Ba, mẹ bận việc nên khi lên 5 đã gửi tôi về nội. Tôi đi qua tuổi thơ mang theo trong ký ức về mùa mưa, nước sông dâng lên cao ngập trắng xóa, đồng ruộng bỏ không. Nội nhìn cánh đồng nước, nén tiếng thở dài lặng lẽ quay đi. Tôi ngây ngô chưa kịp hiểu hết những lo toan nhọc nhằn trong tiếng thở dài ấy, chỉ biết lội bì bõm suốt bao mùa nước nổi.
Khi nước sông dâng lên, cá theo nước ùa vào. Nội bắt được rất nhiều cá, ăn không hết, nên làm món cá thính muối chua ăn dần. Loại cá nào cũng làm cá thính được từ trắm, trôi, chép… Nhưng nội bảo cá mè làm cá thính là ngon nhất. Cá mè dễ kiếm lại tiết kiệm. Cá tươi được nội mổ bỏ ruột, cạo hết màng đen, bỏ đầu, cắt khúc rồi rửa sạch để ráo nước. Nội xát kỹ cá với muối, nhồi muối vào mang, bụng cá.
Nội dùng lọ sành ướp muối cá cho ngon. Cứ một lớp cá, nội lại rắc phủ một lớp muối, lần lượt cho đến miếng cá cuối cùng. Lớp trên cùng của lọ phủ kín muối, rồi dùng nan tre đan thật kín miệng không cho không khí lọt vào, đặt lọ cá vào vị trí khô ráo thoáng mát trong nhà.
Sau khoảng 5 - 10 ngày, tùy theo nhiệt độ thời tiết, độ dày mỏng của khúc cá, nội gỡ lần lượt từng miếng cá ra khỏi lọ, dùng tay ép thật chặt miếng cá cho nhớt cá và mùi tanh theo nước muối chảy ra, độ mặn trong thịt cá sẽ không còn quá gắt như ban đầu. Nội trải từng miếng cá ra nong phơi cho se bớt lại…
Bước ủ cá với thính nội bảo là quan trọng nhất để làm được vại cá thính muối chua thơm ngon, không bị ướt, hỏng. Thính cá có thể làm từ nhiều loại như gạo tẻ, gạo nếp, ngô, đậu tương... Nhưng nội thường hay làm thính từ ngô. Rang thính cũng phải khéo léo và kiên nhẫn hạt ngô mới vàng đều, có độ giòn vừa phải, thơm vừa tới. Ngô chín cho vào cối giã nhỏ, không được giã kỹ quá, thính sẽ bết vào miếng cá ăn không ngon. Thính sẽ hút bớt nước còn trong cá.
Nội xát thính khắp mình cá từ trong ra ngoài thật đều tay cho đến khi miếng cá có màu vàng ươm là được, rồi xếp lại cá vào chiếc lọ sành. Dưới đáy lọ rắc một lớp thính, cứ lượt cá là lượt thính cho đến khi gần đầy miệng lọ. Trên cùng lọ phủ lớp thính thật dày.
Ngày ấy, tôi thường ngồi nhặt sạch rồi quấn tròn từng cọng rơm nếp cho nội nhét chặt vào miệng lọ. Rơm giúp giữ thính trong lọ không rơi ra, hút ẩm, cá thính được lên men chua thơm ngon hơn. Nội dùng nan tre đan thật kín miệng lọ.
Công đoạn cuối cùng là bảo quản, tạo độ chua. Để cá không bị hỏng nội lật ngược úp miệng lọ vào chiếc tô to đựng nước sôi nguội có rắc ít muối để tránh không khí lọt vào. Miệng lọ chạm nước nhưng lớp rơm nén miệng lọ không được ướt. Hàng ngày phải thay tô nước và kiểm tra rơm có bị ướt. Nội để vại cá khoảng 3 - 4 tháng, chờ cá ngấm thính, lên men chín tới, mới lấy ra ăn.
Nội cho miếng cá vào chảo mỡ sôi, để thật nhỏ lửa rán vàng, cũng có nhiều nhà kẹp miếng cá vào vỉ nướng than. Mùi thơm của lớp thính hòa quyện vào với vị chua của thịt cá tạo nên vị ngon ngọt đậm đà rất riêng. Bữa cơm đơn sơ chỉ có món cá thính muối chua rán và rau lang luộc đã đủ cho tôi vét đáy nồi cơm của nội.
Nội gọi món cá thính là món ăn con nhà nghèo. Món ăn dân dã đó là nỗi nhớ thương theo tôi dọc năm tháng dài thơ ấu, món ăn nuôi lớn tôi trong tuổi thơ nghèo khốn khó. Sau này, khi nội mất đi, không ai làm cá thính muối chua cho tôi nữa. Mỗi lần đi xa, gặp món cá thính muối chua, lòng buồn quay quắt nỗi nhớ nội, nhớ cánh đồng mùa nước trắng ám ảnh suốt tuổi thơ …
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet