ ấy, vị chua bất ngờ làm bạn giật mình nhưng ngay sau đó lại cảm thấy hương vị của chén nước mắm lại rất đậm đà. Chỉ đơn giản vậy thôi nhưng bạn đã có ngay trên bàn một chén nước mắm không chỉ ngon đậm đà mà còn đẹp mắt, hấp dẫn nhìn là muốn chấm ngay.
Thực đơn hải sản
Hải sản tươi thường được chế biến “thô” (nướng mọi hoặc hấp chín không cầu kỳ) để giữ nguyên vị ngọt. Vì thế, mọi “gánh nặng” sẽ đổ dồn vào chén nước mắm.
Muốn món hải sản thật ngọt, thật đậm đà, chén nước mắm phải được gia giảm một số gia vị thì mới chuẩn. Sả băm, ớt xanh và gừng giã dập bỏ vô chén và thay vì vắt chanh như trước đây, hãy thử biến tấu với nước ép tắc và quýt. Cách làm này sẽ giúp nước chấm không chỉ có vị chua chua ngọt ngọt dịu nhẹ mà lại có mùi thơm của vỏ tắc, vỏ quýt khác hẳn thường ngày bạn pha nhé!
Có thể nói chính cách pha nước mắm quyết định hương vị của nhiều món ăn. Nước mắm ngon cùng chút ít gia vị đã tạo nên biết bao loại nước chấm phù hợp với từng món ăn. Tuy có nhiều cách pha chế khác nhau nhưng nguyên liệu quyết định cho một chén nước chấm ngon vẫn là nước mắm. Vì vậy, bạn cần lưu ý chọn loại nước mắm chuẩn vị, không quá nồng hay quá mặn sẽ khó pha được nước chấm ngon dù đúng công thức.
Trong rất nhiều thương hiệu nước mắm trên thị trường, Nam Ngư đặc biệt được ưa chuộng, là lựa chọn đầu tiên của các “nội tướng gia đình” nhờ đạt được ngưỡng hương vị “chuẩn”, tròn vẹn, không cần thêm cũng chẳng phải bớt. Với Nam Ngư, bạn chỉ cần gia giảm chút gia vị bí kíp như chia sẻ ở trên là đã có ngay chén nước chấm “vàng” trên bàn ăn. Có lẽ nhờ các yếu tố sắc-hương-vị được dung hòa hoàn hảo mà Nam Ngư đã trở thành một phần không thể thiếu để tạo nên chén nước chấm ngon, góp phần “giữ lửa gian bếp” cho hơn 50 triệu bữa ăn gia đình Việt từ xưa đến nay.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet